Dữ liệu về lạm phát nóng tại Mỹ khiến thị trường lo lắng
Trấn an của FED
Giá tiêu dùng tại Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua, trong vòng 12 tháng tính đến tháng 4/2021. Nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng giá sẽ còn tăng nữa, làm dấy lên lo ngại là nền kinh tế đang quá nóng.
Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ lạm phát cả năm sẽ tăng lên 4,7% vào tháng 5 trong số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 3/6, so với 4,2% vào tháng 4. Tỷ lệ lạm phát cơ bản, trừ một số mặt hàng dễ thay đổi giá như thực phẩm và năng lượng dự kiến sẽ tăng từ 3% vào tháng 4 lên 3,4% vào tháng 5.
Đây là mức cao nhất kể từ giữa những năm 1990.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang FED, Jerome Powell kiên quyết rằng giá tiêu dùng cao hơn chỉ là tạm thời, và ngân hàng trung ương nên duy trì chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng.
Mặt khác, Phố Wall đang tranh luận về việc lạm phát gia tăng có thể kéo dài hơn dự kiến hay không. Trong khi đó, các nhà đầu tư cho rằng dù kết quả của tháng 5 có cao hơn tháng 4 thì vẫn là quá sớm để nói đó là tín hiệu chắc chắn cho việc lạm phát sẽ kéo dài.
Sự lo lắng về lạm phát tăng cao đang chi phối cả 2 bờ Đại Tây Dương. Ảnh: FT.
Kỳ vọng lạm phát gia tăng là yếu tố chính dẫn đến đợt bán tháo mạnh mẽ trong năm nay đối với Kho bạc Mỹ, khiến cho chi phí đi vay tăng cao và gây ra một số đợt biến động trên các thị trường khác.
Jason Pride, giám đốc đầu tư trong lĩnh vực tài chính tư nhân của tập đoàn Glenmede cho biết: "Có thể đây sẽ là con số 4% khác [đối với lạm phát phi cơ bản], con số này tạm thời sẽ gây sợ hãi". Đến tháng 7 và tháng 8, "chúng ta có thể sẽ bắt đầu thấy số liệu CPI được điều tiết nhất quán hơn. Và điều đó sẽ củng cố luận điểm rằng lạm phát chỉ là tạm thời".
Viễn cảnh khu vực đồng euro
Triển vọng cho nền kinh tế Eurozone đã tươi sáng hơn đáng kể kể từ cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB vào tháng 4.
Lệnh phong tỏa do COVID-19 đang được dỡ bỏ trên khắp Châu Âu. Tiêm chủng đang được tăng tốc sau khởi đầu chậm chạp. Hoạt động kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng và lạm phát đều tăng trở lại mạnh mẽ.
Nhưng một loạt các thành viên hội đồng ECB cho biết họ vẫn thấy có ít lý do để thay đổi chính sách tại cuộc họp hôm thứ 3/6. Chủ tịch ECB, Christine Lagarde thậm chí còn nói vào cuối tháng trước rằng còn "quá sớm" để thảo luận về kế hoạch kìm lại chương trình mua trái phiếu 80 tỷ euro hàng tháng.
Lạm phát trong khối 19 quốc gia Eurozone tăng vọt lên 2% trong tháng 5 từ mức 1,6% của tháng 4. Đây là lần đầu tiên lạm phát vượt mục tiêu của ngân hàng trung ương trong hơn 2 năm. Tuy nhiên, các quan chức ECB cho biết đây là mức tăng tạm thời sẽ giảm dần trong năm tới, có nghĩa là ngân hàng trung ương cần duy trì lập trường chính sách hỗ trợ lâu hơn.
Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý với lập trường của ECB. Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, cho biết: “Do mức lạm phát tăng đột biến hiện nay chỉ phản ánh các yếu tố tạm thời, ECB có thể đủ khả năng nỗ lực hết sức trong ba tháng nữa”.
Vấn đề là một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, được phục hồi nhanh hơn những quốc gia khác như Ý và Tây Ban Nha, nên cơ quan xếp hạng tín dụng Moody cho biết trong một báo cáo tuần trước "sẽ đặt ra thách thức cho ECB trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ chung" .
Theo nhà phân tích Martin Arnold của Moody: “Chúng tôi tin rằng ECB sẽ duy trì chính sách tiền tệ có tính thích ứng cao trong vài năm tới, sau khi các nền kinh tế tương đối mạnh hơn như Đức đã cạn kiệt khả năng dự phòng của họ”.
Đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng mạnh?
Đồng Nhân dân tệ sẽ được các nhà giao dịch theo dõi chặt chẽ sau khi chính phủ Trung Quốc thực hiện các bước vào tuần trước để làm chậm đà tăng mạnh.
Các biện pháp, do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố, sẽ buộc các bên cho vay phải nắm giữ nhiều ngoại tệ hơn - một phương pháp kiềm chế tiền tệ không được triển khai kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2020.
Đồng nhân dân tệ đã tăng 11% so với đồng USD trong năm qua. Sự tăng giá diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Năm ngoái, các nhà đầu tư đã đổ xô mua vào cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc, giúp hỗ trợ thêm cho đồng tiền này.
Sức mạnh của nó hiện đặt ra một thách thức khác đối với các nhà hoạch định chính sách vốn đang phải vật lộn với giá hàng hóa cao và lo ngại về đòn bẩy trong một nền kinh tế mất cân bằng.
Sự phục hồi của Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi tăng trưởng công nghiệp và bất chấp sức mạnh của đồng Nhân dân tệ, xuất khẩu của đại lục vẫn bùng nổ. Tuy nhiên, các thành viên ngân hàng trung ương Trung Quốc bày tỏ lo ngại về tác động của đợt tăng giá hàng hóa toàn cầu đối với giá nhập khẩu tại nhà máy ở Trung Quốc.
Tháng trước, bài xã luận từ một quan chức PBOC cho rằng đồng Nhân dân tệ nên được phép tăng giá để bù đắp giá hàng hóa cao hơn, nhưng bài báo sau đó đã bị xóa. Một đồng Nhân dân tệ mạnh hơn chống lại USD khiến cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
Tuần này, dữ liệu về cả thương mại và lạm phát, sẽ làm sáng tỏ thêm về tiến trình của nền kinh tế và dự báo về biện pháp can thiệp chính sách của ngân hàng trung ương trong tương lai đối với đồng Nhân dân tệ.
Tiệp Nguyễn (theo Financial Times)