EVN Hà Nội: Hành trình “mang và giữ” điện cho Thủ đô và những bước tiến trong thời đại 4.0
EVN Hà Nội: Quá trình thành lập và phát triển
Giai đoạn từ khi Hà Nội có điện đến năm 1954
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội có tiền thân là Nhà máy đèn Bờ Hồ được khởi công xây dựng vào ngày 06/12/1892 tại phố Frăng-xi-Gác-ni-ê bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (nay là số 69 phố Đinh Tiên Hoàng). Ban đầu, nhà máy chỉ có 2 tổ máy phát điện 1 chiều với tổng công suất 500 kW, nhưng cung cấp điện cho cả thủ đô Hà Nội.
Năm 1954, quân đội về tiếp quản Thủ đô. Từ đó, nhà máy là của nhân dân, của Chính phủ, của các cán bộ công nhân viên theo lời dặn dò của Bác Hồ khi đi thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ.
Từ năm 1954 đến năm 1964
Trong giai đoạn này, điện Hà Nội không chỉ góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH của Thủ đô Hà Nội mà còn tỏa đi các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng và cấp điện cho một số trung tâm phụ tải lớn ở phía Bắc.
Năm 1956 và năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho cán bộ công nhân viên Nhà máy.
Điện lực Hà Nội là đơn vị có bề dày lịch sử với tiền thân là Nhà máy đèn Bờ Hồ.
Từ năm 1964 đến năm 1975
Là một trong những mục tiêu bị đánh phá ác liệt, Thủ đô Hà Nội gồng mình trong chiến tranh cùng các tỉnh miền Bắc. Một trong những khó khăn lớn nhất lúc đó là nhiều trạm điện, cột điện, đường dây bị phá huỷ và hư hỏng.
Với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, các cán bộ Điện Hà Nội phải hi sinh đêm ngày để liên tục chiến đấu và sản xuất, nỗ lực khắc phục khó khăn, cung cấp điện cho cả thủ đô. Những cống hiến to lớn này giúp Sở điện Lực Hà Nội vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang do Đảng và Nhà nước phong tặng.
Từ năm 1975 đến năm 1995
Kinh tế cả nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển, Điện Hà Nội cũng phải liên tục mở rộng để đáp ứng yêu cầu về điện cho sự phát triển của Thủ đô. Vượt qua nhiều khó khăn lớn lao như nguồn điện thiếu, lưới điện cũ nát, chắp vá, nạn câu móc lấy cắp điện tràn lan, Sở Điện lực Hà Nội đã vượt qua giai đoạn vất vả nhất để từng bước tiến hành khắc phục mọi hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo lưới điện và phục hồi quá trình cung ứng điện.
Năm 1985, Nhà nước đầu tư tiền vốn, cộng thêm sự giúp đỡ về vật tư, thiết bị của Liên Xô, lưới điện Hà Nội bắt đầu được cải tạo với quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển của các phụ tải và cấp điện phục vụ dân sinh.
Giai đoạn từ 1995 đến năm 2010
Năm 1995, Sở Điện lực Hà Nội, từ một đơn vị hạch toán phụ thuộc, trở thành đơn vị hạch toán độc lập và được đổi tên thành Công ty Điện lực TP Hà Nội.
Công ty Điện lực TP Hà Nội sẽ là thành viên của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam)
Tháng 8/2008, Công ty Điện lực TP Hà Nội đã tiếp nhận và quản lý lưới điện của tỉnh Hà Tây cũ, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - Hòa Bình và huyện Mê Linh – Vĩnh Phúc, theo Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.
Giai đoạn từ năm 2010 đến nay
Ngày 05/02/2010, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội chính thức được thành lập theo chủ trương của Đảng và Nhà nước để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới. EVN Hà Nội là Tổng công ty quản lý và phân phối điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ-Công ty con với EVN.
Từ đây, EVN Hà Nội liên tục phát triển và thực hiện tốt các nhiệm vụ được đề ra như một đơn vị chủ chốt trong việc cung cấp điện năng cho Thủ đô Hà Nội, phấn đấu trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, vươn tầm khu vực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Thủ đô và đất nước.
EVNHANOI không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của thủ đô.
Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, năm 2020 sản lượng điện tiết kiệm toàn Tổng công ty đạt 430,8 triệu kWh bằng 2,15% sản lượng điện thương phẩm và tương ứng số tiền trên 870 tỷ đồng.
Tổng công ty cũng cho biết, EVNHANOI đã hoàn thành triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại 27 vị trí gồm 12 vị trí mái nhà trụ sở và 15 vị trí mái nhà trực các Trạm biến áp 220/110kV với tổng công suất lắp đặt trên 981kWp; đã vận động 1.642 khách hàng đăng ký lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 32,36MWp.
Hiện nay, EVN Hà Nội do ông Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn và Tổng giám đốc Nguyễn Danh Duyên lãnh đạo.
Các lĩnh vực kinh doanh của EVN Hà Nội
Phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.
Thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị điện lực.
Sửa chữa thiết bị điện.
Giám sát lắp đặt thiết bị công trình, xây dựng hoàn thiện công trình điện dân dụng công nghiệp, đường dây tải điện và trạm biến áp.
Sản xuất thiết bị điện.
Lắp đặt hệ thống điện.
Xây lắp các công trình điện.
Thiết kế đường dây và trạm biến áp đến 110KV.
Xây dựng đường dây và trạm biến áp không giới hạn quy mô cấp điện áp.
Tư vấn đầu tư xây dựng công trình.
Thiết kế kiến trúc công trình.
Lập dự án; quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Dịch vụ tư vấn chuẩn bị dự án; thực hiện dự án; điều hành, quản lý dự án.
Bán buôn máy móc, thiết bị điện, vật liệu điện.
Bán lẻ đồ điện gia dụng, đèn và bộ đèn điện.
EVNHANOI hoạt động chủ yếu trong ngành điện với nhiều hoạt động đa dạng.
Giải thưởng và thành tựu vinh dự của EVNHANOI nhận được
Sở điện Lực Hà Nội vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang do Đảng và Nhà nước phong tặng.
Từ năm 1999 tới năm 2009, Công ty Điện lực TP Hà Nội đã được nhận nhiều giải thưởng vinh dự và cao quý như là Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1999; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999; Huân chương chiến công hạng Nhì năm 2000; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006; Huân chương độc lập hạng nhì năm 2009.
Từ 2010 đến nay, EVNHANOI đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu “Anh hùng lao động” và “Huân chương Độc lập hạng nhất”...
Tiến hành chuyển đổi số và đảm bảo cung cấp điện Hè 2021
Đại dịch Covid đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra một cách nhanh chóng. Đa số khách hàng đã thay đổi hoàn toàn thói quen sang giao dịch và sử dụng dịch vụ số.
Điều đó khiến EVNHANOI đứng trước nhu cầu chuyển đổi số và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, đồng thời mang lại cơ hội mở rộng quy mô, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí tối ưu. Thông qua đó, quá trình quản lý kỹ thuật, vận hành, giám sát, điều hành lưới điện đảm bảo hơn, nâng cao an toàn và độ tin cậy để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Để quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi, EVNHANOI xác định cần tự thực hiện và làm chủ công nghệ, là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo quản lý và toàn thể cán bộ công nhân viên. Trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, quy trình nghiệp vụ sẽ được rà soát thống nhất trong EVNHANOI.
Quá trình thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả, cách thức mà EVNHANOI hoạt động sẽ thay đổi toàn diện, tối ưu hóa hiệu suất làm việc, vừa tăng hiệu quả hợp tác, mang lại giá trị cho khách hàng.
Điển hình, trong năm 2021, EVNHANOI ra mắt hệ sinh thái chăm sóc khách hàng, trong đó, các kênh kết nối giữa khách hàng và ngành điện sẽ thông qua dịch vụ số trở nên dễ dàng hơn.
Qua hệ sinh thái CSKH này, mọi người có thể sử dụng dịch vụ điện ở bất cứ nơi đâu, tự tính hóa đơn tiền điện, chủ động theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ hàng ngày, đặt ngưỡng cảnh báo sử dụng điện… với mong muốn tiếp tục mang đến cho khách hàng những dịch vụ ngày càng hoàn hảo.
Như vậy, trong lộ trình chuyển đổi số, đây là bước tiến lớn đối với EVNHANOI khi nỗ lực nâng tầm trải nghiệm của khách hàng, đem lại sự công khai minh bạch và lấy khách hàng làm trung tâm.
EVNHANOI đã ra mắt hệ sinh thái chăm sóc khách hàng để mang lại những trải nghiệm sử dụng dịch vụ tốt nhất.
Bên cạnh đó, cao điểm tiêu thụ điện sắp tới, EVN Hà Nội đã tiến hình dự báo tình hình nhu cầu điện có thể diễn biến khó lường cho năm 2021.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, toàn thành phố sẽ khôi phục việc sản xuất kinh doanh, cộng thêm nhu cầu điện dân dụng của người dân trong mùa hè, EVN Hà Nội sẽ phải chuẩn bị ứng phó những tình huống xấu nhất, chẳng hạn như xảy ra nắng nóng kéo dài, có thể gây ra quá tải lưới điện cực đoan trong hè 2021.
Theo dự báo của Trung tâm điều độ Hệ thống điện TP Hà Nội, phụ tải năm 2021 tăng 7% cho khu vực Trung tâm và 9% cho các khu vực còn lại với công suất cực đại ≈ 4789 (MW).
Để chuẩn bị trước cho các tình huống này, các phương án cấp điện trong năm nay đã được EVNHANOI chủ động xây dựng từ tháng 9 năm 2020.
Hàng loạt trạm biến áp 110kV, 220kV được đồng loạt triển khai đầu tư xây dựng, bổ sung đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của khách hàng trên địa bàn Hà Nội. EVNHANOI đầu tư xây dựng các trạm mới với công nghệ hiện đại cùng hệ thống điều khiển từ xa.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội cũng tăng cường đôn đốc tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, kiểm tra rà soát, bảo dưỡng sửa chữa toàn bộ các trạm biến áp, đường dây để đảm bảo vận hành an toàn trong thời gian sắp tới.
Cụ thể, đơn vị dồn sức rà soát và thay thế, bổ sung một số tuyến đường dây đã cũ, thi công, đấu nối, lắp đặt các thiết bị điện như đường dây, trạm biến áp, hướng tới mục tiêu đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định.
Xem thêm: EVNGENCO 3: Trụ cột hàng đầu của ngành năng lượng điện tại Việt Nam
Phương Thúy