Giá thấp phải không là lợi thế để tiếp cận thị trường Australia
09:03 | 15/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - “Nếu muốn trụ vững trên thị trường Australia, các doanh nghiệp Việt cần phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp”, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam gợi ý.
Thưa bà, hiện nay Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Bà đánh giá như thế nào mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Australia và tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) khi tiếp cận thị trường này?
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan: Chỉ trong vòng 10 năm kể từ năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp 2 lần, từ 3 tỷ USD lên tới 6 tỷ USD. Australia đã trở thành bạn hàng xuất khẩu thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu thứ 13 của Việt Nam, còn theo chiều ngược lại Việt Nam là bạn hàng thứ 14 của Australia kể cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Bên cạnh đó, dù dân số Australia chỉ khoảng 25 triệu người nhưng lại có nhu cầu nhập khẩu nhiều, đại bộ phận người tiêu dùng (NDT) có thái độ cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu. Nhưng NTD ở Australia luôn quan tâm đến vấn đề chất lượng hàng hóa và được bảo vệ bởi một loạt quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Australia vẫn được đánh giá là một thị trường tiềm năng đồng thời không dễ dàng xâm nhập. Nhưng sức lôi cuốn và khả năng mà DN có thể tiếp cận, giữ vững được thị phần xuất khẩu cũng như thêm những sản phẩm mới là rất lớn và mở rộng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng nếu DN cố gắng và nỗ lực hết sức chúng ta có thể thâm nhập vào thị trường này được.
Còn đối với lĩnh vực bán lẻ, bà đánh giá như thế nào về cơ hội xâm nhập vào thị trường này? Những mặt hàng nào DN nên tập trung thưa bà?
Đối với lĩnh vực bán lẻ, như chúng ta đã biết trong Hiệp định CPTPP, Australia đã có những cam kết mở rộng hơn so với WTO. Cụ thể, mở rộng lĩnh vực phân phối trong đó có bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, để đưa được dịch vụ bán buôn, bán lẻ của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Australia là câu hỏi không hề đơn giản. Dù về mặt chính sách đã có sự cam kết mở cửa từ phía Australia nhưng cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ở đây vẫn rất lớn.
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị ở Australia có độ mở khá thấp mặc dù Chính phủ đã nới lỏng chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI. Trên thị trường Australia cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ có hai nhà đầu tư nước ngoài là ALDI của Đức và Costco (Mỹ). Còn Tesco (Anh quốc) và Lidl (Đức) đang cân nhắc việc mở siêu thị tại Australia nhưng vẫn đang do dự về hiệu quả kinh doanh. Tương tự, DN Việt thường cũng không mặn mà cung cấp hàng hóa trực tiếp cho các hệ thống phân phối bán lẻ của Australia do không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về thủ tục, tiêu chuẩn, thanh toán nên thường chọn cung cấp hàng qua trung gian.
Hiện, Việt Nam có nhiều sản phẩm có thể gia tăng thị phần và có lợi thế xuất khẩu sang Australia như máy tính, điện tử và linh kiện; dệt may; túi xách, ví; thủy sản; sản phẩm hóa chất; thủy tinh và sản phẩm thủy tinh; hạt tiêu; cà phê... Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường khó tính như Australia, DN cần có nhiều sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Ví dụ điển hình như sản phẩm xoài xanh Sơn La và thanh long ruột đỏ.
Bà có lời khuyên nào với nhà đầu tư, DN khi muốn tiếp cận vào thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng rất khó tính này?
Australia vốn là thị trường có NTD thông thái và được bảo vệ qua các quy định pháp luật về bảo vệ NTD. Do đó, các DN đưa hàng vào cần nghiên cứu chính sách, pháp luật liên quan đến sản phẩm của mình. Đồng thời, DN cần kiên nhẫn khi xâm nhập thị trường tại đây.
Điều đáng chú ý, ở Australia hầu hết các nhà nhập khẩu và bán lẻ thường không có mối quan hệ trực tiếp với nhà cung ứng hàng hóa nước ngoài. Thông thường họ thông qua các đại lý đã được chỉ định. Ví dụ siêu thị Woolworths (Australia) đặt đại lý mua hàng khu vực châu Á tại Thượng Hải, Hong Kong và Thái Lan… Do đó, DN Việt không nên tìm cách trực tiếp giới thiệu với các nhà nhập khẩu hay các nhà bán lẻ, chuỗi bán lẻ lớn của Australia. Nếu thực sự muốn bán được hàng, DN cần tiếp cận các đại lý ở những khu vực này.
Bên cạnh đó, DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp.
Ngoài ra, các DN nên lưu ý có một nơi có thể hỗ trợ, giúp đỡ toàn diện là cơ quan Thương vụ Việt nam tại Australia. Bởi cơ quan này luôn đi đầu và có những nghiên cứu sâu về thị trường. Do vậy, nhà đẩu tư, DN nên chủ động tiếp cận để nắm bắt được thông tin về thị trường mình muốn đầu tư.