Dự án nhà máy nước sông Đuống của Shark Liên: Bộ Công an đề nghị Hà Nội cung cấp hồ sơ
Trước ngày 30/9, Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội phải cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan tới Nhà máy nước mặt sông Đuống cho Bộ Công an.
Theo một nguồn tin, mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội để phối hợp cung cấp hồ sơ, tư liệu. Theo đó, Sở này sẽ phải cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về việc quy hoạch, điều chỉnh Quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ 2013 đến nay. Cùng với đó là hồ sơ, tự liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Cục C03 sẽ cử một tổ công tác trực tiếp làm việc với Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu. Thời gian bàn giao hồ sơ, tư liệu cho cơ quan công an trước ngày 30/9.
Về Nhà máy nước mặt sông Đuống, dự án vướng nhiều sai phạm, lùm xùm ngay cả khi chưa đi vào hoạt động. Dự án đặt tại xã Phù Đổng và Trung Mầu của huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, sử dụng đầu vào là nguồn nước mặt của sông Đuống. Chủ đầu tư là Tập đoàn Aqua One, do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch HĐQT. Thời điểm này, Shark Liên đồng thời giữ vị trí Tổng giám đốc Cty Cổ phần nước mặt sông Đuống.
Shark Liên, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại lễ khởi công dự án nhà máy
Từ thời điểm khánh thành giai đoạn 1 (5/9/2019), Nhà máy nước mặt sông Đuống liên tục bị tố nhiều sai phạm như dự án chưa được nghiệm thu vẫn đưa vào khai thác. Nhiều người dân cũng cho rằng, nhà máy này đang bán nước sạch cho dân với giá “cắt cổ”. Chưa dừng lại ở đó, nghiêm trọng hơn, dự án của Shark Liên còn bị chỉ mặt làm phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch.
Trước thời điểm dự án khánh thành giai đoạn 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản UBND TP Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Cục này chỉ ra rằng, dự án còn nhiều tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); Chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; Kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống…
Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, ngày 5/9/2019, Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn rình rang khánh thành giai đoạn 1 với sự chủ trì, tham dự của Shark Liên và Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (thời điểm đó).
Câu chuyện về giá, trong khi nước Sông Đà rơi vào khoảng hơn 5.000 đồng/m3 và đang có lãi lớn thì người dân bất bình khi TP Hà Nội duyệt cho Sông Đuống giá nước 10.246 đồng/m3.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hà thừa nhận, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT).
Tổng quan dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống
Theo ông Hà, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau.
Theo đó, tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. “Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”, ông Nguyễn Việt Hà thông tin.
Sau những phát biểu này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là điều vô lý. Không thể có chuyện đầu tư càng lớn, đi vay càng nhiều thì dồn hết chi phí lên giá nước. Điều này không thể chấp nhận được. Cần phải xem xét cơ quan nào phê duyệt giá nước cho Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Trong quá trình triển khai dự án, không ít lần bà Đỗ Thị Kim Liên thông tin với báo chí và khẳng định, công nghệ của Nhà máy nước mặt sông Đuống là công nghệ châu Âu, nước đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Tuy nhiên mới đây, trên thực tế, Nhà máy Nước sông Đuống giai đoạn 1 lại sử dụng ống gang dẻo Xinxing (Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing - Trung Quốc) để truyền tải nước. Việc này gây nhiều ý kiến trái chiều, hoài nghi về niềm tin với người nổi tiếng là Shark Liên.
Nhìn lại 3 năm trước, vào năm 2016, Cty cổ phần Nước sạch Vinaconex, đơn vị Chủ đầu tư dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2 cũng lựa chọn Công ty TNHH Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) là nhà thầu cung cấp vật liệu ống gang dẻo. Tuy nhiên, hợp đồng say đó phải hủy do bị dư luận phản đối và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này.
Theo Quyết định chủ trương đầu tư 3846/QĐ-UBND của TP Hà Nội ngày 24/6/2017 về phát triển mạng lưới của Công ty Cổ phần sông Đuống, bao gồm: các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã); Đông Anh (9 xã); Gia Lâm (5 xã). Tuy nhiên, không ít lần, đơn vị này bị phát hiện vươn vòi bạch tuộc sang các địa bàn khác để bán nước.
Cụ thể, vào tháng 5/2019, Cty Cổ phần nước mặt sông Đuống lấn làn xây dựng đường ống cấp nước cho khu dân cư Đại Thanh thuộc huyện Thanh Trì. Theo quy hoạch thì khu vực này thuộc quyền cấp nước của Công ty nước sông Đà.
Tuy nhiên, không hiểu sao, Cty Cổ phần nước mặt sông Đuống lại ngang nhiên tiến hành xây dựng đường ống đấu nối tại cầu Bươu từ tuyến ống truyền dẫn DN800 để tiến hành cấp nước cho khu dân cư Đại Thanh gồm 6 lốc nhà chung cư và khu nhà ở thấp tầng.
Cuối tháng 10/2019, đường ống nước đối diện Trung tâm thương mại Savico MegaMall Long Biên bị rò rỉ, gây sự cố tràn nước ra đường. Sau sự cố, thêm một sự thật bị phát giác là Cty Cổ phần nước mặt sông Đuống lấn quy hoạch, bán nước sang cả quận Long Biên.
Trước những lùm xùm, giữa tháng11/2019, bà Đỗ Thị Kim Liên rút khỏi vị trí Tổng giám đốc của Cty Cổ phần nước mặt sông Đuống. Người tiếp quản là ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980. Ông Hoàng đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Aqua One.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Đến năm 2030 công suất nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. |
Doanh nhân Việt Nam sẽ thông tin tiếp vụ việc…
KẾ TOẠI