Gần 115 triệu cổ phiếu chuẩn bị lên sàn UPCoM, Tôn Đông Á (GDA) đang kinh doanh ra sao?
Cụ thể, số cổ phiếu GDA được HNX chấp thuận lên sàn là 114,69 triệu, mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 1.146,9 tỷ đồng.
Theo bản công bố thông tin về tổ chức đăng ký giao dịch, CTCP Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á, được thành lập ngày 5/11/1998, sau đó được đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005, tới năm 2009, Công ty đã chuyển đổi từ công ty TNHH sang Công ty cổ phần vớivốn điều lệ ban đầu 120 tỷ đồng. Từ đó đến nay, đơn vị này chưa lần nào thực hiện chia, tách, hợp nhất hay sáp nhập.
Về hoạt động tăng vốn, kể từ khi trở thành CTCP đến nay, Tôn Đông Á đã thực hiện 13 đợt tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng năm 2009 lên 1.147 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, lần tăng vốn mạnh nhất là năm 2017, vốn điều lệ của Tôn Đông Á tăng gấp đôi, từ 362 tỷ lên 724,8 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2023, cơ cấu cổ đông của công ty gồm có 262 cổ đông trong nước và 7 cổ đông nước ngoài (có 6 cổ đông nước ngoài là tổ chức nước ngoài, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ).
Công ty có 4 cổ đông lớn bao gồm ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT sở hữu 32,6% vốn điều lệ; bà Lê Thị Phương Loan, Thành viên HĐQT sở hữu 10,73% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam sở hữu 7,44% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Thành viên HĐQT sở hữu 6,57% vốn điều lệ; còn lại 42,66% thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Trước đó, đơn vị này đã xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu trên sàn HOSE vì thua lỗ kỷ lục hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022, không đảm bảo điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật.
Về tình hình kinh doanh, doanh nghiệp này ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng kể từ khi cổ phần hoá đến nay. Theo báo cáo tài chính năm 2019, công ty thu về hơn 12.612 tỷ đồng doanh thu thuần và 77 tỷ đồng lãi sau thuế. Sang năm 2020, con số doanh thu giảm nhẹ xuống 12.437 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng hơn 3 lần, lên 286 tỷ đồng.
Đầu năm 2021, thị trường nội địa đem lại kết quả tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Song đến giữa năm, làn sóng dịch bệnh ảnh hưởng sâu và rộng đến sức tiêu thụ trong nước. Tôn Đông Á đã chuyển hướng tập trung vào thị tường quốc tế trong giai đoạn này. Kết quả, công ty đạt 25.262 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi năm 2020 và đạt 1.210 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ.
Năm 2022, dịch bệnh lan rộng trên toàn thế giới khiến tốc độ xuất khẩu của đơn vị này đã chững lại. Sự phục hồi của nhu cầu thời điểm giữa và cuối năm bị cản trở bởi áp luật lãi suất tăng, các ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài và tâm lý e dè, thận trọng của khách hàng trước nhiều dự báo về suy thoái và khó khăn của kinh tế. Cuối quý IV/2022, thị trường trong nước có những điểm sáng tích cực với nhu cầu trở lại sau thời gian dài hàng tồn kho trên thị trường ở mức thấp, bên cạnh yếu tố giá thép nguyên liệu có xu hướng tăng mạnh.
Tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 21.614 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021, chủ yếu là do giá bán giảm và nhu cầu sụt giảm trong khi giá vốn tăng đột biến. Với gánh nặng tài chính, Tôn Đông Á báo lỗ 277 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi nghìn tỷ trong năm 2021.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2022, Tôn Đông Á sản xuất gần 766.000 tấn tôn mạ và bán ra 736.000 tấn, chiếm 17,6% thị phần và đứng thứ 2 toàn ngành chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG).
Sang năm 2023, tình hình khó khăn được thể hiện rõ trong quý I khi doanh nghiệp báo doanh thu thuần hơn 3.900 tỷ đồng và lãi ròng 80 tỷ đồng, giảm 38% và 60% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng giảm xuống 7,5% trong quý I. Sang quý II, đã có đôi chút tín hiệu phục hồi khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.787 tỷ đồng, lãi ròng 123 tỷ. Tuy vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng đã tăng so với quý I.
Luỹ kế nửa đầu năm 2023, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu thuần 8.726 tỷ đồng, lãi ròng đạt 204 tỷ đồng, giảm 33% và 38% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, doanh nghiệp đã vượt mục tiêu lợi nhuận năm (200 tỷ).
Về kế hoạch đầu tư, Công ty dự kiến tiếp tục lập kế hoạch, nghiên cứu và triển khai đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ 3 với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.
Cụ thể, dự án đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba được chia làm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và triển khai từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt Giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.
Dự báo cho nửa cuối năm 2023, Tôn Đông Á cho rằng nhu cầu xây dựng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và khu vực đã, đang được kỳ vọng cải thiện dần, tạo ra cơ hội cho công ty mở rộng thị phần và đầu tư phát triển. Triển vọng của thị trường ngành thép lá mạ trong nửa cuối năm 2023 đến năm 2024 dự kiến phục hồi, thúc đẩy bởi nhu cầu xây dựng và cơ sở hạ tầng cùng các chính sách kích thích kinh tế tài chính. Sự phục hồi của nền kinh tế và các dự án quy mô lớn đang được triển khai sẽ là những tác động tích cực đến nhu cầu sử dụng tôn mạ.