Được quỹ ngoại rót vốn khủng, chuỗi Golden Gate có còn nằm trong tay các ông chủ Việt?

08:15 | 16/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty Golden Gate được thành lập từ năm 2005 chính là đơn vị đứng sau hàng loạt nhà hàng ăn uống nổi tiếng tại Việt Nam như Kichi Kichi, Vuvuzela, Manwah,...

Cuối năm 2021, sau khi chuyển nhượng 371.139 cổ phần, tương đương 4,86% vốn điều lệ CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) theo hình thức thỏa thuận, tỷ lệ sở hữu của ông Đào Thế Vinh - Chủ tịch Golden Gate, đã giảm từ 9,976% xuống 5,115% vốn điều lệ.

Ngoài ông Vinh, khi ấy, Golden Gate còn hai cổ đông cá nhân khác là ông Trần Việt Trung (Thành viên HĐQT, sở hữu 4,43%) và ông Nguyễn Xuân Tường (Phó Tổng Giám đốc, sở hữu 3,98%). 

Còn 82,14% cổ phần của Golden Gate do hai tổ chức nắm giữ là: CTCP Golden Gate Partners (nắm giữ 44,22%) và Prosperity Food Concepts Pte Ltd (nắm giữ 37,92%). Trong đó, CTCP Golden Gate Partners thành lập từ tháng 6/2014 hiện do ông Trần Việt Trung (sinh năm 1963) đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. Còn, Prosperity Food Concepts Pte Ltd được thành lập tại Singapore.

Tỷ lệ sở hữu Golden Gate tính đến cuối năm 2021. (Nguồn: Golden Gate - Anh Nguyễn tổng hợp).

Cập nhật mới nhất, theo tờ Deal Street Asia, ba pháp nhân Singapore bao gồm Seletar Investments, SeaTown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd đã mua gần 2,75 triệu cổ phiếu thông thường, tương đương khoảng 36% cổ phần, của Golden Gate. Trong số này, Seletar Investments và SeaTown Private Capital Master Fund là hai pháp nhân có liên quan đến quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek.

Trước đó, ngày 10/3, Golden Gate cho biết Prosperity Food Concepts Pte Ltd đã đăng ký bán toàn bộ cổ phần nắm giữ - 2,3 triệu cổ phiếu, tương đương 32,9% cổ phần.

Cùng thời điểm, Chủ tịch Golden Gate Trần Việt Trung sẽ bán 161.871 cổ phiếu để giảm sở hữu xuống còn 2,3%. Ông Nguyễn Xuân Tường, Phó Tổng giám đốc Golden Gate, cũng đăng ký bán 69.373 cổ phiếu để giảm sở hữu xuống còn 3,08%.

Tỷ lệ sở hữu tại Golden Gate sau giao dịch mới nhất. (Nguồn: Golden Gate - Anh Nguyễn tổng hợp).

Như vậy, rất có thể, sau một loạt giao dịch, ba pháp nhân mới của Singapore sẽ thế chỗ Prosperity Food Concepts Pte Ltd trở thành cổ đông lớn tiếp theo của công ty này trong khi Golden Partners vẫn là cổ đông lớn nhất của Golden Gate.

Golden Gate được thành lập từ năm 2005, là đơn vị đứng sau chuỗi nhà hàng nổi tiếng gồm Gogi, Kichi Kichi, Vuvuzela, Manwah,...

Theo thông tin trên trang chủ công ty, ban lãnh đạo Golden Gate hiện có ba cái tên, gồm ông Trần Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Đào Thế Vinh, Tổng giám đốc và ông Nguyễn Xuân Tường, Phó Tổng giám đốc. Trong số này, ông Đào Thế Vinh được ví như "thuyền trưởng" của công ty, là cá nhân góp phần đưa Golden Gate đến với những thành công ngày nay.

Ông Đào Thế Vinh sinh năm 1972, từng du học tại Nga và làm Phó Giám đốc phụ trách Marketing rồi sau này là CEO của CTCP Eco – Product, một đơn vị chuyên đóng gói và phân phối túi lọc trà Cozy.

Cơ duyên với lĩnh vực ẩm thực của ông Vinh bắt nguồn từ chính sở thích được ăn ngon và khám phá những vùng đất mới. Tờ Doanh nghiệp hội nhập thuật lại, trong một chuyến đi đến vùng Shangrila, ông Vinh lần đầu tiên được trải nghiệm món lẩu nấm ở đây. Đây chính là khởi nguồn cho việc quyết định mở nhà hàng lẩu nấm Ashima tại Hà Nội.

Sau thành công bước đầu với Ashima, Golden Gate bắt đầu có thêm những chuỗi nhà hàng mới, chẳng hạn như lẩu băng chuyền Kichi Kichi (lẩu tự chọn giá rẻ nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi), nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), nhà hàng bia (Vuvuzela), nhà hàng theo phong cách phương Tây (Cowboy Jack's, Chilli's),…

Tính đến ngày 31/12/2020, Golden Gate có số vốn cổ phần là 76,34 tỷ đồng, chia làm 7,634 triệu cổ phiếu.

Hiện tại, Golden Gate đang sở hữu 22 thương hiệu cùng gần 400 cửa hàng tại trên dưới 40 tỉnh, thành. Golden Gate phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách mỗi năm. Theo thông tin tự công bố, Golden Gate ghi nhận doanh thu khoảng 200 triệu USD/năm trong năm 2019 và 2020.