Đường thủy nội địa: Kiểm soát chặt việc neo đậu phương tiện, tránh va trôi
Nhiều phương tiện trôi dạt trên các tuyến đường thuỷ
Các đây chưa lâu, Cục Đường thủy nội địa VN vừa có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các sở GTVT rà soát, nắm bắt tình hình phương tiện trôi dạt, không để va cầu đường bộ, đường sắt.
Theo cơ quan này, hiện trên các tuyến đường thủy nội địa có các phương tiện trôi dạt do ảnh hưởng của mưa, lũ gây mất an toàn các cầu đường bộ, đường sắt. Vì vậy, Cục yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, kiểm tra, yêu cầu các phương tiện không neo đậu khu vực gần các công trình vượt sông. Thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình, nếu phát hiện phương tiện trôi dạt phải kịp thời thông báo cơ quan chức năng để xử lý. Khi có phương tiện bị vướng vào trụ cầu, thông báo ngay về Cục Đường thủy nội địa VN và các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời phối hợp xử lý, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình cầu.
Cơ quan này cũng đề nghị các Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác điều tiết hướng dẫn giao thông, chống va trôi, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình cầu vượt sông tại những vị trí trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia; phối hợp xử lý các trường hợp phương tiện thuỷ nội địa trôi dạt, đắm trên đường thủy nội địa, hạn chế ảnh hưởng đến cầu đường bộ, cầu đường sắt để ra thông báo hạn chế giao thông kịp thời.
Công văn cũng yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp với cơ quan liên quan tại địa phương kiểm tra các quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh tại các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý; yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện phải neo đậu phương tiện trong thời gian ảnh hưởng của mưa, lũ để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
“Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, phối hợp với cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình mưa, lũ diễn biến phức tạp", văn bản nêu rõ.
Tăng cường kiểm tra việc neo đậu phương tiện
Mới đây, Cục Đường thủy nội địa VN yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ; các cảng vụ, chi cục; các đơn vị quản lý bảo trì, điều tiết khống chế đảm bảo giao thông, chống va trôi trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trong khu vực. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp về xử lý các phương tiện trôi dạt trên sông, đảm bảo an toàn giao thông và các công trình cầu vượt sông.
Cục Đường thủy nội địa VN cũng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục được giao quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chịu trách nhiệm trước Cục trưởng trong việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa VN về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
"Tăng cường thành lập các tổ công tác và trực tiếp đến các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng để phối hợp chỉ đạo tại hiện trường công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nắm bắt chặt chẽ tình hình thực tế, nâng cao tính dự báo để kịp thời có những giải pháp ứng phó hiệu quả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, với mục tiêu "tính mạng con người là trên hết", công điện nêu rõ.
Cục Đường thủy nội địa VN cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra việc neo buộc, đậu đỗ của phương tiện thủy nội địa; yêu cầu chủ phương tiện phải neo đậu, chằng buộc chắc chắn, ổn định, đậu đỗ tại khu vực an toàn, không để phương tiện trôi dạt, va đập vào kết cấu hạ tầng giao thông, công trình khác.
Cục Đường thủy nội địa VN cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị phối hợp với Sở GTVT Hà Nội trong đảm bảo ATGT đường thủy, các công trình cầu vượt sông, cảng, bến trên địa bàn thành phố. Thông tin kịp thời tới Cục Đường thủy nội địa VN và Sở GTVT Hà Nội khi xuất hiện các chướng ngại vật trên tuyến đường thủy nội địa có nguy cơ đâm, va vào các cầu vượt sông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó có phương án đảm bảo an toàn cho các cầu này và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông qua cầu.