Dự thảo thỏa thuận thương mại: Trung Quốc quay lưng khiến Mỹ thất vọng?

22:36 | 09/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang có dấu hiệu bế tắc trước thông tin cho rằng Trung Quốc đã sửa đổi dự thảo thỏa thuận thương mại khiến Mỹ thất vọng đòi áp thuế.

Dự thảo thỏa thuận thương mại: Trung Quốc quay lưng khiến Mỹ thất vọng? - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Trong bối cảnh thế giới đang kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc có thể chấm dứt cuộc đối đầu thương mại trong cuộc đàm phán sắp tới, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã phát đi tín hiệu cảnh báo lẫn nhau trong trường hợp một thỏa thuận đổ vỡ.

Mỹ: Trung Quốc phá bỏ nỗ lực đàm phán

Phát biểu tại một buổi vận động diễn ra tại bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc "đã phá vỡ thỏa thuận" vốn đạt được trong các vòng đàm phán thương mại trước đó, đồng thời khẳng định không từ bỏ ý định tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh dừng "việc lừa dối người lao động" và "cướp việc làm."

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc quyết định rút khỏi các hiệp định và cố gắng sửa đổi thỏa thuận thương mại liên quan đến hy vọng rằng họ sẽ có thể được đồng ý về các điều kiện thuận lợi hơn trong trường hợp ứng cử viên của Đảng Dân chủ giành chiến thắng vào năm 2020.

Ông Trump cũng khẳng định điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không sai nếu Mỹ nhận được hơn 100 tỷ mỗi năm sau khi áp dụng thuế suất mới.

Thái độ trên của ông Trump được cho là do Trung Quốc yêu cầu thay đổi một số điều khoản trong văn bản thỏa thuận vốn đã đạt được trong nhiều tháng đàm phán, điều này dẫn tới việc Bắc Kinh khó tránh khỏi biện pháp áp thuế mới của Washington.

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 8/5 dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Mỹ và các nguồn thạo tin thuộc khu vực tư nhân cho biết, bức điện ngoại giao gửi từ Bắc Kinh tới Washington vào tối 3/5, với những sửa đổi có hệ thống trong bản dự thảo thỏa thuận thương mại dài gần 150 trang, được cho là đã "thổi bay" nỗ lực đàm phán trong nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo các nguồn tin trên, dự thảo thỏa thuận thương mại này bị phía Trung Quốc thay đổi nhiều điểm, đi ngược lại những yêu cầu cốt lõi của Mỹ. Trong tất cả 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đều xoá đi các cam kết thay đổi quy định để giải quyết những bất đồng cốt lõi, vốn là nguyên nhân khiến Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, bao gồm các vấn đề liên quan quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ; ép chuyển giao công nghệ và các chính sách cạnh tranh thương mại.

Reuters đưa tin đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bị “sốc” vì mức độ thay đổi trong dự thảo.

Bắc Kinh bác bỏ

Trước tình hình trên, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Trung Quốc vẫn luôn giữ đúng những cam kết trong các cuộc đàm phán với Mỹ, qua đó bác bỏ những cáo buộc trước đó của Washington cho rằng Bắc Kinh quay lưng với những cam kết.

Dự thảo thỏa thuận thương mại: Trung Quốc quay lưng khiến Mỹ thất vọng? - ảnh 2
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong. Ảnh: THX/TTXVN 
Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết nếu Mỹ thúc đẩy việc áp thuế đối với hàng hóa của nước này.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 9/5, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã hoàn toàn sẵn sàng bảo vệ lợi ích của nước này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, song hy vọng Washington có thể giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại thay vì các bước đi đơn phương.

Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong khẳng định lập trường của Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ các lợi ích của nước này, nhấn mạnh sẽ không khuất phục trước mọi sức ép và tự tin có đủ năng lực để thực hiện điều đó.

Khi sự cáo buộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại chưa đến hồi kết thì trong phiên giao dịch ngày 9/5, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, bất chấp dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm.

Tại thị trường Tokyo, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 36 xu Mỹ (0,6%), xuống 61,76 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn hạ 46 xu (0,7%), xuống 69,91 USD/thùng.

Cùng với đó, các thị trường chứng khoán châu Á lẫn châu Âu đều giảm điểm do giới đầu tư đang chờ đợi xem liệu quan chức Mỹ và Trung Quốc có ngăn chặn được nguy cơ tăng thuế bằng một thỏa thuận thương mại hay không.

Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới khiến triển vọng kinh tế toàn cầu bị phủ bóng đen.