Eximbank sẽ miễn nhiệm 2 Phó Chủ tịch, chuyển trụ sở chính ra Hà Nội
Thông qua tờ trình chuyển trụ sở chính ra Hà Nội
Trước khi bắt đầu buổi họp ĐHĐCĐ bất thường, đại diện EIB thông báo quy chế họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/11/2024 của EIB. Theo đó, EIB ghi nhận tổng số phiếu phát ra là 88 phiếu, tương đương 1,721 tỷ cổ phần (chiếm tỷ lệ 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông tham dự tại đại hội). Tổng số cổ phiếu thu về là 79, đại diện cho 1,719 tỷ cổ phần, chiếm tỷ lệ 99,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông tham dự tại đại hội.
Tại ĐHĐCĐ bất thường, hai vấn đề cổ đông EIB quan tâm đó là cổ đông ngân hàng xem xét các tờ trình như chuyển trụ sở từ TP.HCM ra Hà Nội và miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát cùng hai thành viên HĐQT.
Trả lời cổ đông về việc chuyển trụ sở chính ra Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết: “Eximbank hoạt động tại TP.HCM năm thứ 35 và không tăng lượng khách hàng trong 10 năm. Trong khi ngân hàng khác đã tăng trưởng và đi khắp mọi miền Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu Eximbank phủ kín toàn quốc. Tăng độ nhận diện thương hiệu miền Bắc, phát triển các mảng kinh doanh, logistics, hạ tầng, không riêng tài chính”.
Ngoài ra, các công tác phát triển tại miền Nam đã đến đoạn bão hòa, Eximbank cần cố gắng duy trì và mở rộng ra miền Bắc. Eximbank mong muốn mở rộng ngành nghề mới để theo kịp ngân hàng bạn trong ít nhất 3 năm nữa, chứ không chỉ dừng lại ở 2,4 triệu khách hàng.
“Dời trụ sở chính ra Hà Nội là nhân đôi nhân sự, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Còn ai có tâm địa xấu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi Eximbank sẽ tự động loại bỏ. Ngoài ra, thị trường có nhiều thông tin lan truyền vô cớ, gây tâm lý không tốt cho cán bộ Eximbank, tạo ra thiệt hại có thật đã được ghi nhận. Eximbank đang nhờ cơ quan có thẩm quyền xác định thiệt hại và ai gây ra”, ông Hải khẳng định.
Liên quan đến chi phí đã đầu tư vào Lê Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch Trần Tấn Lộc cho biết, chi phí liên quan xây dựng số 7 Lê Thị Hồng Gấm trước đây thuộc các nhiệm kỳ HĐQT trước. Nếu dời trụ sở và không tiếp tục xây dựng HĐQT sẽ rà soát hồ sơ với đối tác thời gian qua, nếu phát sinh chi phí sẽ thương lượng mức chi phí hợp lý nhất, tránh tổn thất cho Ngân hàng.
Kết quả tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/11, đã thông qua tờ trình thay đổi trụ sở chính của Eximbank từ TP.HCM ra Hà Nội với tỷ lệ thông qua 58.73%.
Miễn nhiệm Trưởng ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT
Tại đại hội, đại diện EIB trình ĐHĐCĐ bất thường về việc miễn nhiệm Trưởng ban Kiểm soát Ngo Tony cũng như hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Ngày 29/10, một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phần phổ thông của Eximbank kiến nghị HĐQT ngân hàng bổ sung nội dung miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát với ông Ngo Tony vào chương trình và nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024.
Tờ trình nêu rõ, ông Ngô Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ ngân hàng Eximbank và quy chế tổ chức và hoạt độngcủa Ban Kiểm soát ngân hàng, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông.
Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 40,74% (tương ứng 705 triệu cổ phiếu). Ngoài ra, có 5,36% cổ đông (tương ứng 93 triệu cổ phiếu) không đưa ra ý kiến.
Bên cạnh đó, nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần tại Eximbank cũng có kiến nghị miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam. Lý do được đưa ra là hai lãnh đạo này không tham dự đủ các cuộc họp của HĐQT và những lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản.
Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 41,23% (tương ứng 713 triệu cổ phiếu).
Vì chỉ cần trên 51% cổ đông chấp thuận, tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony và thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú đã được ĐHĐCĐ bất thường thông qua.
Kỳ vọng “lột xác” Eximbank có lẽ sẽ cần thời gian để khẳng định. Tuy nhiên, mỗi sự thay đổi đều là cần thiết để ngân hàng 35 tuổi này, thực sự có những bước chuyển mình, bứt phá khỏi một Eximbank từng bị đóng băng suốt cả một thập kỷ, trở về với danh tiếng vốn có.