Đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển của nền kinh tế
Chính vì vậy, tọa đàm “Đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống” đã được Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức vào sáng ngày 18/12.
Tọa đàm được mở ra nhằm thảo luận, làm rõ thêm các giải pháp đưa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Đồng thời, là cơ hội để các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Trong hơn 30 năm qua, thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, kinh tế tư nhân đã phát triển rộng khắp, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn 2001 - 2016, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển. Doanh nghiệp tư nhân phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh, từ trên 55.236 doanh nghiệp năm 2002 lên khoảng 500.000 doanh nghiệp năm 2016 với nhiều loại hình đa dạng.
Hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân đang được nâng lên, có tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 39 - 40%. Khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế; thu hút khối lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân ngày càng được cải thiện.
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa) khẳng định, chưa bao giờ doanh nghiệp tư nhân được quan tâm như hiện nay. Điều đó được thể hiện rất rõ ở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Quốc hội vừa mới phê duyệt Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (như Nghị quyết số 35/NQ-CP, các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg...). Vấn đề đặt ra hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần sớm cụ thể hóa để đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn, và các doanh nghiệp phải chủ động tự khắc phục khó khăn để vươn lên.
Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam cũng gặp những khó khăn lớn: Ở Việt Nam không có quá trình tích sản lâu đời của tư nhân như ở các nước do trải qua các cuộc cải tạo tư bản tư nhân và cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Do đó, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp tư nhân rất yếu, vốn tự có thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, kể cả vốn cố định và vốn lưu động. Do tài chính tích lũy rất yếu nên hầu như ít có doanh nghiệp có chi phí thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển, hoặc đầu tư công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam ít có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, cả về khía cạnh tài chính và nhân lực.
Một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ và nhân lực thì chi phí tài chính cho đầu tư cũng quá lớn và hiệu quả thực tế không còn nhiều, đủ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cũng do nền tảng tài chính yếu kém mà các hoạt động phụ trợ cho sản xuất kinh doanh như thiết kế sản phẩm, quảng bá, truyền thông, quảng cáo và triển lãm hàng hóa đều rất hạn chế. Trong đó, truyền thông có vai trò quan trọng của kinh doanh hiện đại lại là điểm yếu cơ bản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Thêm nữa, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn bị thua thiệt bởi các rào cản về thương mại, kinh doanh và đầu tư, kể cả các rào cản tiếp cận đất đai và các cơ hội kinh doanh. Điều này khiến cho chi phí bằng tiền và bằng thời gian (cũng là tiền) về các thủ tục hành chính và pháp lý vượt trội so với doanh nghiệp nước ngoài. Loại chi phí này chưa được gỡ bỏ thỏa đáng. Các doanh nghiệp Việt Nam còn chịu tác động rất lớn bởi tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu và hoạt động hạn chế cạnh tranh công bằng đến từ nước ngoài và trong nước...
Tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các Ban Đảng Trung ương) cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ cho kinh tế tư nhân, chủ động trong việc phát triển những mối quan hệ hợp doanh giữa Nhà nước với tư nhân, giữa tư nhân trong nước với tư nhân nước ngoài.
PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả, cần làm sáng tỏ những vướng mắc về lý luận liên quan đến kinh tế tư nhân như: Quan niệm về kinh tế tư nhân có phải là kinh tế phi XHCN hoặc kinh tế tư nhân với kinh tế tư bản tư nhân; Phát triển kinh tế tư nhân với vấn đề bóc lột và bị bóc lột; Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân; Vấn đề làm giàu bằng phát triển kinh tế tư nhân gắn với công bằng xã hội; Mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế tư nhân; Kinh tế tư nhân với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cần làm rõ mô hình CNXH trong điều kiện kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, mở rộng phương hướng và hội nhập quốc tế. “Làm rõ những vướng mắc lý luận trên đây sẽ tạo sự nhất trí cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, thông suốt trong toàn xã hội, tạo niềm tin và sự yên tâm thực sự của 500.000 doanh nghiệp tư nhân hiện nay và hàng triệu doanh nghiệp tư nhân sẽ ra đời và phát triển trong tương lai” – PGS.TS Đào Duy Quát nói.
Nhấn mạnh bối cảnh hội nhập nền kinh tế số hiện đại, TS. Trần Văn (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, để giải phóng mạnh mẽ, chính sách của Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đầu tư vào công nghệ, phát triển tự động hóa trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội để tạo thị trường cho các sản phẩm tự động hóa trong nước.
Các chính sách cần hướng tới tạo lập môi trường thuận lợi để khởi nghiệp, nghiên cứu, trình bày và thử nghiệm những sáng kiến số, phát triển từ những ý tưởng ban đầu đến lên kế hoạch cho sự chuyển đổi đầu tư, để kinh tế số trở thành mục tiêu hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tiếp cận giải pháp công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật... Thêm nữa, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho xã hội, sẵn sàng cho cuộc cách mạng số - cách mạng công nghiệp 4.0.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho hay, để đạt được mục tiêu đặt ra cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ thay đổi nhận thức và tư duy chính trị về kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hoá công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Phát triển đào tạo theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thị trường. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm cao.
Đáng chú ý là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Xây dựng khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tăng cường hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, giải quyết tranh chấp… Tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân có đầy đủ điều kiện đảm nhiệm các lĩnh vực quan trọng của Nhà nước. Chỉ nên giữ lại các doanh nghiệp nhà nước mang tính chủ đạo. Kinh tế tư nhân không chỉ là quan trọng mà là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho doanh nghiệp tư nhân.