Dự báo cổ phiếu đầu cơ “lặng sóng”, dòng tiền quay lại nhóm vốn hóa lớn từ quý II
Nhìn lại quý I: VN-Index điều chỉnh vừa phải, thanh khoản duy trì dồi dào
Chỉ số VN-Index đã lập đỉnh cao nhất mới từ trước đến nay tại mức 1.530 điểm vào tháng 1/2022. Theo nhận định của VCBS, mặc dù trong những tuần sau đó, căng thẳng Nga – Ukraine đã đưa các chỉ số lớn trên thế giới diễn biến theo chiều hướng tiêu cực nhưng VN-Index chỉ điều chỉnh giảm ở mức vừa phải và vẫn giữ được xu hướng dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm với biên độ khoảng +/- 20 điểm.
Điều này hàm ý nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam với kỳ vọng kinh tế dần hồi phục sau đại dịch.
Đi cùng xu hướng tích cực của VN-Index là đà tăng trưởng ấn tượng của cả giá trị và khối lượng giao dịch, tương ứng thanh khoản trong phiên. Trong quý I, trên sàn HSX, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên ước đạt khoảng 1.013,05 triệu cổ phiếu, tức tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên cũng tăng gần 64%, đạt 31.175,15 tỷ đồng.
Đà tăng được dẫn dắt chủ yếu bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng như BID, VCB, MBB. Ngược lại, VIC, MSN và khá nhiều cổ phiếu trong nhóm Bất động sản - mà đáng kể nhất là NVL, VHM - ghi nhận xu hướng đi xuống và đóng góp nhiều nhất ở chiều giảm điểm của VN-Index.
Tương ứng với VN-Index, chỉ số VN30 cũng đạt đỉnh từ đầu năm và sau đó liên tục ghi nhận các nhịp tăng giảm xen kẽ, dao động trong khoảng từ 1.480 điểm tới 1.560 điểm. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 9.162 tỷ đồng, ghi nhận tăng trưởng 21% so với mức cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của VCBS, chỉ số VN30 hiện đang có dấu hiệu nhận được sự quan tâm trở lại từ dòng tiền đầu tư sau khi xoay vòng giữa các “game” cổ phiếu mid-cap kể từ giữa năm 2021.
Về phía khối ngoại, tính chung trong quý, nhà đầu tư ngoại bán ròng tổng cộng 11.300 tỷ đồng giá trị ở các cổ phiếu trong rổ VN30, tính trung bình mỗi phiến bán ròng 185 tỷ đồng. Đỉnh điểm trong phiên giao dịch ngày 19/1, khối ngoại bán ròng kỷ lục 5.066 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào HPG.
Tính chung toàn thị trường, đến hết ngày 31/3/2022, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt tổng cộng 6.560,54 tỷ đồng trên cả ba sàn HSX, HNX và UpCom. VCBS nhận định trong quý I/2022, cùng với đà phục hồi kinh tế, khối ngoại dù vẫn bán ròng nhưng khối lượng bán đã giảm đáng kể, trong đó cuối tháng 1 và tháng 3 là các thời điểm ghi nhận khối ngoại mua ròng.
Mức mua ròng nhiều nhất của khối ngoại tập trung vào các cổ phiếu DGC, DXG, KBC cùng một số mã bluechips (VHM, STB). Ngược lại, các cổ phiếu vốn hóa lớn (VIC, MSN, HPG) cùng VNM, NVL bị khối ngoại bán mạnh tay.
Triển vọng thị trường chứng khoán 2022: cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng “lặng sóng”
Nhận định về triển vọng TTCK Việt Nam quý II, nhóm chuyên gia VCBS cho rằng các yếu tố kinh tế chính sẽ tiếp tục chi phối diễn biến thị trường.
Cụ thể, về diễn biến vĩ mô nói chung, VCBS nhận định đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục khởi sắc nhưng đi cùng với mức lạm phát cao. Lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ, nhưng mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn được giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.
Từ những yếu tố này, nhóm nghiên cứu VCBS tiếp tục duy trì dự báo VN-Index có thể tiến đến đỉnh quanh vùng điểm số 1.580 – 1.600 trong năm 2022, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021.
Khối lượng giao dịch bình quân được dự báo tăng nhẹ, ở mức hơn 1 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trên cả 3 sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 8-10% so với mức năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân kỳ vọng tăng 17-20% so với năm 2021, tương ứng đạt khoảng 28.000-30.000 tỷ đồng/ phiên trên cả 3 sàn.
Liên quan đến một số diễn biến đáng chú ý trong thời gian gần đây tác động đến tâm lý thị trường sau khi cơ quan chức năng ra quyết định bắt tạm giam lãnh đạo của một số công ty đang được niêm yết, VCBS nhận định đây là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Nhìn chung, cơ quan này dự báo từ quý II, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng sẽ “lặng sóng” trong một thời gian dài và dòng tiền sẽ có xu hướng quay trở lại các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Cơ hội đầu tư cho từng ngành: nhóm BĐS vẫn tiềm năng, “vàng thật không sợ lửa”
Nhận định riêng cho từng ngành, VCBS cho rằng còn nhiều nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng tiềm năng, tuy nhiên nhà đầu tư cần sàng lọc và nghiên cứu kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh cốt lõi của từng doanh nghiệp cụ thể.
Nhóm Dầu khí, Xi măng, Khai thác và chế biến kim loại màu..., tức nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước vốn đã tăng trưởng khá tốt trong quý I, được dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng tích cực hơn trong những quý tiếp theo của năm 2022. Nhất là trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine làm sâu sắc thêm những đứt gãy vốn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường hàng hóa quốc tế tăng phi mã.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ, được nhận định sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của ngành và là cơ hội đầu tư tiềm năng trong cả năm 2022. Nguyên nhân là do trong năm nay, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, phục hồi kinh tế trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu và để tiếp sức cho đà phục hồi, tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục mạch tăng trưởng tích cực.
Nhóm bán lẻ hàng hóa xa xỉ - đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý - cũng được đánh giá triển vọng sáng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi theo xu hướng chung của nền kinh tế.
Nhóm cảng biển, dệt may, đồ gỗ, thủy sản…, tức các ngành nằm trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng được dự báo có một số cơ hội đầu tư nhất định trong bối cảnh thương mại quốc tế của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, VCBS cảnh báo rằng khả năng tận dụng cơ hội đến từ bối cảnh chung cũng như tiềm năng tăng trưởng giữa các doanh nghiệp trong từng ngành có sự phân hóa lớn, do đó nhà đầu tư cần xem xét kỹ hoạt động kinh doanh cốt lõi của từng doanh nghiệp cụ thể để đầu tư hiệu quả.
Riêng với nhóm bất động sản, VCBS kỳ vọng sự phân hóa đã và đang diễn ra giữa các nhà phát triển bất động sản - cả nhóm bất động sản dân dụng và nhóm bất động sản khu công nghiệp - sẽ vẫn tiếp tục trong phần còn lại của năm nay. Theo đó, những doanh nghiệp với lợi thế về quỹ đất, năng lực tài chính lành mạnh và định hướng phát triển dự án rõ ràng sẽ có sự bứt tốc mạnh mẽ so với phần còn lại của ngành.
Trong khi đó, việc xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp hoạt động thiếu minh bạch, nhưng đồng thời cũng để lại các khoảng trống trên thị trường bất động sản cũng như mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp bất động sản khác.