Gần 140.000 bạn trẻ 9X đã trở thành các ‘ông chủ’
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tổng số lao động trẻ của Việt Nam đang giảm nhẹ trong những năm gần đây. Năm 2011, lao động trẻ đạt khoảng 22 triệu người, đến năm 2012 giảm xuống còn 20,9 triệu và đến năm 2016 chỉ còn 19,3 triệu người.
Lao động trẻ ở đây được tính từ độ tuổi 17 đến 24, theo đúng chuẩn quốc tế.
Tỷ lệ lao động trẻ tham gia thị trường lao động chỉ chiếm khoảng 2/3 trong tổng lực lượng. Con số thống kê cho thấy năm 2016 chỉ có khoảng 12,7 trên tổng số 19,3 triệu người trẻ tham gia thị trường lao động.
Về trình độ giáo dục của lao động trẻ, đa phần vẫn là tốt nghiệp THPT và THCS. Thống kê vào năm 2016 cho thấy tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm 8,17%; cao đẳng chỉ chiếm 8,74%. Trong khi đó, lao động có trình độ THPT chiếm 26,09%, đông đảo nhất là lao động có trình độ THCS, chiếm 36,06%.
Hầu hết lao động trẻ là người làm công ăn lương với gần 60%; có 24,92% là lao động gia đình; 14,95% tự sản xuất, còn lại chỉ 1,07% là chủ cơ sở.
Như vậy, với 12,7 triệu lao động trẻ tham gia vào thị trường, đã có 139.000 người lao động trẻ đã là chủ cơ sở. Với độ tuổi từ 17-24, các bạn trẻ này chủ yếu thuộc lứa tuổi 9X.
Cũng theo thống kê, chỉ khoảng 10% người trẻ làm việc cho các doanh nghiệp (DN) FDI, còn lại 20,6% làm cho khối tư nhân, 25% làm cho hộ kinh doanh cá thể; chiếm lớn nhất là làm việc ở dạng hộ nhỏ lẻ (25,5%).
Những ngành nghề được người trẻ chọn nhiều nhất là lao động giản đơn (khoảng 37%), dịch vụ cá nhân (khoảng 16%), thợ lắp ráp vận hành máy móc thiết bị (khoảng 15%) và thợ thủ công có kỹ thuật (khoảng 15%). Có rất ít bạn trẻ làm việc liên quan đến kỹ thuật bậc cao hoặc bậc trung, làm lãnh đạo, lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp…
Trong đó, lao động phù hợp với trình độ chuyên môn vào khoảng 58%, lao động thiếu trình độ là khoảng 30% và thừa trình độ vào khoảng 12%.
Để có được việc làm, các bạn trẻ thông qua 3 hình thức phổ biến nhất là “quảng cáo”, “qua quan hệ họ hàng, bạn bè” và “tuyển dụng nội bộ”. Tỷ lệ có việc làm thông qua trung tâm giới thiệu việc làm rất ít.
Theo đánh giá của VEPR, đa phần lao động trẻ đang làm việc trong các ngành “dễ bị tổn thương” (59,06%). Ngành dễ bị tổn thương được hiểu là lực lượng làm việc tại khu vực có năng suất thấp, không được đóng bảo hiểm xã hội, không được bảo vệ khi thất nghiệp, không có khả năng học hỏi trong khu vực đó…
Hiện lao động trẻ Việt Nam mới chỉ được đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng trên dưới 30%. Có đến 70% vẫn chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Điều này gặp rủi ro lớn khi người trẻ không may thất nghiệp, ốm đau, tai nạn lao động… sẽ không được bảo vệ.
Đáng chú ý, khi tham gia khu vực ngành dễ bị tổn thương, là những ngành có năng suất thấp, lao động trẻ ít có điều kiện tích lũy thêm kinh nghiệm, tay nghề, nâng cao năng suất lao động. Điều đó cản trở họ trở thành thợ lành nghề, người có năng suất lao động cao, có thể làm giàu trong tương lai.
Lao động trẻ đang chuyển từ 'ứng viên' sang 'người lựa chọn'
Đây là chia sẻ của nhiều bạn trẻ khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn việc làm. Dưới tác động của nền kinh tế, mức lương tốt không phải là tất cả.
Theo Zing.vn