Dự báo nào cho bức tranh chất lượng tài sản ngân hàng trong 2025?

Diên Vỹ 11:29 | 09/01/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc Thông tư 02/2023 hết hiệu lực sẽ mang lại những tác động có thể kiểm soát đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm 2025, nhờ sự cải thiện dòng tiền của người vay, giúp làm chậm lại tốc độ hình thành nợ xấu trong suốt 2024.

 

Chất lượng tài sản ngân hàng chịu tác động 'có thể kiểm soát' sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực

 Sau thời gian gia hạn, Thông tư 02 đã chính thức hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024. Như vậy, bắt đầu từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ không còn được phép áp dụng các điều khoản trong đó để cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng. 

Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) nhận định khi Thông tư 02 hết hiệu lực, tác động lên chất lượng tài sản của các ngân hàng là có thể kiểm soát được trong năm 2025. Lý do là các ngân hàng đã ghi nhận tốc độ hình thành nợ có vấn đề chậm lại khi dòng tiền hoạt động của người đi vay dần được cải thiện xuyên suốt cả năm 2024. 

“Chúng tôi kỳ vọng khả năng trả nợ của người đi vay sẽ tiếp tục được tăng cường trong bối cảnh điều kiện kinh doanh và kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế”, trích báo cáo của VIS Rating.

 

 

Theo đó, tính đến tháng 6/2024, tổng nợ có vấn đề của ngành ngân hàng – bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tái cơ cấu và trái phiếu VAMC - ổn định ở mức 6,9% trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. VIS Rating nhận định chỉ số này đã ổn định trong năm qua sau khi tăng mạnh 2,7 điểm % trong giai đoạn 2022-2023. 

Báo cáo của chứng khoán BSC dẫn số liệu từ NHNN cho hay tính đến cuối quý III/2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 chiếm tỷ trọng khoảng 1,6% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng. Trong đó, chỉ có 1 số ngân hàng có tỷ trọng dư nợ Thông tư 02 tương đối cao như VPB (2,5% dư nợ), MSB (1,2% dư nợ), TPB (0,8% dư nợ), còn lại các ngân hàng lớn khác đều chỉ có tỷ trọng này <0,5%.  

Báo cáo tài chính của các ngân hàng ba quý đầu năm cũng cho thấy tốc độ hình thành nợ quá hạn nói chung đã chậm lại. Hầu hết các ngân hàng bày tỏ sự tự tin rằng dòng tiền trả nợ của khách hàng sẽ tiếp tục phục hồi nhờ điều kiện hoạt động kinh doanh trong nước tốt hơn. VIS Rating cũng chỉ ra rằng quy mô các khoản nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể tại một số các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tư nhân (ví dụ: TCB, ACB, HDB, VIB). 

Sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu. Tác động lên kết quả kinh doanh, theo các chuyên gia VIS Rating, vẫn có thể được kiểm soát đối với các ngân hàng lớn có quy mô nợ tái cơ cấu hạn chế.

Tuy nhiên, một số ít ngân hàng, với các khoản nợ tái cơ cấu đáng kể liên quan đến các khách hàng lớn và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ có rủi ro tài sản cao nhất. Báo cáo cũng đồng thời lưu ý rằng những ngân hàng này vẫn phải đối mặt chủ yếu với các vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, trong bối cảnh một số nhà phát triển bất động sản vẫn đang vướng mắc các vấn đề pháp lý hoặc nhu cầu thấp tại các dự án mới.

Ngoài ra, khả năng cải thiện khả năng sinh lời để đáp ứng chi phí tín dụng cao hơn cũng là thách thức trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng tăng lên để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. “Một số ngân hàng nhỏ, đã có kế hoạch giảm rủi ro cho vay nhằm giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản và nếu thực hiện sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lãi ròng của các ngân hàng đó”, báo cáo cho hay.

 

Cùng quan điểm này, Chứng khoán BSC nhận định sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực, tác động gia tăng lên chi phí dự phòng dự kiến sẽ được kiểm soát. “Các ngân hàng về cơ bản đều nhận định rằng việc Thông tư 02 hết hiệu lực cũng không gây áp lực đáng kể đối với sức khỏe bảng cân đối”, báo cáo của BSC cho hay. 

Ở góc nhìn thận trọng hơn, Chứng khoán An Bình (ABS) trong một báo cáo gần đây cảnh báo rằng một phần nợ tái cơ cấu có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, gây áp lực tăng tỷ lệ nợ xấu và tiếp tục giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, nhất là ở các ngân hàng tư nhân nhỏ.

Tuy vậy, các chuyên gia cùng kỳ vọng nợ xấu có thể cải thiện hơn tại các ngân hàng lớn nhờ xu hướng nợ nhóm 2 tiếp tục được cải thiện, giảm 4 quý liên tiếp, cho thấy áp lực nợ xấu hình thành trong các quý sau đã giảm bớt. Cùng đó, các lĩnh vực có tỷ lệ cao trong tổng tín dụng toàn ngành như bất động sản, sản xuất công nghiệp… dần được cải thiện, có thể giúp giảm nợ xấu tại các ngân hàng có tỷ trọng cho vay cao ở những ngành này. 

 Thông tư 02/2023/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 02) được NHNN bắt đầu triển khai vào tháng 5/2023 như một công cụ chính sách nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua các khó khăn kinh doanh và tài chính trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Thông qua chính sách đặc biệt tại Thông tư này, các ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tạo điều kiện cho khách hàng linh hoạt hơn trong việc trả nợ và có thêm thời gian để tổ chức lại hoạt động kinh doanh và quản lý dòng tiền. Thông tư 02 cũng cho phép các ngân hàng hoãn ghi nhận chi phí tín dụng liên quan các khoản vay được cơ cấu lại đến cuối năm 2024. 

Bức tranh chất lượng tài sản ngân hàng ra sao trong 2025?

Tính đến hết quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tăng nhẹ 2 điểm cơ bản (bps) so với quý II lên mức 2,25%. Nguyên nhân nợ xấu tiếp tục gia tăng được cho là do thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của chủ đầu tư và các cá nhân vay mua nhà.  

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 13,3 điểm % từ 96% cuối năm 2023 xuống còn 83% vào cuối quý III/2024, chỉ ngang bằng mức thấp năm 2020. Có 19 trong tổng số 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với đầu năm, mà một phần nguyên nhân theo chứng khoán BSC chỉ ra, là do các ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng xóa nợ xấu cho các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, bao gồm cả nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 02 

Dự báo về bức tranh chất lượng tài sản ngân hàng 2025, Chứng khoán BSC cho rằng xu hướng hình thành nợ xấu đang dần ổn định và năm nay sẽ là năm bộ đệm dự phòng đối diện thử thách. 

Cụ thể, thống kê của BSC từ báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ quá hạn (nợ nhóm 2-5) ghi nhận giảm nhẹ trong quý (-4,5 bps so với quý trước) tuy nhiên có sự trái chiều giữa các nhóm nợ khi tỷ lệ nợ xấu tiếp tục nhích nhẹ (+5,5 bps). Trong khi đó, tỷ lệ chi phí trích lập/thu nhập lãi đang gia tăng trở lại trong năm, cho thấy những áp lực về mặt trích lập.

"Nhìn chung, chúng tôi đánh giá xu hướng cải thiện chất lượng tài sản tiếp tục được ghi nhận trên toàn ngành trong 9 tháng 2024 khi tỷ lệ nợ xấu hình thành mới đang dần ổn định trở lại... Tuy nhiên quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến do ảnh hưởng từ bão Yagi vừa qua trong bối cảnh sức khỏe của tín dụng bán lẻ và SME vốn đã có sự phục hồi yếu", báo cáo của BSC nhận định. 

Các chuyên gia đánh giá triển vọng nợ xấu trong 1-2 quý tới của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa, nhưng nhìn chung tỷ lệ nợ xấu sẽ duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ so với thời điểm cuối quý III/2024. Sự cải thiện về tỷ lệ nhảy nhóm nợ vẫn được kì vọng tiếp diễn tuy nhiên ở tốc độ vừa phải và ít có diễn biến bất ngờ. 

Ngoài ra, 2025 cũng được dự báo có thể là giai đoạn toàn ngành làm dày bộ đệm LLCR trở lại khi phần tích lũy trong giai đoạn dịch COVID-19 đã không còn, do đó dư địa để sử dụng bộ đệm dự phòng nhằm kiểm soát nợ xấu không còn nhiều. Trong bối cảnh đó, ngân hàng nào có lợi thế về LLCR so với ngành sẽ có lợi thế hơn về mặt chi phí tín dụng trong 2025, theo BSC.