Giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh nửa đầu năm, cơ hội phía trước nằm ở nhóm ngành nào?

Anh Đào 17:15 | 20/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu, CTCP FiinGroup Việt Nam, có ba chủ đề đầu tư đáng quan tâm thời gian tới. Chủ đề thứ nhất liên quan đến kỳ vọng tháo gỡ chính sách, tiếp theo là kỳ vọng cầu nội địa cải thiện, chủ đề cuối cùng liên quan câu chuyện kỳ vọng xuất khẩu hồi phục.

Ngày 19/8, Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức tọa đàm “Sóng chứng khoán 2023. V hay W?.

Tại tọa đàm, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu, CTCP FiinGroup Việt Nam nói về đặc điểm chung của các ngành có hiệu suất vượt trội, lưu ý nhà đầu tư về bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm và nhận định cơ hội đầu tư nửa cuối năm.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu, CTCP FiinGroup Việt Nam. (Ảnh: VNEconomy).

Theo bà Vân, tâm lý nhà đầu tư đã cân bằng hơn từ thời điểm tháng 4 khi chính sách tiền tệ đảo chiều. VN-Index đã có sự hồi phục mạnh. Đà hồi phục đó đến từ cả các nhóm ngành nhạy cảm với lãi suất như dịch vụ tài chính và những nhóm ngành liên quan đến câu chuyện cầu tiêu dùng nội địa hay nhóm xuất khẩu.

“Đặc điểm chung của sự hồi phục về giá này đều liên quan đến câu chuyện kỳ vọng lợi nhuận hồi phục trong tương lai”, bà Vân cho hay.

 

 Nguồn: FiinGroup.

Đà giảm thu hẹp, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục

Về bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm, xét trên toàn thị trường, dữ liệu cho thấy có hồi phục nhẹ về lợi nhuận, tốc độ suy giảm lợi nhuận trên toàn thị trường đã chậm lại.

Xét tăng trưởng theo quý, lợi nhuận trong quý II tăng trưởng rất cao so với quý I và quý IV/2022.

Bà Vân đánh giá sự hồi phục này đến từ khối tài chính và lưu ý câu chuyện đặc biệt khi tăng trưởng quý II vừa qua chủ yếu đến từ nhóm chứng khoán thay vì nhóm ngân hàng như các giai đoạn trước đây.

 

Với khối phi tài chính, có sự cải thiện tích cực về biên lợi nhuận trong hai quý đầu năm, và cho thấy xu hướng cải thiện càng ngày càng mạnh.

Tuy nhiên có điểm lưu ý là doanh thu của doanh nghiệp trong quý II lại giảm hơn quý trước do liên quan đến câu chuyện cầu hồi phục.

 

Doanh nghiệp thép giảm tích lũy hàng tồn kho, không tự tin về việc bán hàng trong tương lai

Bà Vân cũng đề cập đến ba nhóm ngành với ba phổ màu khác nhau.

Với ngành màu xanh (nhóm có tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong hai quý gần đây), rõ ràng nhóm này có cơ hội về đầu tư nhưng có nhiều câu chuyện cần lưu ý.

“Ví dụ ngành bất động sản trong quý II/2023 có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế rất tích cực (61,4% so với cùng kỳ) nhưng khi xem xét cụ thể, tăng trưởng này chủ yếu đến một vài doanh nghiệp đầu ngành như KBC hay VMH. Khi đầu tư vào nhóm bất động sản, yếu tố cần nhìn vào là tiến độ thực hiện dự án, năng lực bán hàng có tích cực hay không hơn là câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận cao.

Thị trường bất động sản dang trong chu kỳ đi xuống, xác suất xảy ra kịch bản sớm hồi phục khá thấp bởi những doanh nghiệp bất động sản hiện nay gặp nhiều vấn đề liên quan đến vốn và pháp lý của các dự án", Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu của FiinGroup cho hay.

Nguồn: FiinGroup.

Với nhóm ngành màu vàng (nhóm có câu chuyện hồi phục), tốc độ suy giảm lợi nhuận đã chậm lại đáng kể, chỉ báo rõ ràng nhất là biên cải thiện.

Ví dụ nhóm ngành thép (chiếm phần lớn trong nhóm tài nguyên cơ bản), việc lợi nhuận giảm quý thứ 4 liên tiếp và biên lợi nhuận chuyển từ âm sang dương cho thấy nhóm này đã có lãi từ hoạt động kinh kinh doanh cốt lõi. Bà Vân đánh giá đây là tín hiệu khả quan tuy nhiên có một vài chỉ báo cho thấy một vấn đề.

Cụ thể, số liệu cho thấy phần lớn các doanh nghiệp thép đều có số hàng tồn kho giảm trong khi doanh thu giảm. Điều này hàm ý doanh nghiệp không tự tin về việc bán hàng trong tương lai, nên chủ động giảm tích lũy hàng tồn kho, nhằm cải thiện biên lợi nhuận, duy trì lợi nhuận.

Nhóm ngành màu đỏ (nhóm ngành đang ở trạng thái dò đáy) lại phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của cầu trong nước và thế giới. Tuy nhiên sự hồi phục này đang diễn ra chậm.

Đại diện FiinGroup cũng cho biết đa số các ngành có giá tăng nhờ mở rộng về định giá, sự mở rộng này liên quan đến kỳ vọng hồi phục ở phía trước. Tuy nhiên như phân tích trước đó, tốc độ hồi phục chậm. Hơn nữa thời gian tới vẫn có nhiều trở ngại như khó khăn liên quan cầu tiêu dùng, liên quan đến thẩm thấu về mặt chính sách, nỗ lực thực hiện các chính sách đó.

Giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong nửa đầu năm, cơ hội phía trước nằm ở nhóm ngành nào?

"Hầu hết giá cổ phiếu các nhóm ngành đã chạy rất xa so với sự cải thiện về nền tảng cơ bản (cụ thể là lợi nhuận), vậy cơ hội đầu tư ở phía trước đến từ nhóm ngành nào?", bà Vân đặt vấn đề.

Theo chuyên gia, có ba chủ đề đầu tư đáng quan tâm thời gian tới. Chủ đề thứ nhất liên quan đến kỳ vọng tháo gỡ chính sách, tiếp theo là kỳ vọng cầu nội địa cải thiện, chủ đề cuối cùng liên quan câu chuyện kỳ vọng xuất khẩu hồi phục.

Nguồn: FiinGroup.

Trong nhóm "kỳ vọng tháo gỡ chính sách", bà Vân đề cập đến ngành thép, bất động sản, xây dựng. Ba ngành này có tốc độ tăng giá chủ yếu đến nhờ P/E mở rộng. Biểu đồ cho thấy sự thay đổi định giá ở mức quá cao và lợi nhuận khó có thể theo kịp, nghĩa là kỳ vọng với nhóm này đang quá xa so với cải thiện thực tế về nền tảng cơ bản.

Chủ đề thứ hai liên quan đến kỳ vọng cầu nội địa cải thiện. Nổi bật trong nhóm này là ngành bán lẻ, được cho là sẽ tốt hơn nửa đầu năm. Tuy nhiên, tương tự ngành thép, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang giảm đáng kể hàng tồn kho.

Cuối cùng, bà Vân đề cập đến nhóm ngành mang lại cơ hội đầu tư cao nửa cuối năm nay, là các nhóm liên quan đến câu chuyện kỳ vọng kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên lưu ý đến các nhóm ngành liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ như nhu cầu ăn uống, may mặc.

Các ngành này sẽ có sự hồi phục đáng kể vào cuối năm do vẫn còn kỳ vọng cải thiện lợi nhuận thời gian tới.

Bà cũng đề cập đến câu chuyện của QNS, khi doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận tăng đột biến, thì giá cổ phiếu lại đi xuống. Đây là điều rất bình thường do thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng tương lai của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

"Trước đó giá cổ phiếu đã tăng mạnh, phần tăng đấy đến từ kỳ vọng lợi nhuận phía trước của doanh nghiệp cải thiện. Và khi điều này xảy ra, không còn câu chuyện nổi bật nào khác ở phía trước để hỗ trợ giá cổ phiếu tiếp tục đà đi lên. Vì thế khi công ty báo cáo kết quả lợi nhuận tăng mạnh, thì ngay lập tức giá cổ phiếu điều chỉnh", chuyên gia từ FiinGroup lý giải.