GAS: Lãi 9 tháng vượt xa mục tiêu cả năm, vị thế tiền mặt ròng dồi dào
Lãi trước thuế 9 tháng vượt 66% kế hoạch cả năm
Theo đó, GAS ghi nhận doanh thu thuần 24.329 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu bán và vận chuyển khí chiếm ghi nhận 78.495 tỷ đồng. Trừ gần 20.000 tỷ đồng giá vốn, doanh nghiệp thu về 4.397 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lãi gộp đạt 18%, không có thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.851 tỷ đồng, tăng 25% và lãi ròng ghi nhận 3.089 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2021.
Theo doanh nghiệp, lợi nhuận trong quý III tăng là do giá dầu Brent bình quân trong quý là 100,84 USD/thùng, tăng 27,33 USD/thùng so với quý III/2021 (71,51 USD/thùng) tương ứng tăng 37% làm cho lợi nhuận của khí khô tăng tương ứng. Tuy nhiên, sản lượng khí khô tiêu thụ trong quý III/2022 giảm 12% so với quý III/2021 do huy động khí thấp, đặc biệt là huy động khí cho điện.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, PV GAS đạt doanh thu 78.672 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 14.633 tỷ đồng, tăng 69% và lãi ròng 11.726 tỷ đồng, tăng 72% so với 9 tháng 2021.
Năm 2022, GAS đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 80.043 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 8.791 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, PV GAS đã vượt mức cao (66%) so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2022.
Trong Hội nghị với nhà đầu tư năm 2022, GAS cho biết, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm 2022 ước vượt kế hoạch từ 25-77% kế hoạch cả năm, trong đó doanh thu dự kiến đạt mốc 100.000 tỷ đồng.
Vị thế vững chắc nhờ tiền mặt ròng dồi dào
Về tình hình tài chính, tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của GAS là 85.224 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 67% với 57.329 tỷ đồng.
Tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt tới 36.000 tỷ đồng, tương đương 42% tổng tài sản; bao gồm: 2.121 tỷ đồng tiền mặt, 8.085 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 25.794 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).
Hàng tồn kho còn 2.537 tỷ đồng, giảm 21,7% từ đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn 17.522 tỷ đồng, tăng 3,5%.
GAS có 401 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, trong đó 391 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
Bên kia bảng cân đối tài chính, GAS ghi nhận tổng nợ 27.210 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn 15.493 tỷ đồng và nợ dài hạn 11.717 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn chỉ 89.82 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến 30/9 ghi nhận 58.013 tỷ đồng.
Nhờ sở hữu số dư tiền mặt ròng dồi dào, khoảng 27.000 tỷ đồng vào cuối quý III, một trong những lượng tiền lớn nhất trong số các công ty niêm yết, VNDirect cho rằng GAS sẽ là đơn vị được hưởng lợi trong bối cảnh môi trường lãi suất đang tăng. Đơn vị này ước tính nếu lãi suất tăng thêm 1%, GAS có thể kiếm thêm 224 tỷ lợi nhuận tài chính thuần mỗi năm, tương đương 1,2% lợi nhuận trước thuế. Do đó, GAS sẽ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao, hỗ trợ cho KQKD của công ty. Hơn nữa, việc giá bán khí được tính theo đồng USD có thể giúp GAS bù đắp hoàn toàn cho khoản lỗ tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ vốn lưu động bằng USD.
Về lưu chuyền tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh ghi nhận 10.946 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động. Dòng tiền đầu tư âm 1.669 tỷ đồng do doanh nghiệp mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn, đồng thời cho vay, mua lại các công cụ nợ của đơn vị khác. Dòng tiền tài chính ghi nhận âm 4.913 tỷ đồng, chủ yếu là trả cổ tức và lợi nhuận cho chủ sở hữu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GAS vẫn giữ được mức giá cao, thậm chí tăng nhẹ 2% trong 3 tháng qua dù thị trường lao dốc. Kết phiên 7/11, GAS giao dịch ở mức giá 112.900 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa của GAS trên thị trường là 216.085 tỷ đồng, vượt qua Vinhomes và đứng trong top 3 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (đứng sau VCB của Vietcombank và VIC của Tập đoàn Vingroup – công ty mẹ của Vinhomes).