Dư địa lớn đang dành cho xe điện
Theo phân tích, đánh giá của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương, ngành ô tô Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi sau dịch Covid-19.
Việc dung lượng thị trường tăng mạnh sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những mẫu xe tốt và có hàm lượng công nghệ cao. Điểm đến lý tưởng cho nhu cầu này chính là những mẫu ô tô, xe máy điện.
Điều này dần được hiện thực hóa khi ngay đầu năm 2022, hãng xe VinFast đã công bố nhiều kế hoạch thúc đẩy sản xuất ô tô điện trong nước cũng như quốc tế. Hay ông lớn Toyota Việt Nam cũng đẩy mạnh việc mang về hàng loạt những mẫu xe Hybird như Corolla Altis HV, Camry HV hay mẫu xe bán chạy bậc nhất Corolla Cross HV…
Không nằm ngoài xu thế này hàng loạt ông lớn ô tô cũng mang những mẫu xe điện đình đám của mình về nước để thăm dò, điền hình như Thành Công Group với Hyundai Ioniq 5, THACO với KIA EV6, Liên Á với Audi e-tron…
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã ban hành dự thảo Nghị định giảm một nửa lệ phí trước bạ đối với xe điện. Trong khi Bộ Giao thông vận tải cũng đang nỗ lực cùng các Cơ quan Chính phủ để phát triển giao thông xanh và thân thiện môi trường sống, trong đó có bao gồm những thứ liên quan đến chính sách ưu đãi dành cho các sản phẩm ô tô điện, ắc quy, và phụ tùng đi kèm.
Chính sách của Chính Phủ đang tập trung phần lớn cho vấn đề giảm phát thải CO2, giúp cải thiện các vấn đề về môi trường. Vì thế, buộc các nhà sản xuất phải tăng cường tham gia để có thể góp phần thúc đẩy thị trường phát triển mạnh và bền vững hơn.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Mạnh Thắng (Sáng lập diễn đàn Oto+, giám đốc nội dung kênh thông tin chuyên về xe - Whatcar.vn) đánh giá: “Chúng ta hiện đang có nhiều dư địa để phát triển xe điện hơn các quốc gia khác trong khu vực. Các quốc gia khác như Thái Lan hay Indonesia hiện có lợi thế hơn khi đang sản xuất hay xuất khẩu nhiều xe động cơ đốt trong truyền thống những lại không có được nhiều thứ về xe điện như chúng ta”.
Mới đây, việc “mang chuông đi đánh xứ người” của VinFast đã giúp VIệt Nam được thế giới quan tâm hơn đặc biệt là về lĩnh vực xe điện. Ngoài ra, đối với xe điện thì có 2 vấn đề cần quan tâm nhất là Pin và các phần mềm điều khiển. Những vấn đề này đang được 1 vài thương hiệu xe trong nước nghiên cứu và ứng dụng khá tốt. Việc tạo ra hạ tầng sẵn có cũng như nắm giữ được công nghệ sẽ là tiền đề giúp những ông lớn khác của ngành xe điện quan tâm đến Việt Nam, ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng đánh giá về tiềm năng của ngành xe điện trong nước, Pgs. Ts. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, cũng có đánh giá khá tương đồng. “Tôi đã có cơ hội tham quan nhà máy của VinFast và đặc biệt ấn tượng với chiến lược cũng như sự đầu tư của doanh nghiệp này. Với những công nghệ cũng như hạ tầng mà VinFast đang sở hữu thì đơn vị này có thể đã tiệm cận với nhiều ông lớn trong ngành xe hơi ở Châu Á chứ không chỉ trong khu vực Đông Nam Á”, ông Phúc nhận định.
Theo Pgs. Ts. Đàm Hoàng Phúc, việc VinFast công bố kế hoạch sản xuất và bán hàng như hiện nay nhiều khả năng những chiếc xe VF 8 hay VF 9 bán ra tại Mỹ đặc biệt là Châu Âu vẫn sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Điều này cũng sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền công nghiệp ô tô nói chung và xe điện nói riêng.
Còn đó nhiều thách thức
Là một người làm đào tạo, Pgs. Ts. Đàm Hoàng Phúc nhận định: “Dù có nhiều tiềm năng nhưng để “bật” lên trước các đối thủ chúng ta cần chuẩn bị thật tốt nguồn nhân sự công nghệ cao về ô tô sẵn có trong nước. Khi có hạ tầng tốt cùng nguồn nhân sự chất lượng và ổn định thì nhiều ông lớn sẽ chọn Việt Nam là điểm đến trong tương lai”.
Để cải thiện điều này, nhà trường và các thầy giáo tại trường Đại học Bách Khoa cũng đang cố gắng liên hệ để tạo môi trường học tập thực tế tốt nhất cho các bạn học sinh chuyên ngành ô tô. Những chương trình học hiện được sự hỗ trợ rất tốt của những ông lớn ô tô như Toyota, VinFast hay Hyundai Thành Công đang giúp sinh viên của chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp cận những công nghệ mới nhất hiện nay.
Ở khía cạnh khác chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng lại cho rằng việc làm chủ hoàn toàn công nghệ Cell Pin sẽ là vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới. Theo ông Thắng, hiện tại công nghệ Pin mà VinFast hay 1 số doanh nghiệp đang xử dụng chưa hoàn toàn tối ưu.
“Ông lớn VinFast đang hợp tác với Gotion để phát triển pin LFP, công nghệ pin này hiện vẫn còn 1 số tồn tại. Tuy nhiên, chiến lược của họ (VinFast) ở đây có thể đang là tối ưu chi phí cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào tại thời điểm này. Nếu những kỹ sư của VinFast và Gotion có thể tối ưu thêm dòng pin này thì sức mạnh của liên doanh này có thể khiến nhiều ông lớn phải e dè”, ông Thắng nhận định.
Cùng với đó vẫn còn nhiều thách thức nội tại để Việt nam có thể phổ biến được loại phương tiện này qua đó trở thành trung tâm sản xuất như: Mức giá thành cao, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đồng bộ và có thể cả nguy cơ quá tải điện ở một số khu vực.
Tuy nhiên, nếu đã nhận thức được vấn đề nhiều khả năng trong thời gian tới Chính phủ hay các doanh nghiệp liên quan sẽ có những giải pháp chủ động cũng như thiết thực để tháo gỡ những vấn đề này.