Dự báo nhu cầu phục hồi dần, biên lãi của Hòa Phát (HPG) cải thiện từ nửa cuối năm
Sản lượng bán thép của HPG cải thiện trong tháng 3, Chủ tịch nói giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua
Vào đầu tháng 4, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã công bố ước tính kết quả kinh doanh tháng 3 với những tín hiệu tăng trưởng tốt.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết đã sản xuất 440.000 tấn thép thô trong tháng 3, tăng 6% so với tháng 2. Sản lượng bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 500.000 tấn, tăng 5% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn gần 40% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 282.000 tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, tương đương tháng 2 nhưng giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo cho biết, điều này chủ yếu do nhu cầu thị trường trong và xuất khẩu vẫn ở mức thấp so với năm trước, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.
Sản lượng HRC trong tháng 3 đạt 210.000 tấn, tăng 13% so với tháng 2, trong đó xuất khẩu đóng góp 30.000 tấn tới các thị trường Indonesia, Malaysia. Hòa Phát dự kiến trong tháng 4, lượng xuất khẩu HRC sẽ tăng mạnh tới các quốc gia thuộc khu vực châu Âu và châu Á.
Bên cạnh đó, sản phẩm thép hạ nguồn của Hòa Phát ghi nhận gần 53.000 tấn ống thép và 22.000 tấn tôn mạ các loại, giảm lần lượt 41% và 39% so với cùng kỳ.
Lũy kế quý I, Tập đoàn đã sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái.
Trong quý đầu năm, thép xây dựng đạt 869.000 tấn, giảm 35% so với cùng kỳ. Bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 482.000 tấn, tương đương trên 60% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn cũng cung cấp trên 26.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.
Sản phẩm ống thép, tôn mạ đã cung cấp cho thị trường trong 3 tháng vừa qua lần lượt là 160.000 tấn và 69.000 tấn, giảm lần lượt 23% và 34% so với 3 tháng đầu năm 2022. Công suất thép thô của HPG hiện đạt 8,5 triệu tấn/năm, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hòa Phát cho biết: “Thời gian tới, Tập đoàn sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều tiết sản xuất một cách phù hợp và hiệu quả nhất”.
Về kế hoạch kinh doanh cho cả năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Đồng thời, HĐQT Hòa Phát cũng trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm 2022, toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích quỹ sẽ được dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long nhận định giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của ngành thép đã qua, nội lực của Hòa Phát và doanh nghiệp ngành thép là tốt, nhưng tương lai triển vọng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Dự báo triển vọng sáng dần từ nửa cuối năm
Chứng khoán BSC: Nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước dự báo phục hồi từ nửa cuối năm
Trong báo cáo cập nhật vào đầu tháng 4, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng công bố dự phóng kết quả kinh doanh của HPG trong năm nay.
Theo đó, BSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ quay trở lại từ nửa sau quý II. Trong đó, đối với tiêu thụ nội địa, nhu cầu phục hồi được kỳ vọng nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS được thông qua, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. Trong tháng trước, theo BSC, một số dự án BĐS của CTCP Vinhomes (VHM), Masterise,... đã quay trở lại và thi công. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng tốc độ phục hồi sẽ tương đối chậm do thị trường bất động sản cần thời gian để tái cấu trúc dự án.
Đối với xuất khẩu, BSC kỳ vọng nhu cầu thép từ các quốc gia châu Á sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm nay. Nguồn cung thép vẫn khá hạn chế khi Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách giảm phát thải trong năm 2023. Điều này được kỳ vọng giúp hoạt động xuất khẩu thép của HPG sẽ cải thiện trong nửa cuối năm.
BVSC: Nhu cầu thép dân dụng và thép đầu tư công "đỡ" phần nào mức giảm sản lượng tiêu thụ cho Hòa Phát
Còn theo báo cáo mới nhất về Tập đoàn Hòa Phát, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định tuy thị trường bất động sản (BĐS) trong nước khó khăn nhưng nhờ nhu cầu tiêu thụ thép dân dụng của các hộ gia đình và nhu cầu thép đầu tư công tăng trưởng trong năm nay giúp mức giảm sản lượng tiêu thụ của HPG không quá lớn. Tổng tiêu thụ thép xây dựng nội địa tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 7,7 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ, tổng sản lượng tiêu thụ của HPG nội địa đạt khoảng 3 triệu tấn, giảm 2,7% svck nhờ tiếp tục tăng thị phần lên khoảng 39% so với mức 37% của năm 2022.
Trong bối cảnh thị trường như vậy, BVSC dự báo biên lợi nhuận của HPG được cải thiện trong năm 2023 nhờ giá nguyên vật liệu (NVL) chính là than cốc và quặng sắt giảm dù giá bán thép khó tăng mạnh khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục chưa mạnh. Biên lợi nhuận gộp của HPG được dự báo hồi phục lên 12,9% so với mức 11,9% của năm 2022. Lỗ tỷ giá của HPG dự báo giảm xuống 578 tỷ đồng so với mức 1.864 tỷ đồng trong năm 2022.
Trước đó, trong báo cáo hồi đầu tháng 3, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định HPG đang trong giai đoạn khó khăn nhất của chu kỳ kinh doanh và dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ phục hồi đang khá chậm. Tuy nhiên, nhờ vị thế hàng đầu của HPG trong ngành thép Đông Nam Á sẽ giúp công ty hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng mạnh mẽ ở cả mảng dân dụng và cơ sở hạ tầng, cùng bảng cân đối kế toán lành mạnh của công ty với lượng tiền mặt dồi dào giúp gia tăng thị phần trong giai đoạn giá thép giảm và Khu liên hợp Dung Quất (KLHDQ) 2 sẽ giúp HPG tăng công suất sản xuất thép thô lên 14,6 triệu tấn/năm từ năm 2025, tăng 66% so với hiện nay.
Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng (HRC) - sản phẩm đầu ra chính của KLHDQ 2, vẫn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung tại thị trường nội địa và phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó những lo ngại về tình trạng dư cung thép của HPG trong giai đoạn 2025 - 2030 là thấp, theo quan điểm của các chuyên gia.
VNDirect: Tăng trưởng lãi ròng của Hòa Phát sẽ được cải thiện từ quý III
VNDirect kỳ vọng tăng trưởng lãi ròng HPG sẽ được cải thiện trong quý III năm nay. Cụ thể, từ kết quả kinh doanh kém hơn kỳ vọng trong quý IV/2022 do chi phí nguyên liệu đầu vào cao, các chuyên gia đang thận trọng hơn đối với lãi ròng ngắn hạn của HPG trong quý I. Theo VNDirect, lãi ròng của HPG vẫn sẽ ghi nhận ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023, trước khi tăng trưởng tích cực trở lại từ quý III nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng trở lại từ mức thấp của nửa cuối năm 2022, biên lãi gộp được cải thiện khi giá nguyên liệu đầu vào giảm và dự phóng giảm giá hàng tôn kho thấp hơn và cải thiện lỗ ròng chi phí tài chính khi lỗ tỷ giá giảm mạnh.
Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (bao gồm giá thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), VNDirect ước tính biên EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) của HPG trong quý I thấp hơn 1,8 điểm % so với quý IV/2022. Nhu cầu yếu dẫn đến lo ngại về khả năng chuyển rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào của HPG sang phía người tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, hiệu suất vận hành nhà máy thấp trong nửa đầu năm 2023 cũng sẽ tác động tới biên lợi nhuận của tập đoàn. Do đó, nhóm phân tích dự phóng lãi ròng của công ty có thể vẫn âm trong quý I.