Giá đồng tiếp tục tăng cao bất chấp nỗ lực hạ nhiệt của Trung Quốc

10:23 | 25/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá đồng tiếp tục tăng vọt dù chính phủ Trung Quốc đã thông báo sẽ giải phóng kho dự trữ kim loại nhà nước bao gồm đồng, nhôm và kẽm.

Giá đồng tăng vào 23/6, một ngày sau khi Cục Dự trữ Thực phẩm & Chiến lược Quốc gia Trung Quốc thông báo dự định bán 20.000 tấn đồng trong đợt bán dự trữ kim loại nhà nước ban đầu.

Việc giải phóng dự trữ kim loại nhà nước ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, là một trong số những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt một đợt tăng giá đột biến về giá hàng hóa đã làm giảm biên lợi nhuận của các nhà sản xuất.

Giá đồng giao vào tháng 7 tăng 2,6% so với giá thanh toán hôm 22/6, chạm mức 4,342 USD/pound (9.552 USD/tấn) vào giữa ngày 23/6 trên Sàn giao dịch hàng hóa Comex ở New York.

Theo ngân hàng Citigroup, các biện pháp của Bắc Kinh “nhắm tới mục tiêu quản lý kỳ vọng và ngăn chặn các nhà đầu cơ hơn là giải quyết tình trạng mất cân bằng cung/cầu”.

Hiện tại, nhu cầu về đồng đang tăng lên để sử dụng trong các dự án năng lượng tái tạo và xe điện.

Citigroup có ghi chú: “Chúng tôi không nghĩ rằng đợt tăng giá đã kết thúc”.

Giá đồng tiếp tục tăng cao bất chấp nỗ lực hạ nhiệt của Trung Quốc - ảnh 1

Đến năm 2050, thế giới sẽ cần 60 triệu tấn đồng mỗi năm. Ảnh: Metal Supermarket.

Ngày 22/6, Giám đốc điều hành Glencore, ông Ivan Glasenberg, cho biết nguồn cung đồng cần tăng thêm một triệu tấn mỗi năm cho đến năm 2050 để đáp ứng nhu cầu dự kiến ​​là 60 triệu tấn mỗi năm. Nhưng ông đã ngừng dự đoán về một siêu chu kỳ hàng hóa mới (mức cầu vượt xa so với nguồn cung).

Ông nói: “Ngày nay, thế giới tiêu thụ 30 triệu tấn đồng mỗi năm và đến năm 2050, theo quỹ đạo này, chúng tôi phải sản xuất 60 triệu tấn đồng mỗi năm".

“Nếu bạn nhìn vào lịch sử 10 năm qua, chúng tôi chỉ tăng thêm 500.000 tấn mỗi năm… Chúng tôi có các dự án không? Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ nó sẽ vô cùng khó khăn”.

Cổ phiếu của nhiều công ty khai thác đã tăng gấp đôi trong năm qua, do các biện pháp hỗ trợ chính sách ở các nền kinh tế tiên tiến để đối phó với đại dịch COVID-19 gây ra lạm phát.

Hàng hóa đóng vai trò như một hàng rào chống lại lạm phát, có nghĩa là giá của chúng được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao.

Đồng thời, việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và chuyển các nguồn vốn kích thích vào cơ sở hạ tầng đang tạo ra nhu cầu về nguyên liệu thô.

Nhu cầu về đồng đang tăng cao để sử dụng trong các dự án năng lượng tái tạo và xe điện. Giá đạt mức cao kỷ lục trên 10.000 USD/tấn vào tháng 5, trước khi giảm giá khoảng 1.500 USD/tấn.

Thị trường niken và coban đang đối mặt với thâm hụt nguồn cung tương tự trong vài thập kỷ tới. Glasenberg cho biết nguồn cung niken cần tăng thêm 250.000 tấn mỗi năm so với mức lịch sử chỉ khoảng 100.000 tấn. Ông dự báo nhu cầu niken hàng năm sẽ tăng lên 9,2 triệu tấn từ 2,5 triệu tấn hiện tại.

Đợt mở kho đồng lần này của Trung Quốc là đợt mở kho đầu tiên từ dự trữ nhà nước của Trung Quốc, được công bố công khai kể từ năm 2005. Dựa trên những hồ sơ mua bán trong quá khứ, Citigroup ước tính dự trữ nhà nước của Trung Quốc hiện ở mức 2 triệu tấn đồng, 800.000 tấn nhôm và 350.000 tấn kẽm.

Goldman Sachs cho biết vào tháng trước, những nỗ lực của Bắc Kinh có thể sẽ vô ích vì Trung Quốc không còn là bên mua ra điều kiện định giá nữa, với việc giá giảm là một cơ hội mua rõ ràng.

 Tiệp Nguyễn