Giao tiếp xã hội luôn là chìa khóa để kết nối đến hành trình thành công. Bất cứ ai, bất cứ ngành nghề nào cũng cần có giao tiếp, kết nối. Hành xử chuẩn mực là điều mà chúng ta luôn cần phải có, ở mọi tầng lớp, nhưng không phải ai cũng nắm rõ các quy tắc để trở thành một người thanh lịch, giao tiếp chuẩn mực. Etiquette Coach là một nghề được sinh ra với mục đích huấn luyện, đào tạo về những nghi thức giao tiếp chuẩn mực, để mọi người có thể trở nên tự tin trong giao tiếp với mọi tầng lớp.
Tạp chí Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Etiquette Coach Đặng Bảo Trâm, CEO của URA Academy, học viện quý tộc của Pháp đầu tiên tại Việt Nam Coach Bảo Trâm chia sẻ nhiều quan điểm thú vị xung quanh nghề Etiquette Coach và lý do “vì sao chúng ta cần phải học về nghi thức giao tiếp chuẩn mực?”.
Phóng viên: Ở Pháp, nơi chị từng học về Etiquette Coach, họ dạy những nghi thức này ở cấp độ trường học nào và nghề Etiquette Coach ở đó phát triển ra sao?
Etiquette Coach Đặng Bảo Trâm: Tôi được tiếp cận những kỹ năng này khi rời ghế nhà trường và có nhiều những tương tác xã hội. Vì vậy, mọi bài học với tôi đều có giá trị rất lớn. Khi quyết định nhượng quyền quy trình đào tạo từ Pháp trở về, tôi biết công việc này mang lại nhiều giá trị.
Nghề Etiquette Coach cũng không quá phổ biến, nó đòi hỏi bạn phải có vẻ bề ngoài chuyên nghiệp và những kỹ năng xã hội chuẩn mực. Tôi đã mất khá nhiều năm để học tập và rèn luyện mình, đến thời điểm hiện tại, tôi đã trở thành thành viên của Hiệp Hội Nghi Thức Xã Giao, và hàng năm tôi lại trở về Paris để cập nhật kiến thức.
Tại một số quốc gia phát triển mà tôi được làm việc và học tập, nghi thức được áp dụng trong tất cả những tình huống xã hội, trong cuộc sống hằng ngày, trong toàn bộ các hoạt động xã giao từ cơ bản đến phức tạp. Vì nghi thức là cách bạn hành xử với chính mình và những người xung quanh, không phải chỉ dành cho giới thượng lưu.
Phóng viên: Khi quyết định đưa mô hình đào tạo về nghi thức giao tiếp chuẩn mực về Việt Nam, chị đã gặp những khó khăn gì và chị vượt qua nó như thế nào?
Coach Đặng Bảo Trâm: Khi quyết định nhượng quyền quy trình đào tạo từ Pháp trở về Việt Nam, tôi cũng chuẩn bị một tâm thế nhất định rằng sẽ gặp những khó khăn về rào cản văn hóa, hay nôm na là thói quen, tập quán vùng miền… Bên cạnh đó có nhiều ý kiến trái chiều phản đối tư tưởng sính ngoại.
Nhưng chúng ta cần phân biệt giữa hội nhập và sính ngoại là 2 tư tưởng hoàn toàn khác nhau về giá trị. Thời điểm những hình ảnh liên quan đến các chương trình đào tạo của mình xuất hiện nhiều ở các trang mạng xã hội đã gặp rất nhiều bình luận tiêu cực, đáng buồn ở đây là 80% những bình luận tiêu cực đó đến từ các bạn còn rất trẻ tuổi, đó chính là vấn đề.
Tôi cũng có một thời gian không thoải mái về những chỉ trích không phù hợp đó. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, cái nôi của nền văn hóa Việt đã hình thành hàng ngàn năm lịch sử, muốn hội nhập thì phải biết giữ gìn và bảo vệ bản sắc của mình.
Tôi lại đến Huế để xin học lại… Văn hóa. Một thời gian đến Huế và tìm hiểu, tôi nhận được sự giúp đỡ và chỉ dạy tận tình của những cây “cổ thụ’” về văn hóa như nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, cô Thái Kim Lan… Sở dĩ tôi tìm về Huế, vì ở đó có rất nhiều nhân duyên đặc biệt với mình, và Huế cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử qua nhiều thời Vua chúa, nên bề dày văn hóa ở vùng đất linh thiêng này cũng vì thế mà trở nên đa dạng hơn. Học tập, trau dồi thêm về kiến thức giúp tôi hiểu thêm về công việc của mình đang làm, làm cái gì, vì sao cần phải làm như vậy?
Hiểu rõ vấn đề là cách để tôi bỏ ngoài tai những bình luận chưa phù hợp và càng phải chuẩn hóa hơn công việc của mình. Đôi khi thấy khó khăn thật sự, nhưng lại nhìn vào những thành quả từ công việc mà mình đạt được và tự cố gắng, khó khăn là lúc bạn đang lên dốc, mình lại sắp vượt qua con dốc này rồi. Và tôi lại tiếp tục công việc của mình bằng đam mê.
Phóng viên: Khi hướng dẫn những học viên tại Việt Nam, chị thấy điểm yếu của đa phần học viên của mình là gì? Bản thân là một Etiquette Coach, chị thay đổi điều gì ở họ?
Coach Đặng Bảo Trâm: Trong suốt hành trình công việc của mình, tôi gặp rất nhiều những trường hợp khác nhau, ưu điểm của phụ nữ Việt Nam của mình hầu như khó tìm thấy ở bất kỳ người phụ nữ nào trên thế giới, đó chính là sự hi sinh quá lớn lao, tình yêu thương dành cho gia đình, bố mẹ và chồng con… Vì tình yêu thương đó quá lớn nên lấn át cả bản thân, cuối cùng thì họ bỏ quên chính mình, họ bỏ quên đủ lâu để không còn nhận ra điều đó. Dần dần sự tự tin với họ không còn nữa.
Với tôi, sự tự tin là điều quan trọng nhất để cuộc sống của họ có nhiều màu sắc hơn, thực hành nghi thức tốt hơn, thể hiện bản thân mình duyên dáng và bản lĩnh hơn trong các tình huống xã giao trong cuộc sống và xã hội. Khi không đủ tin tưởng để yêu thương bản thân mình, thì mọi yêu thương ngoài kia đều là sai cách.
Bạn không thể mang một trái tim đầy thương tổn để yêu thương con cái mình một cách trọn vẹn được. Điều cần thay đổi một chút ở đây là sự tự tin từ bên trong và biết cách để thể hiện mình ra thế giới bên ngoài. Sự tự tin ở đây không hoàn toàn là bạn mạch lạc đối đáp một ý kiến tiêu cực bằng lý lẽ và vốn kiến mà bạn có, mà bạn hiểu mình muốn gì trong chính câu chuyện đó rồi chọn cách ứng xử từ tốn nhất.
Sự tự tin ở đây không hẳn là ngẩng cao đầu bước vào một khách sạn 5 sao sang trọng, mà chính là gương mặt khoan thai khi đi qua nghịch cảnh. Và khi bạn đi qua nghịch cảnh một cách bình thản nhẩt thì khách sạn 5 sao không còn là vấn đề nữa.
Sự tự tin ở đây không phải là trong tài khoản bạn có bao nhiêu tiền, xách một cái túi trị giá bao nhiêu, cách bạn sang trọng bước vào một nơi xa xỉ như thế nào mà chính là khi bạn có bao nhiêu tiền bạn vẫn dành sự tôn trọng của bạn cho người phục vụ bàn, xếp hàng chờ tới lượt, nhường chỗ cho trẻ em và người lớn tuổi, đến thì dạ thưa, đi thì tạm biệt.
Tiền bạc là công cụ, không phải là thước đo cho giá trị của bạn. Nên hãy tự tin thể hiện mình một cách chân thành và văn minh nhất. Kỹ năng thì được học thông qua giáo trình, nhưng thói quen phải tự rèn luyện.
Phóng viên: Ngoài việc dạy các kỹ năng giúp học viên thành thục, theo chị, một nhà lãnh đạo cần những yếu tố gì để hiểu biết, tự tin trong giao tiếp chuẩn mực nhưng vẫn giữ được bản sắc của chính mình mà không bị “gồng” khi giao tiếp, đối thoại?
Coach Đặng Bảo Trâm: Lãnh đạo đều là những người có những hiểu biết và có vị thế đáng ngưỡng mộ trong xã hội, bản thân tôi luôn muốn học hỏi từ họ rất nhiều để hoàn thiện mình từng ngày.
Nếu có một số những đóng góp chung chung thì tôi xin phép chia sẻ một vài điều như sau: Chú trọng thêm một số nguyên tắc trên bàn tiệc. quan tâm đến tư thế và tác phong khi xuất hiện, chăm chút trang phục chỉn chu, soạn bài phát biểu mạch lạc và không phụ thuộc quá nhiều vào tài liệu… Và nghi thức chính là cách bạn hành xử với chính mình và những người xung quanh.
Nhiều người cho rằng nghi thức rất gò bó và lỗi thời, nhưng sự thật là ngày nay nó càng quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa và công nghệ đã thúc đẩy tương tác hằng ngày vượt qua ranh giới địa lý, vượt qua giao tiếp mặt đối mặt. Nghi thức không hề gây khó chịu hay bối rối cho mọi người. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại, nó tồn tại để giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Khi bạn biết phải tuân theo nguyên tắc nào, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và tập trung hơn vào những người xung quanh mà không để tâm quá nhiều đến bản thân mình.
Lịch sự và tôn trọng là 2 điều khá quan trọng giúp bạn dễ dàng thành công hơn trong thế giới ngày nay. “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn’’.
Phóng viên: Cảm ơn CEO Bảo Trâm, xin chúc chị luôn giữ được nhiệt huyết và sự tận tâm với nghề Etiquette Coach!