Dự thảo Bộ luật Lao động cần tạo môi trường linh hoạt cho doanh nghiệp
16:34 | 14/05/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa đổi, hoàn thiện để trình Chính phủ trong tháng 5/2019. Đây là một Bộ luật có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới.
Để tạo diễn đàn cho các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ, góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo Bộ luật Lao động từ cộng đồng doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu sôi động trong phát triển kinh tế và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Do đó, việc ổn định quan hệ lao động là việc hết sức quan trọng trong phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua Việt Nam đã có Bộ luật Lao động và cơ bản đã đi vào thực tiễn, là hành lang pháp lý quan trọng cho các chủ thể thiết lập, tiến hành các quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động góp phần nâng cao nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện Bộ luật Lao động đã bộc lộ những hạn chế những bất cập. Chính vì vậy, cần phải chỉnh sửa bổ sung Bộ luật Lao động trong thời gian tới rất cấp bách. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia các hiệp định lớn như CPTPP, EVFTA.
Chia sẻ cụ thể về những thay đổi tại Dự thảo lần này, theo ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Bộ luật Lao động lần này sẽ được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm giải quyết 10 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và giải quyết một số chính sách mới, quan trọng trong quá trình soạn thảo, gồm: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 6 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Đáp ứng yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia (CPTPP, EVFTA).
Cụ thể, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều. Trong quá trình soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các nội dung sửa đổi nhận được sự đồng thuận của đa số bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan
Trong đó, các nội dung lớn của Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm: Mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa; Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Chính sách tiền lương, tiền lương tối thiểu; Về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; Đổi mới tổ chức, hoạt động; mở rộng phạm vi áp dụng, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động nhằm góp phần phòng ngừa "đình công tự phát", xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp; Tăng cường năng lực hoạt động của thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người lao động tại nơi làm việc bằng việc bổ sung thẩm quyền của cơ quan thanh tra lao động; Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động đã tiếp thu rất nhiều ý kiến các hiệp hội cũng như DN mà đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may. Tuy nhiên, vấn đề làm thêm giờ hiện đang là mấu chốt của các doanh nghiệp. Theo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Đây là mức quy định khá ngặt nghèo cho các doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực dệt may.
Vì vậy, đại diện dệt may cũng kiến nghị giờ làm thêm cần nới rộng ra thêm 50% so với mức hiện hành. Bên cạnh đó, ở góc độ tuổi nghỉ hưu, vị đại diện này cũng cho rằng, việc nghỉ hưu còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kinh tế xã hội của đất nước. trong khi đó, Việt Nam hiện nay vẫn đang thời kỳ dân số vàng, có thể 2035 mới sang già hóa dân số. Trong các đơn vị hành chính sự nghiệp số lao động vẫn đông, nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu mà chưa tinh giảm được bộ máy này thì lại tiếp tục phải duy trì bộ máy kém hiệu quả, trong khi hiện nay có rất nhiều sinh viên chưa có việc làm. Do đó, lộ trình tăng cần nghiên cứu kỹ để giảm tác động tới các vấn đề xã hội; đồng thời đảm bảo an toàn cho Quỹ BHXH.