Dòng tiền đầu cơ chi phối thị trường chứng khoán
Nhiều cổ phiếu tăng giá chóng mặt
Sau khi nhóm cổ phiếu ngân hàng “tạm nghỉ”, thị trường sụt giảm sâu trong tháng 7 và thiếu đi nhóm dẫn dắt đủ mạnh, dòng tiền luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành, từ ngành triển vọng tốt chuyển đến những ngành chỉ cần một câu chuyện đã khiến nhiều cổ phiếu tăng vài chục phần trăm trong vòng 1 tháng, thậm chí chỉ 2 - 3 tuần có thể lãi ngay 30 - 50%.
Trong nhiều nhóm chia sẻ và tư vấn đầu tư gần đây xuất hiện những cảnh báo: Các nhóm cổ phiếu cảng biển, phân bón, than… hay nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp đã bị đầu cơ quá mức do dòng tiền khó tìm kiếm cơ hội nên tập trung vào đó.
Những nhóm này sẽ sớm đi theo cổ phiếu ngân hàng trong vài phiên tới. Trong đó, dòng chứng khoán được cảnh báo có nhiều rủi ro vì tăng quá nhanh và đang gặp áp lực bán chốt lời lớn.
Không khó để bắt gặp các cổ phiếu tăng nóng thời gian qua. Chẳng hạn, chỉ với thông tin Louis Capital (mã TGG) sẽ huy động 450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu, trong đó sẽ giải ngân 200 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của Công ty Chứng khoán APG đã khiến cổ phiếu APG tăng 70,5% trong 1 tháng qua.
Nhiều cổ phiếu chứng khoán nhỏ tăng mạnh trong tháng 8.
Đồng ý rằng nhóm ngành chứng khoán đang được hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường và việc một công ty chứng khoán nhỏ đang có sự chuyển động tương đối tích cực như tăng vốn, chào đón cổ đông mới là câu chuyện sẽ thu hút dòng tiền, nhưng việc tăng nóng như vậy cho thấy dòng tiền đầu cơ nhập cuộc khá mạnh ở cổ phiếu này.
Trong ngành chứng khoán, cổ phiếu VIG cũng ghi nhận mức tăng 50% trong 1 tháng qua. Công ty chứng khoán này đang có 4 quý liên tiếp thua lỗ, dù thị trường thăng hoa. VIG là công ty chứng khoán quy mô nhỏ và hầu như không có lợi thế cạnh tranh.
Cổ phiếu HBS có mức tăng gần 36% trong 1 tháng qua, dù công ty chứng khoán này chỉ lãi còi cọc khoảng 2 tỷ đồng trong hai quý đầu năm.
Hay ở nhóm vận tải, cảng biển, cổ phiếu VOS tăng giá đến hơn 94% trong 1 tháng, VNA tăng 64%, VPA tăng hơn 41%..., những doanh nghiệp này đều kinh doanh kém hiệu quả hoặc đang thua lỗ.
Nhóm cổ phiếu ngành than tiếp tục có bứt phá trong tuần qua. Phiên 25/8/2021, có tới 9/10 cổ phiếu trong nhóm này có mức tăng trần như NBC, CST, TVD, THT, hay TMB… Động lực tăng giá của nhóm này đến từ biến động của giá than trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế. Kể từ đầu năm, giá than đã liên tiếp phá vỡ những kỷ lục cũ để đạt những đỉnh cao mới.
Dù vậy, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nhóm không quá bứt phá, hoặc biên lợi nhuận không cao, chủ yếu do chi phí lãi vay cao bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Chẳng hạn, NBC báo doanh thu nửa đầu năm 1.081 tỷ đồng, lãi ròng gần 17 tỷ đồng; THT có doanh thu thuần 1.290 tỷ đồng, giảm gần 120 tỷ đồng, lãi ròng 19,1 tỷ đồng. Các doanh nghiệp như CLM, TC6, TMB đều có doanh thu sụt giảm.
Trong khoảng một tháng rưỡi tới, dòng tiền lớn sẽ đi theo chiến lược phòng thủ là chính, trừ khi chỉ số VN-Index sụt giảm về dưới 1.200 điểm. Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) |
Dưới góc nhìn của ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), dòng tiền lớn trong nước và dòng tiền ngoại vẫn đang đứng ngoài xem xét, chờ đợi các tiến triển trong việc kiểm soát dịch Covid-19.
Trong khoảng một tháng rưỡi tới, dòng tiền này sẽ đi theo chiến lược phòng thủ là chính, trừ khi chỉ số VN-Index sụt giảm về dưới 1.200 điểm thì mới có thể thay đổi tầm 50% vị thế.
Khi thị trường chỉ còn lại các nhà đầu tư cá nhân là chính, và một số đội nhóm đầu cơ, thì chỉ cần có câu chuyện chung chung là đã có thể thu hút dòng tiền.
Thực tế, câu chuyện giá vận tải biển tăng đã giúp tất cả các cổ phiếu dòng cảng biển đều tăng, không phân biệt doanh nghiệp đầu ngành, cuối ngành, thậm chí cổ phiếu của doanh nghiệp không có vị thế cạnh tranh còn tăng mạnh hơn.
Hay với câu chuyện đầu tư công, được xem là động lực kích cầu nền kinh tế, chỉ cần một thông tin mới nhưng chưa có hành động cụ thể, cũng giúp nhóm này tăng lên. Hoặc câu chuyện cổ phiếu liên quan đến hàng hóa như đường, than… cũng đang có sự nổi lên bất ngờ.
Thống kê của ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích, Công ty Chứng khoán SHS Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong tháng 8/2021, tổng khối lượng giao dịch của các nhóm vật liệu xây dựng, nhóm xây dựng… hay các nhóm liên quan, kỳ vọng hưởng lợi lớn từ đầu tư công như HT1, BCC, PLC, C4G hay DPG, KSB, HBC đều đột biến rất mạnh.
Trước xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các nhóm này, hầu hết công ty chứng khoán cảnh báo, “cơ hội không chia đều”, nhà đầu tư cần có sự chọn lọc đúng đắn.
Dự báo những “địa chỉ” hút dòng tiền
Ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích, đợt dịch Covid-19 lần này tác động mạnh mẽ tới nhiều ngành nghề kinh doanh, nên chứng khoán, với đặc tính là kênh đầu tư có thanh khoản cao, dễ tham gia được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tiền của nhà đầu tư đang nằm trong tài khoản, chỉ chờ thông tin tích cực về dịch bệnh, về mở cửa nền kinh tế là sẽ giải ngân.
Nhà đầu tư đang trong tâm thế quan sát nhiều hơn, nên dòng tiền khó đi lên nhanh và mạnh như trước, nhưng cũng không tiêu cực.
Thị trường đang ở vùng đi ngang, tích lũy chờ đợi. Sắp tới, ông Phương cho rằng, dòng tiền sẽ luân chuyển vào cổ phiếu ngành chứng khoán. Bởi lẽ, dù thị trường biến động ra sao, giá trị giao dịch sụt giảm thì công ty chứng khoán tới thời điểm này đã vượt kế hoạch đề ra, EPS ở vùng cao so với cùng kỳ.
Nhóm thứ hai vẫn thu hút dòng tiền là thép, dù có sự điều chỉnh về giá thép và biến động từ chính sách chống bán phá giá…, nhưng nhìn chung, nhóm doanh nghiệp ngành này vẫn hưởng lợi.
Nhóm thu hút dòng tiền tiếp theo là ngân hàng - nhóm mà nhà đầu tư vẫn tin tưởng, nhiều ngân hàng niêm yết có tên tuổi, thành tích kinh doanh tốt, và so năm ngoái thì đang vượt 20 - 30%. Nhà đầu tư luôn luôn có giao dịch ở ngân hàng, nên có độ nhận diện cao với ngân hàng.
Các ngành khác hút dòng tiền yếu hơn một chút là may mặc, logistics, bất động sản khu công nghiệp - 3 nhóm ngành được hưởng lợi nhiều.
Với ngành may mặc, nhu cầu thị trường hồi phục, doanh nghiệp may mặc đang thích nghi dần với tình trạng hiện nay và có nhiều đơn hàng, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận năm nay.
Với bất động sản khu công nghiệp, hiện Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Còn logistics, giá cước vẫn trong xu hướng có lợi cho các doanh nghiệp trong ngành.
Giám đốc Phân tích MBKE Quản Trọng Thành cũng cho rằng, dòng chứng khoán sẽ quay trở lại, vì kết quả kinh doanh quý III và IV vẫn tốt so với mặt bằng chung các ngành khác. Đặc biệt là trong quý III, khi hầu hết các ngành chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, chứng khoán sẽ là ngành dễ nhìn thấy sự khả quan nhất.
“Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì đà phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu”, ông Thành nói và nhận định thêm, câu chuyện thúc đẩy đầu tư công sẽ rõ ràng, các nhóm sẽ hưởng lợi là vật liệu xây dựng, các cổ phiếu liên quan đến hạ tầng sẽ chạy trước, chứng khoán và bất động sản tiếp theo rồi đến tiêu dùng, bán lẻ.
Theo vị chuyên gia này, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có sự phục hồi, nhưng chỉ quay lại vị thế dẫn dắt thị trường vào giữa hoặc cuối quý IV, khi có những thông tin về kết quả kinh doanh phục hồi nhanh và nền kinh tế nói chung đã vững chắc hơn.
Theo Tinnhanhchungkhoan