EVFTA tạo cơ hội cạnh trạnh bình đẳng cho dệt may Việt Nam
17:57 | 16/07/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam mà còn mang lại nhiều thuận lợi nhất cho DN dệt may.
Việc thông qua Hiệp định EVFTA được đánh giá sẽ đem lại tác động mạnh mẽ đến các ngành dệt may, thủy sản, nông nghiệp.... Đặc biệt ngành dệt may cũng được nhận định sẽ hưởng nhiều ưu đãi từ EVFTA bởi châu Âu (EU) vốn là một thị trường đầy tiềm năng với ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua. Khi EVFTA có hiệu lực, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ cạnh tranh bình đẳng với các nước khác.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Trước khi EVFTA chính thức được ký kết, nhiều ý kiến cho rằng dệt may sẽ là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Tuy nhiên, với vai trò là người trong cuộc, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng EVFTA mang lại cả cơ hội và thách thức cho DN khi được phê chuẩn.
Về cơ hội, có thể thấy rõ, EVFTA sẽ mở ra một thị trường xuất khẩu dệt may rất lớn cho Việt Nam. Bởi nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của EU là lớn nhất thế giới với giá trị khoảng 250 tỉ USD mỗi năm, lớn hơn gấp đôi so với Mỹ. Thị trường EU có tới 500 triệu dân, chiếm khoảng 26% GDP toàn cầu, 20% thương mại toàn cầu. Khi EVFTA có hiệu lực, các DN có cơ hội tăng sản xuất, xuất khẩu, vì đa phần dòng thuế sẽ giảm dần về 0% trong khoảng 3-7 năm, trong khi hiện nay chúng ta hiện đang chịu thuế suất bình quân khoảng 96%.
Bên cạnh đó, EVFTA và cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều yêu cầu xuất xứ của vải, sợi. Nhưng ở một khía cạnh khác, đây lại là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực mà chúng ta đang còn yếu, ví dụ như dệt vải, nhuộm. Sợi chúng ta cũng sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của EVFTA và CPTPP, còn phải cố gắng rất nhiều. Cho nên các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ là cơ hội giải tỏa điểm nghẽn của dệt may Việt Nam, đó là dệt vải, một khâu rất yếu trong chuỗi giá trị dệt may.
Do đó, EVFTA, CPTPP tạo cho chúng ta những sức ép nhất định. Sức ép đó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách về thể chế, nội luật hóa những quy định đã cam kết thực hiện trong EVFTA, CPTPP. Với những thay đổi đó, các DN dệt may Việt Nam cũng như các DN trong nền kinh tế được thuận lợi hóa về thương mại, được gỡ bỏ những rào cản đang vướng mắc, thuận lợi về thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo ông Cẩm thách thức cũng còn không ít khi EVFTA được phê chuẩn. EVFTA đã “đánh” đúng vào điểm yếu của dệt may Việt khi yêu cầu về xuất xứ của sợi, vải. Nếu không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ của vải thì không được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu vào EU. Nhưng nói thế không có nghĩa không có cách giải quyết, bởi trong EVFTA có quy định mà chúng ta có thể tận dụng, đó là có thể sử dụng vải nhập từ Hàn Quốc để may sản phẩm xuất khẩu. Bởi đây là nước có FTA với EU. Hiện nay chúng ta đang nhập khoảng 2 tỉ USD tiền vải mỗi năm từ Hàn Quốc. Chúng ta có thể sử dụng nguồn vải này để may hàng xuất khẩu sang EU, được coi như vải may sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được hưởng thuế suất 0%.
Về lâu dài, để giải quyết vấn đề nguồn gốc xuất xứ vải khi may hàng xuất khẩu sang EU, chỉ có cách các DN dệt may trong nước phải phối hợp, liên kết với nhau để có thể sử dụng nguồn vải của nhau; phải liên kết với nhau để đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt vải nhằm bảo đảm nguồn vải may hàng xuất khẩu sang EU, hưởng tối đa ưu đãi.
Bên cạnh những thách thức về nguồn gốc xuất xứ, còn những thách thức nữa mà chúng ta phải đối mặt không chỉ ở EVFTA mà cả CPTPP, đó là an toàn về sản phẩm, về môi trường, dân sinh, lao động… Đây là những thị trường rất khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, nhất là yêu cầu bảo đảm các vấn đề trên trong quá trình sử dụng sản phẩm. Về các điều kiện này, thực sự các DN Việt Nam chưa chú trọng. Chính vì vậy, để tận dụng tốt các cơ hội của EVFTA, CPTPP, các DN trong nước phải cải thiện những hạn chế đó. Nếu không, chỉ cần một lần mắc lỗi bị trả lại hàng, việc đặt chân lại vào thị trường EU là cực kỳ khó khăn.
Do đó, để nâng cao chất lượng hàng dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh: Yếu tố quyết định đầu tiên là con người, cho nên các cơ sở đào tạo phải chấp nhận tốn kém mời chuyên gia giỏi của nước ngoài vào đào tạo hoặc cử người có năng lực đi đào tạo tại nước ngoài, phải cấp kinh phí cho họ để họ có động lực theo học chuyên ngành rất khó này.
Bên cạnh đó nhà trường phải đầu tư thiết bị nhưng phải tương đương với thiết bị đang sử dụng tại DN để khi ra trường sinh viên mới có thể làm việc được. Còn nếu không đủ điều kiện đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, các cơ sở đào tạo có thể phối hợp, liên kết với DN để đưa sinh viên về đào tạo, thực tập tại DN. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ đối với công tác đào tạo trong lĩnh vực dệt may, các DN tăng cường đầu tư vào dệt, nhuộm…