Giá thịt lợn dịp Tết Tân Sửu: Có tăng nhưng không “sốc”
Giá lợn hơi tăng liên tục trong những ngày qua do nguồn lợn hơi hạn chế, tuy nhiên, theo dự báo của doanh nghiệp chăn nuôi cũng như Bộ NN&PTNT, giá thịt lợn dịp Tết Tân Sửu có tăng nhưng không “sốc”.
Theo VOV, những ngày qua, giá heo hơi ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ liên tục tăng. Trong 10 ngày qua, giá thịt lợn hơi tăng từ khoảng 70.000 lên đến 80.000 đồng/kg.
Điều này cũng phản ánh thực tế cung - cầu thị trường, nguồn thịt lợn hơi hạn chế, không dồi dào như trước khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi.
Giá heo hơi ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ liên tục tăng
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ trại lợn ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, mấy ngày nay thương lái liên tục hỏi mua lợn nhưng chị không có lợn để bán, vì trại lợn của chị trước dịch bệnh có 1.000 lợn thịt, giờ chỉ còn chưa tới 50 con. Chị cũng chưa dám tái đàn vì sợ dịch bệnh tái phát. Không chỉ chị Hương mà nhiều người chăn nuôi ở đây cũng không còn lợn bán trong dịp Tết này.
“Những năm trước, gần Tết thì có rất nhiều lợn để bán, còn bây giờ không còn. Nhà tôi không dám tái đàn, khi nào có vaccine thì mới dám tái đàn, vì khu vực xung quanh người ta tái đàn bị dịch bệnh lại” - chị Hương nói.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá lợn hơi tăng liên tục trong những ngày qua do nguồn lợn hơi hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn lợn hơi nhập khẩu từ Thái Lan cũng đang ngưng lại, vì hiện nay giá lợn hơi ở Thái Lan là hơn 70.000 đồng/kg, nếu doanh nghiệp nhập khẩu về rất khó có lợi nhuận.
“Tính trung bình mỗi ngày lợn hơi lên 1 giá, giá nhảy rất mạnh. Nguyên nhân giá lợn tăng là do nguồn cung ít, số lượng lợn trong dân, một số doanh nghiệp tái đàn không thành công lắm. Theo quy luật, trước Tết 1-2 tháng, nhu cầu thịt chế biến thực phẩm sẽ tăng mạnh, đây cũng là dịp giá lợn hơi tăng mạnh nhất trong năm” - ông Nguyễn Kim Đoán cho biết.
Tại các chợ truyền thống ở TP.HCM, mấy ngày ngay giá thịt lợn tăng hơn 10.000 đồng/kg. Thịt đùi giá khoảng 140.000 đồng/kg, thịt ba rọi giá từ 170.000 - 220.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, giá lợn hơi tăng do nguồn cung ít.
Anh Nguyễn Văn Tâm, bán thịt lợn ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho biết: “Cách đây 1-2 tháng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói đủ số lượng lợn hơi cung cấp cho thị trường dịp Tết, nhưng thực tế không phải vậy, giá lợn hơi tăng lên liên tục trong vòng 1 -2 tuần nay, lợn không có nhiều nên người ta không muốn bán ra, gần Tết hút hàng nên không bán lợn nhỏ như trước, họ muốn giữ lợn lại, Tết bán được giá hơn".
Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM) hiện nay, lượng lợn về chợ vẫn ổn định hơn 4.500 con/ngày. Theo một số thương lái, vào lúc cao điểm Tết các ngày 28 và 29/12 Âm lịch, nhu cầu thịt lợn sẽ tăng lên gấp đôi, lượng lợn hơi về chợ mỗi ngày khoảng 9.000 con. Giá lợn hơi lúc đó có thể tăng từ 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Câu hỏi mà mọi người dân đều chú ý là, liệu có thiếu thịt lợn, giá có tăng trong dịp Tết Tân Sửu 2021?
Theo thống kê, lượng thịt tiêu thụ vào tháng Tết ở khoảng 330.000 tấn, tăng khoảng 10% so với những tháng khác. Tuy nhiên, với tốc độ tái đàn trong năm qua, Bộ NN&PTNT khẳng định, Tết năm nay sẽ không có hiện tượng khan hiếm hàng như năm 2020, giá cũng sẽ không tăng nóng như thời điểm giữa năm. Tổng đàn lợn đến nay đã đạt khoảng 2,7 triệu con, đạt gần 89% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
"Tổng thể đàn lợn của cả nước hiện tại như thế, đặc biệt với đàn lợn thịt các doanh nghiệp đang chủ động cung cấp cho sản xuất, chúng tôi nghĩ rằng cơ bản đáp ứng thị trường trong dịp Tết này", ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Ngoài ra, để chủ động nguồn cung thịt cho Tết, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã nhập khẩu lượng thịt khá lớn. Theo Bộ Công Thương, tính đến đầu tháng 12/2020, Việt Nam nhập khẩu 127,73 nghìn tấn thịt lợn, tăng 416% về lượng so với cùng kỳ năm 2019.
Nhu cầu thịt lợn sẽ tăng lên gấp đôi vào dịp Tết
Tờ Thanh niên dẫn nhận định của ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam: Giá heo hơi từ nay đến Tết chắc chắn sẽ tăng, dù khó “tăng sốc” như năm ngoái. Bởi theo ông, sau đợt dịch tả heo Châu Phi tái đàn nhiều nơi theo tính toán của Bộ NN-PTNT đã đạt 85% so với thời điểm trước khi dịch tả bùng phát. Việc Chính phủ cho phép nhập heo sống từ Thái Lan và thịt heo đông lạnh từ các thị trường khác cũng giúp “kìm giá” đáng kể.
Phát biểu trước ngành nông nghiệp mới đây, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu “làm sao thịt lợn không được để giá cao trong dịp Tết”.
Đây đã là lần thứ 3 trong năm nay, Thủ tướng yêu cầu giảm giá, giá thịt lợn (heo), một mặt hàng thiết yếu của thiết yếu khi chiếm 70% trong cơ cấu bữa ăn của dân.
Hẳn chưa ai trong chúng ta quên cơn sốt giá đến mức người dân phải hạn chế, phải “nhịn” khiến tiểu thương lao đao vì thị trường quá ế ẩm.
Giá heo sốt, không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đến tiểu thương mà ngay nông dân cũng không mấy hưởng lợi khi dịch lợn tả khiến họ khốn đốn.
Yêu cầu của Thủ tướng, được đưa ra hôm 24/12/2020, không phải chỉ là để ngừa yếu tố “giá Tết” khiến thịt heo tăng đột biến, thậm chí sốt- như hàng năm vẫn diễn ra, mà vì ngay lúc này, dù chưa Tết nhưng giá thịt heo đã tăng, ngay lúc này, đã có nguy cơ thiếu hụt.
Hồi tháng 3/2020, trong cuộc họp trực tuyến của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường từng khẳng định: phải đưa giá heo hơi về dưới 70.000 đồng/kg. Nếu không người tiêu dùng và cả xã hội sẽ "quay lưng" với thịt heo.
Tờ Lao động nhận định: Vẫn biết phải thực hiện mục tiêu kép- vừa tăng đàn vừa kiểm soát được dịch bệnh, là không dễ. Nhưng Bộ NN&PTNT đã có cả năm để chống chọi với dịch lợn tả, đã có cả năm để tái đàn, đã có cả năm để ổn định thị trường.... vì thế, nếu Tết này dân chỉ được “mua rẻ trên tivi” thì chắc chắn tư lệnh ngành không thể một lần nữa tái lập điệp khúc “heo đắt quá thì chuyển sang ăn thịt gà, cá, tôm...” để coi đó là một biện pháp.
Minh Hoa