Lương chủ tịch doanh nghiệp Nhà nước có thể lên tới 320 triệu đồng/tháng
Bộ tư pháp đang thẩm định Dự thảo Nghị định về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn Nhà nước và kiểm soát viên trong doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Nội vụ.
Dự thảo nhằm thay thế Nghị định số 44/2025/NĐ-CP hiện hành, với định hướng điều chỉnh chế độ đãi ngộ cho các chức danh đại diện phần vốn Nhà nước, kiểm soát viên và người giữ vai trò đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là tiền lương không còn gắn với chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn như trước, mà sẽ được tính toán dựa trên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thực tế. Theo đó, người lao động hưởng lương theo năng lực tạo ra giá trị cho doanh nghiệp thay vì theo kế hoạch đặt ra từ năm trước.
Mức lương cơ bản trong khung mới sẽ chia theo hai nhóm: một dành cho các tập đoàn, tổng công ty (gồm 4 mức) và một dành cho các doanh nghiệp độc lập (gồm 3 mức). Tùy vào doanh thu, vốn và lợi nhuận, các chức danh như Chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng hoặc kiểm soát viên sẽ nhận được mức lương phù hợp. Mức lương cơ bản dao động từ 30 đến 80 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, tiền lương thực tế có thể tăng gấp nhiều lần nếu doanh nghiệp đạt hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận. Cụ thể, nếu lợi nhuận bằng hoặc cao hơn kế hoạch thì lãnh đạo được nhận lương tối đa gấp 2 lần lương cơ bản. Trong trường hợp lợi nhuận vượt kế hoạch, họ có thể được cộng thêm tối đa 20% thu nhập.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có quy mô và lợi nhuận lớn như trong lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, viễn thông, nếu đạt lợi nhuận gấp 5 lần mức tối thiểu (tức từ 27.500 tỷ đồng trở lên), Dự thảo tiếp tục cho phép nâng trần lương. Cụ thể, Chủ tịch có thể nhận lương tối đa: 200 triệu đồng/tháng nếu lợi nhuận đạt 11.000 tỷ (gấp 2 lần tối thiểu), 240 triệu đồng nếu đạt 16.500 tỷ (gấp 3 lần), và 320 triệu đồng nếu vượt 27.500 tỷ (gấp 5 lần lợi nhuận tối thiểu).
Bộ Nội vụ cho biết mức lương này là phù hợp với thực tiễn, bởi hiện nay đã có những trường hợp Chủ tịch doanh nghiệp Nhà nước hưởng lương từ 200 đến hơn 300 triệu đồng/tháng. Do đó, việc quy định rõ trần lương, gắn với hiệu quả hoạt động thực tế sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở chi trả minh bạch, đồng thời tạo động lực để cán bộ quản lý phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc làm ăn thua lỗ, mức lương tối đa cũng được siết chặt, chỉ còn từ 50% đến 80% lương cơ bản. Điều này nhằm tránh tình trạng "lương cao, hiệu quả thấp" như đã từng xảy ra trước đây.
Việc xây dựng khung lương mới này được đánh giá là một bước tiến trong cải cách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc trả lương theo hiệu quả, công bằng giữa các chức danh và phù hợp với thị trường. Đây cũng là nội dung quan trọng để tiến tới nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ.