Đường sắt: Nếu đầu tư đường đôi, năng lực tăng gấp 15 đến 20 lần, chi phí chỉ tăng 1,7 lần

09:53 | 02/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đường sắt đóng vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, Phóng viên Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam đã cuộc trao đổi với ông: Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV- Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Xin chào ông! Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam!

PV: Thưa ông, đường sắt đóng vai trò gì trong hệ thống giao thông quốc gia? So với các loại hình vận tải khác thì đường sắt có vai trò nổi trội thế nào ?

Ông: Vũ Anh Minh :  Điều đầu tiên khi xác định các loại hình thức vận tải người ta căn cứ vào điều kiện địa lý, điều kiện địa chính trị cũng như điều kiện kinh tế, sức chịu tải của nền kinh tế, chiến lược phát triển KT-XH của cả nước cũng như từng vùng miền. Qua đó có thể xác định được nhu cầu vận tải và phương thức vận tải đáp ứng được giá thành vận tải thấp nhất.

Giá thành vận tải được tính đến chi phí xây dựng hạ tầng, giá vận tải, qua đó xác định được loại hình vận tải nào là chủ đạo, loại hình vận tải nào là hỗ trợ. Trong điều kiện Việt Nam, mỗi một phân khúc hàng hóa và hành khách ứng với một loại hình vận tải nhất định. Hàng không đáp ứng vận chuyển hành khách và hàng hóa đường xa; Đường biển đáp ứng nhu cầu vận tải khối lớn và xuất khẩu ra nước ngoài; Đường sắt vận tải hàng hóa khối lớn, siêu trường, siêu trọng, đường thủy có đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng; Vận tải đường bộ có chức năng kết nối khi vận tải hàng hóa và hành khách ở những chặng ngắn.

Đường sắt: Nếu đầu tư đường đôi, năng lực tăng gấp 15 đến 20 lần, chi phí chỉ tăng 1,7 lần - ảnh 1

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trả lời phóng vấn

Đường sắt nói chung phải tính cả yếu tố công nghệ, đối với vận tải hàng hóa nếu như chúng ta đạt ngưỡng 150km/h và đường đôi khổ 1435mm, thì chúng ta có thể kết nối được các tuyến liên vận với Trung Quốc. Từ đó đưa hàng hóa vào các nước châu Âu, nhược điểm của chúng ta hiện nay là đường đơn, khổ 1000mm là chủ yếu, nên rất khó kết nối liên vận với hệ thống đường sắt trên thế giới, đa số hệ thống đường sắt trên thế giới đã chuyển sang khổ 1435mm.

Nếu ngành đường sắt có đường đôi và sử dụng những công nghệ mới trong vận hành khai thác tàu thì có thể tăng năng suất lên 15- 20 lần.

Hiện nay, khổ đường và  công nghệ của ngành đường sắt đã lạc hậu so với thế giới nên năng lực khai thác chỉ ở mức rất thấp. Năng lực thông qua hiện nay chỉ dừng lại ở 21 đôi tàu một ngày đêm tính cả vận tải hàng hóa lẫn hành khách. Nếu xây dựng được đường đôi thì năng lực có thể thông qua lên tới 200 đến đôi tàu một ngày đêm.

Hiện nay chi phí làm đường đôi gấp khoảng 1,7 lần đường đơn nhưng năng lực thông qua có thể gấp 15 đến 20 lần.

Có một nghịch lý ở nước ta hiện nay trong cơ cấu hệ thống giao thông vận tải nếu xét theo yếu tố địa lý, do địa hình trải dài hàng nghìn km thì việc phát triển đường sắt là vô cùng phù hợp. Có thể ví đường sắt như trục xương sống giúp kết nối các vùng kinh tế, tạo giao thương thúc đẩy phát triển KT - XH của cả nước, nhưng vận tải đường sắt lại chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu vận tải, năm 2020 chỉ chiếm chưa đến 1%.

Điều đó cho thấy việc xây dựng đường sắt là hết sức cần thiết, với vận chuyện hàng hóa đường xa như hiện nay vận tải đường bộ đang chiếm tỉ trọng quá lớn làm chi phí logistic tăng cao, gây ảnh hưởng lên giá thành làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

PV: Thưa ông, đầu tư công trong giai đoạn vừa qua đã tương xứng với tiềm năng của ngành đường sắt của nước ta hiện nay chưa?

Ông: Vũ Anh Minh:  Ngành đường sắt có những yếu tố rất đặc thù, suất đầu tư rất lớn vì phải đầu tư đồng bộ từ công nghệ đến kết cấu hạ tầng. Trong giai đoạn vừa qua ngành đường sắt hầu như không được đầu tư thêm về vốn. Vì vậy không thể mở được tuyến mới, xây dựng hệ thống nhà ga, bãi  hàng, kho hàng.

Ngành đường sắt chỉ được giao vốn để cải tạo, duy tu cơ sở vật chất hiện có. 10 năm qua, đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 2% đến 3% trong tổng đầu tư cho giao thông.

Đến năm 2018, Quốc hội thông qua ngân sách dành cho ngành đường sắt là 7.000 tỷ để nâng cấp hạ tầng, bởi trong nhiều năm ngân sách nhà nước cho đường sắt chỉ đáp ứng được 30% đến 40% kinh phí cần thiết để duy trì hiện trạng sẵn có.

Do khó khăn về vốn và những vướng mắc trong cơ chế, nên ngành đường sắt luôn đặt trong hiện trạng hoạt động cầm chừng, chưa có được bước đột phá trong kinh doanh. Có thể nói đầu tư công trong giai đoạn vừa qua với ngành đường sắt là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành.

PV: Thưa ông, kế hoạch phát triển của ngành đường sắt trong giai đoạn sắp tới sẽ như nào?

Ông: Vũ Anh Minh: Đối với duy tu bảo trì, kết cấu hạ tầng ngành đường sắt hiện nay là của nhà nước, VNR chỉ thực hiện duy tu bảo dưỡng và thực hiện các dịch vụ công ích khi mà nhà nước cấp vốn cho hạ tầng đường sắt.

Theo kế hoạch hàng năm, VNR sẽ lập dự toán toàn bộ kinh phí bảo trì hệ thống đường sắt, để trình chính phủ. Kinh phí được cấp hiện nay chỉ đáp ứng được 30% đến 40% so với khối lượng công việc. Sẽ rất khó để ngành đường sắt triển khai hoạt động trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, khiến doanh thu từ mảng vận tải hành khách bị sụt giảm nghiêm trọng.

Về chiến lược phát triển, VNR hiện tại có 2 mảng chính là tận tải (đã cổ phần hóa), thứ 2 là khối xây dựng bảo trì thực hiện các sản phẩm công ích theo hình thức đặt hàng và giao nhiệm vụ. VNR đã triển khai đặt hàng 20 công ty trong VNR thực hiện kế hoạch bảo trì hàng để đảm bảo hoạt động thông suốt.

Ngành đường sắt cũng kết hợp với Bộ GTVT, thực hiện thực hiện Nghị định 46 của Thủ tưởng Chính phủ, xây dựng đề đề án quản lý với mục tiêu tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi hơn trong khai thác hạ tầng giao thông đường sắt.

VNR sẽ trình chính phủ đề án giao lại 297 nhà ga cho tổng công ty theo hình thức tăng vốn sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp bằng sản phẩm hạ tầng.

Đối với đường sắt, cả kết cấu đường tàu, nhà ga, đội tàu tất cả thuộc sở hữu nhà nước. Nhà ga muốn tăng doanh thu thì buộc phải xây dựng tăng giá trị thương mại, nhưng lại phụ thuộc vào nguồn vốn. Mà kinh phí hiện tại không đủ cho việc duy tu bảo trì nên không thể đầu tư xây dựng.

VNR kiến nghị giao lại nhà ga cho doanh nghiệp như các hình thức vận tải khác, để có cơ chế tái đầu tư, từ đó tạo ra thặng dư thương mại thúc đẩy sự phát triển trong nội tại của ngành.

Theo đánh giá, trong 297 khu ga có khoảng 20 ga có sức hấp dẫn đầu tư rất lớn do tọa lạc tại các khu đất vàng, có mật độ dân cư và giao thương rất cao, có thể đầu tư xây dựng kinh doanh thương mại tổng hợp trong các khu ga, ví dụ Nhật Bản doanh thu từ các khu ga chiếm hơn 30% tổng doanh thu của ngành đường sắt.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết ngành Đường sắt đã có những thay đổi như thế nào để ứng phó với đại dịch Covid – 19?

Ông: Vũ Anh Minh: Đại dịch Covid - 19 bất ngờ xảy đến ảnh hưởng rất nặng nặng nề đến khối vận tải và khối thương mại dịch vụ, do hạn chế đi lại, du lịch,hội họp dẫn đến nhu cầu giảm sút rất lớn và nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê các năm về trước, doanh thu từ vận tải hành khách của ngành chiếm khoảng 80% tổng doanh thu. Khi dịch bệnh xảy ra VNR đã xác định dư địa vận tải hành khách sẽ ngày cảng giảm đi. Năm 2020 toàn ngành đường sắt lỗ gần 1400 tỷ đồng.

Đứng trước những thách thức đó VNR đã tìm cách từng bước tiếp cận thị trường theo hướng nâng doanh thu từ mảng vận tải hàng hóa, hiện nay mảng này đã đạt được khoảng 40% tổng doanh thu vận tải, nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại cho toàn ngành.

Về vận tải hành khách hiện nay, VNR vẫn tiếp tục duy trì vận tải các tuyến xa và trung bình, cắt giảm 1 số tuyến ngắn do vắng khách để tiết giảm chi phí.

PV:Thưa ông, đường sắt sắp tới nên phát triển theo tư duy chở hàng là chính, hay chở khách là chính?

Ông: Vũ Anh Minh: Hiện nay, VNR vẫn xác định mục tiêu vận tải hàng hóa là chính yếu để lấy kinh phí duy trì trong thời gian đại dịch diễn biến phức tạp, bên cạnh đó duy trì 1 số tuyến chính có cự ly trung bình như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội - Quảng Bình,  TP. HCM - Nha Trang….

Tuyến Hà Nội – Sài Gòn, lượng khách hiện nay đã giảm 90% và xu hướng sẽ ngày càng giảm về vận tải hành khách nên VNR định hướng sẽ duy trì khai thác một số tuyến du lịch có tính hấp dẫn với khách trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt về vốn và được đầu tư nâng cấp, ngành đường sắt chắc chắn sẽ cạnh tranh được trong vận tải hành khách chặng ngắn và trung bình. Khi tốc độ tàu được cải thiện cộng với tính an toàn, tiện lợi và đặc biệt không mất thời gian chờ quá lâu tại các nhà ga thì vận tải hành khách sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

PV: Những kiến nghị cụ thể của VNR là gì, để ngành đường sắt có thể trở lại đúng vị thế của mình, thưa ông ?

Ông: Vũ Anh Minh: Theo số liệu thống kê để vận chuyển 1 tỷ tấn hàng hóa Bắc – Nam, thì cần khoảng 50 triệu lượt container, do đó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn giao thông, an toàn hạ tầng và ô nhiễm môi trường. Hàng năm trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hàng nghìn vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, vấn đề về ùn tắc giao thông gây những thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế.

Do vậy việc đầu tư xây dựng đường sắt quốc gia cần triển khai nhanh chóng đồng bộ.

Với đầu tư đường sắt mới, Bộ GTVT đã có đề án trình chính phủ phê duyệt, phải khẳng định để phát triển bền vững cần đầu tư có chiều sâu nhằm giảm chi phí logistic, giảm áp lực lên hệ thống giao thông quốc gia, đảm bảo môi trường. Trong 5 phương thức vận tải đã nếu ở trên thì vận tải đường sắt hết sức ưu việt ở nước ta và việc đầu tư sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH sớm ngày đó.

Nhưng vốn đầu tư cho ngành đường sắt rất lớn, do vậy nhà nước có thể phân kì đầu tư, hoặc phân chia nguồn vốn để huy động các nguồn lực xã hội khác bằng việc đổi một số quyền lợi khác cho các nhà đầu tư bên  ngoài nhằm tạo sức hút vốn vào cho đường sắt.

Cuối cùng tôi xin được nhấn mạnh: Đường sắt quốc gia được đầu tư sớm ngày nào thì sẽ đem lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước sớm ngày đó.

PV: Vâng! Xin cảm ơn ông, chúc ông và toàn thể cán bộ nhân viên ngành đường sắt sức khỏe dồi dào, duy trì, phát triển thịnh vượng trong thời gian tới.

Trân trọng!

 Phúc Sơn – Minh Thư