Gần 140 người Myanmar thiệt mạng từ sau đảo chính, thế giới lên án tình trạng bạo lực
Liên hợp quốc ước tính đến ngày 15/3 đã có ít nhất 138 người biểu tình Myanmar thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính. Hiện nhiều nước lên án tình trạng bạo lực xảy ra tại nước này.
Nguồn tin của AFP cho biết, hôm 15/3 có thêm khoảng 20 người biểu tình Myanmar thiệt mạng do xuống đường phản đối đảo chính. Trước đó, theo AP, đất nước này ghi nhận thêm một ngày chết chóc hôm 14/3, khi có tới 38 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại thành phố Yangon đặc biệt là vùng ngoại ô Hlaingthaya. Đây là một trong những ngày biểu tình đẫm máu nhất từ đầu tháng 2 cho đến nay.
Phần lớn những người thiệt mạng hôm 14/3 là do đụng độ tại một quận chuyên sản xuất hàng may mặc ở TP Yangon, nơi nhiều nhà máy do Trung Quốc làm chủ bị san bằng. Nhiều người biểu tình tin rằng cuộc chính biến hôm 1/2 là do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc đến hôm 15/3, đã có ít nhất 138 người biểu tình tại Myanmar đã thiệt mạng kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính hôm 1/2. Đáng nói trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Người biểu tình tại Mandalay chạy trốn trước một đợt vây bắt của lực lượng an ninh hôm 15/3. Ảnh: Reuters
Ngày 14/3, quân đội Myanamar đã tiến hành thiết quân luật tại Yangon và nhiều thành phố khác, sau khi hàng chục nhà máy của Trung Quốc bị người biểu tình đốt phá. Động thái này cho phép quân đội thực thi mọi quyền hành pháp và tư pháp để siết chặt kiểm soát các địa phương.
Theo Reuters, hôm 15/3 biểu tình vẫn tiếp diễn tại Yangon, Mandalay và các thành phố Myingyan và Aunglan ở miền trung Myanmar.
Tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng tại Myanmar khiến thế giới bày tỏ sự lo ngại. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảm thấy "kinh hoàng" trước tình hình bạo lực leo thang tại Myanmar.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc khẳng định những vụ sát hại người biểu tình, bắt giữ vô cớ và tra tấn tù nhân đã vi phạm các quyền con người cơ bản.
Tổng thư ký Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế làm việc cùng nhau để giúp chấm dứt việc đàn áp người biểu tình, đồng thời thúc giục quân đội Myanmar cho phép đặc phái viên của ông đến giám sát và "xoa dịu" tình hình, nhằm tạo tiền đề cho sự trở lại của "một nền dân chủ mới".
Đại sứ Anh tại Myanmar Dan Chugg kêu gọi chính phủ quân sự Myanmar "lập tức chấm dứt bạo lực" và "trao trả quyền lực cho những người đã được nhân dân Myanmar bầu lên một cách dân chủ". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án những hành vi bạo lực của quân đội Myanmar.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, ước tính có khoảng 700 trẻ em nằm trong số những người biểu tình bị bắt giữ và ít nhất 9 trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng tại Myanmar, tính đến ngày 15/3.
Trong tuyên bố trên Facebook hôm 11/3, cơ quan này còn cho biết, nhiều người biểu tình đang bị giam giữ không có quyền tiếp cận với cố vấn pháp lý của mình.
Trong một diễn biến khác, luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi tiết lộ với AFP theo kế hoạch, phiên điều trần của nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi diễn ra vào 10 giờ sáng ngày 15/3 tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, song đã bị hoãn tới ngày 24/3.
Hà Ly