'Sức khỏe' thị trường lao động Mỹ có đang phát đi những tín hiệu suy thoái?

Phương Lê 13:30 | 08/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo thị trường lao động Mỹ tháng 6 cho thấy việc tuyển dụng đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều ngành công nghiệp mặc dù tỷ lệ thất nghiệp  tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường lao động đến nay có thể không bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhưng tuyển dụng vẫn diễn ra mạnh mẽ

Thị trường Mỹ có thêm 250.000 việc làm mới trong tháng 6, giảm so với mức 390.000 viẹc làm tăng thêm vào tháng 5, số liệu thống kê mới nhất cho thấy. Các nhà kinh tế cũng kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giữ ở mức 3,6% và thu nhập dự kiến ​​sẽ tăng 0,3%, tương đương với tháng 5. 

Trong khi đó, tổng số hồ sơ xin trợ cấp  thất nghiệp lần đầu là 235.000 (theo tổng kết ngày 2/7), tăng 4.000 hồ sơ so với kỳ trước. 

Báo cáo thị trường việc làm được cho là có thể cung cấp những manh mối quan trọng về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)  sẽ có một đợt tăng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm nữa hay giảm xuống mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng này

Thị trường việc làm không phải là một chỉ số quan trọng xác định suy thoái kinh tế. Nhưng các chuyên gia dự báo rằng thị trường lao động cũng sẽ chậm lại nếu các đợt tăng lãi suất tiếp tục diễn ra. Suy thoái kinh tế sẽ thể hiện ở thị trường việc làm thông qua tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tăng trưởng việc làm chậm hơn mục tiêu. 

Câu hỏi đang đặt ra là liệu FED có đang làm chậm nền kinh tế quá mức thông qua một lộ trình tăng lãi suất dốc đứng như hiện nay?

Theo một số khảo sát, các nhà kinh tế không lo lắng về thị trường lao động. Ông Aditya Bhave, nhà kinh tế cấp cao Mỹ và toàn cầu tại Bank of America, cho biết: “Tôi nghĩ rằng có một số lo ngại về sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng và thị trường nhà ở, nhưng điều đó vẫn chưa xuất hiện trên thị trường lao động”. Ông Bhave kỳ vọng tăng trưởng việc làm mạnh hơn, đạt 325.000 việc làm, nhưng ông dự kiến ​​tốc độ tạo việc làm sẽ giảm xuống còn khoảng 100.000 vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Cho đến nay, thị trường lao động không có nhiều dấu hiệu suy yếu. Tom Gimbel, người sáng lập LaSalle Network, cho biết quý II là quý tuyển dụng kỷ lục đối với công ty ông. Trong đó, kế toán, tài chính và công nghệ là những công việc nổi bật nhất. 

Ngoài các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ phi lợi nhuận, Gimbel cho biết ông không thấy tình trạng sa thải nhân viên quá mạnh mẽ hoặc tuyển dụng chậm lại. Tuy nhiên, ông nhìn thấy thực trạng người lao động rời bỏ các công ty khởi nghiệp nhận vốn đầu tư mạo hiểm để tìm đến các nhà tuyển dụng lâu năm hơn. 

Các nhà kinh tế cho rằng chỉ số giá tiêu dùng, được công bố vào 13/7 tới, sẽ quan trọng hơn nhiều đối với quyết định điều chỉnh lãi suất của FED tại cuộc họp ngày 26 và 27/7. Kể từ tháng 3, FED đã nâng lãi suất cơ bản từ mức  0 đến 0,25% lên phạm vi 1,50% đến 1,75%.

Những dự báo trái chiều về suy thoái

Kevin Cummins, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại NatWest, nhận định rằng chỉ số lạm phát CPI có thể sẽ rất nóng khi nó được công bố vào ngày 13/7 tới. Ông dự đoán CPI có thể là 8,9%, tăng so với mức 8,6% của tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1981.

Ông Cummins lập luận rằng GDP tăng trưởng âm quý đầu tiên không hẳn tiêu cực, do nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ thương mại giảm sút và hàng tồn kho. Tuy nhiên, ông cho biết nền kinh tế đang chậm lại và tăng trưởng trong quý II có thể yếu hơn quý đầu tiên.

Công cụ GDP Now của Atlantic Fed báo hiệu nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái, khi dự đoán tổng sản phẩm quốc nội giảm 2,1% trong quý thứ II. Chỉ số hiện cho thấy tăng trưởng GDP đang giảm 1,9%. Trong khi đó, ở góc nhìn lạc quan hơn, các nhà kinh tế được khảo sát trong Bản cập nhật nhanh CNBC và Moody’s Analytics đang dự báo mức tăng GDP 1,8% trong quý thứ II.

Trong quý I/2022, tăng trưởng GDP của Mỹ đạt -1,6%. Suy thoái kinh tế được định nghĩa kỹ thuật là khi nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.