Giá điện tăng, triển vọng nào cho ngành thép vừa qua “cơn bĩ cực”?

Thùy Dương 08:11 | 19/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nghiệp thép được dự báo đã qua “cơn bĩ cực”, nhưng có thể sẽ không sớm chứng kiến giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh cầu yếu, giá chịu sức ép và chi phí điện tăng.

Doanh nghiệp thép qua “cơn bĩ cực”, nhưng thách thức còn phía trước

Nếu như tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cảnh báo kết quả kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp ngành thép sẽ rất “thê thảm” thì đến ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Long cho rằng “giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua”. Thực tế, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành thép trong suốt 2022 cho đến quý I/2023 đã chứng minh nhận định của Chủ tịch Hòa Phát về tín hiệu phục hồi của ngành là có cơ sở.

Cụ thể, theo số liệu Visual Capitalist tổng hợp từ Hiệp hội Thép Thế Giới (WSA) ngày 19/5, sản lượng sản xuất thép toàn cầu năm 2022 đạt 1.878 triệu tấn, giảm 4,2% cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009. Việt Nam đứng thứ 13 về sản lượng thép với 20 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 1,1% nhưng ghi nhận mức giảm sản lượng lên tới 2 con số. Còn theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép năm 2022 của Việt Nam đạt 18.696 triệu tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021. Mức giảm chủ yếu đến từ hai quý cuối năm, thời điểm mà ngay cả những “ông lớn” ngành thép cũng ngụp lặn trong thua lỗ khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp....

 

 

Tuy vậy, bước sang đầu 2023, tình hình đã bắt đầu khởi sắc. Trong quý I/2023, “ông lớn” ngành thép Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận 383 tỷ đồng, dù vẫn giảm hơn 95% so với cùng kỳ nhưng đã khả quan hơn rất nhiều so với mức lỗ nghìn tỷ của hai quý cuối 2022. Kết quả này cũng nằm ngoài dự báo Hòa Phát sẽ thua lỗ quý thứ ba liên tiếp của một số công ty chứng khoán.

Khác niên độ tài chính nhưng cũng như Hòa Phát, trong 3 tháng đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Hoa Sen đã có lãi trở lại sau hai quý thua lỗ; với lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ và cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng lần lượt 887 tỷ và 680 tỷ đồng của hai quý cuối 2022. Tương tự, trong quý I, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lãi trở lại (68 tỷ đồng) sau 2 quý lỗ nặng dù lợi nhuận vẫn giảm sâu 65% so với cùng kỳ. Hay CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên cũng báo lãi dương trở lại, đạt 6,3 tỷ đồng, dù mức lãi giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Thép Nam Kim mặc dù ghi nhận chuỗi 3 quý lỗ liên tiếp nhưng tín hiệu tích cực là trong quý đầu năm, công ty không còn kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận lãi gộp đạt 138 tỷ đồng nên lỗ ròng trong quý chỉ 49 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với khoản lỗ lần lượt 419 tỷ và 356 tỷ của hai quý cuối năm ngoái. Tương tự, CTCP Thép Pomina cũng có quý lỗ thứ 3 liên tiếp nhưng lỗ ròng quý I/2023 chỉ còn 187 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với số lỗ 461 tỷ và 716 tỷ của quý III - quý IV/2022.

 

 

Mặc dù cho rằng“cơn bĩ cực” đã ở lại phía sau, nhưng Chủ tịch Trần Đình Long cũng thừa nhận thách thức của ngành thép còn phía trước khi đà phục hồi hoàn toàn phụ thuộc vào lực cầu, hiện vẫn thấp.

Dự báo cầu yếu cũng được Chứng khoán VNDirect lưu ý trong báo cáo ngành thép hồi tháng 5 qua, rằng tổng cầu thép trong nước năm nay có thể tăng trưởng âm và sự phục hồi nhu cầu thép trong nước vẫn phụ thuộc vào triển vọng được cải thiện của thị trường bất động sản dân dụng - vốn chiếm khoảng 60 - 65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm. Cụ thể, VNDirect cho rằng mặc dù thời gian gần đây, các tín hiệu tích cực hơn đối với ngành bất động sản đã dần xuất hiện như hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội hay Nghị định 10 tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý…); tuy nhiên hiệu quả thực tế triển khai vẫn cần kiểm chứng thêm. Và do đó, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu có ấm lên đáng kể trong năm nay. Cân nhắc những yếu tố này, nhóm phân tích dự phóng trong năm 2023; tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng - tôn mạ của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm lần lượt 9,2% và 7,0% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn và 3,9 triệu tấn.

Chung nhận định, nhóm phân tích từ CTCK Mirae Asset (MAS) cho rằng với đặc tính sản lượng thép bán ra phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản nội địa, việc lĩnh vực bất động sản trầm lắng trong năm 2023 sẽ kéo theo nhu cầu thép trong nước khó có sự tăng trưởng. Theo đó, nhóm phân tích dự phóng sản lượng thép nội địa trong năm 2023 giảm 10,5% so với cùng kỳ về mức 17,89 triệu tấn trong khi xuất khẩu thép dự kiến giảm về mức 5,07 triệu tấn, tức giảm 16%.

 

 

Bên cạnh cầu thép, một yếu tố khác được dự báo sẽ tác động chưa chắc chắn đến triển vọng ngành thép năm nay là giá thép. Theo dữ liệu từ Tradingeconomics, mặc dù giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc vào giữa tháng 3 đã leo lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng và tăng gần 26% so với thời điểm chạm đáy 2 năm vào cuối tháng 10 năm ngoái; nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, giá mặt hàng này tại Trung Quốc có xu hướng quay đầu. Ở trong nước, theo VSA, trong nửa đầu tháng 4, nhiều doanh nghiệp cũng liên tục có động thái giảm giá thép xây dựng.

Trong một báo cáo mới đây, nhóm phân tích CTCK Vietcombank (VCBS) kỳ vọng giá thép tại Trung Quốc tiếp tục duy trì mặt bằng thấp tới cuối năm nay do một số yếu tố chính: nhu cầu thép chưa hồi phục vì thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên; các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho khi liên tục tái hoạt động nhà máy trong bối cảnh gỡ bỏ phong tỏa và nhu cầu chưa bắt kịp. Đối với giá thép trong nước, VCBS đánh giá chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc, do đó khó có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới.

Tương tự, SSI Research cũng cho rằng nhu cầu thép của Trung Quốc được WSA dự báo sẽ phục hồi khoảng 2% trong năm 2023, gây áp lực lên giá thép trong khu vực, bao gồm Việt Nam. Bên cạnh đó, thuế tự vệ đối với phôi thép là 11,3% đã hết hiệu lực từ tháng 3/2023, điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh trong nước gia tăng.

Thêm sức ép khi giá điện tăng

Một áp lực khác với biên lợi nhuận ngành thép là việc giá điện được điều chỉnh tăng 3% từ tháng 5, làm tăng áp lực chi phí sản xuất kinh doanh. Theo CTCK Mirae Asset, tỷ trọng chi phí điện/giá vốn hàng bán của doanh nghiệp ngành thép ước khoảng 10%. Như vậy, sau khi tăng giá điện 3%, thay đổi giá vốn hàng bán ở lĩnh vực này sẽ là khoảng 0,3%.

 

Nhóm phân tích giả định trong trường hợp chi phí điện tăng thêm 3% mà doanh nghiệp không thể chuyển tiếp gánh nặng chi phí này sang người tiêu dùng thì mức tăng của giá vốn hàng bán có thể làm giảm tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép tối đa tới 15%. Còn phương án chuyển chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá là không dễ dàng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và mặt bằng giá thép tại Trung Quốc dự báo duy trì ở mức thấp đến hết năm nay.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nhận định về nguyên tắc, bất kỳ tác động tăng giá đầu vào nào của doanh nghiệp cũng đều có xu hướng khiến doanh nghiệp bị giảm biên lãi, tạo áp lực tăng giá đầu ra. Đối với doanh nghiệp các ngành sử dụng nhiều điện và điện chiếm tỷ trọng cao trong giá vốn như ngành thép thì một khi giá điện tăng, doanh nghiệp không chỉ chịu sức ép lớn từ chi phí điện trực tiếp tăng mà còn chịu áp lực kép từ mức tăng những yếu tố đầu vào khác gắn với giá điện. “Ngoài ra, ở góc độ gián tiếp, theo Tổng cục Thống kê, khi giá điện tăng khoảng 10% thì nó sẽ làm tăng lạm phát 0,61% và làm giảm (chi phí) tăng trưởng GDP khoảng 0,45%. Tương ứng như vậy, khi giá điện tăng 3%, nó cũng tác động phần nào đến tăng trưởng kinh tế, qua đó cũng sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Phong nói thêm.

Như vậy, giữa lúc các doanh nghiệp thép mới chớm phục hồi sau hai quý cuối năm chìm trong thua lỗ, một số doanh nghiệp thậm chí mới chỉ giảm lỗ mà chưa thể báo lãi trở lại, thì việc giá điện tăng sẽ làm gia tăng áp lực với hoạt động kinh doanh biên lãi của các doanh nghiệp trong ngành những quý tiếp theo cả từ góc độ trực tiếp và gián tiếp.

Ở góc độ khác, cũng theo vị chuyên gia kinh tế, việc giá điện tăng cũng sẽ hướng doanh nghiệp thép nói riêng và những ngành bị tác động đáng kể từ yếu tố giá điện nói chung đến việc cân nhắc các yếu tố quản trị để tiết kiệm chi phí cũng như cải tiến công nghệ để tối ưu nguồn lực.

Về triển vọng kinh doanh của trong quý II trước mắt, SSI Research cho rằng giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, từ đó ảnh hưởng kém tích cực đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép. Cũng trong góc nhìn thận trọng, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép trong quý II sẽ tiếp tục cải thiện so với quý trước đó nhưng vẫn có thể đối diện nhiều biến động trong bối cảnh nhu cầu yếu, đặc biệt là nhóm công ty nhỏ với kỹ năng quản lý hàng tồn kho hạn chế hơn.