Lợi nhuận giảm mạnh 6T/2022, triển vọng nào cho nhóm doanh nghiệp chăn nuôi nửa cuối năm?

Trang Mai 14:01 | 15/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
6 tháng đầu năm 2022, dịch tả lợn Châu Phi cùng các yếu tố khách quan trên thế giới đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt ở Việt Nam bị sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng giá thịt sẽ có sự khởi sắc trước khi hạ nhiệt vào quý IV, kéo theo đó là triển vọng sáng hơn cho nhóm doanh nghiệp trong ngành.

Triển vọng phục hồi cho nhóm doanh nghiệp chăn nuôi?

Trên thị trường, giá thịt lợn tăng nhanh kể từ giữa tháng 6 năm nay. Tính đến ngày 27/7 giá lợn trong nước tăng 19,9% so với tháng trước và 38,6% so với đầu năm. Trong đó, khu vực miền Bắc ghi nhận mức tăng 18,3% so với tháng trước.

Các chuyên gia từ VNDIRECT cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn đến việc thịt lợn tăng giá, một là thiếu hụt nguồn cung ở một số tỉnh do dịch ASF (dịch tả lợn châu Phi) bùng phát trong quý I năm nay, hai là chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và ba là tác động từ đà tăng giá lợn ở Trung Quốc. Giá lợn trong nước trung bình đạt 55.800đ/kg trong 7 tháng năm nay (-22,0% so với cùng kỳ).

 Giá thịt lợn đang tăng cao kể từ tháng 6 đến nay. (Ảnh: Vũ Long/ Lao động)

Gần đây, chính phủ đang theo dõi sát diễn biến giá thịt lợn trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Giá thịt đóng góp khoảng 4% trong tỷ trọng rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam. VNDIRECT cho rằng chính phủ sẽ  áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh để kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay. Ngoài ra, chưa có dấu hiệu của sự thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay. Do đó, đà tăng giá gần đây có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn.

Các chuyên gia kỳ vọng giá heo sẽ đạt đỉnh 80.000 đồng/kg sau đó hạ nhiệt vào quý IV, bình quân cả năm 2022 ở mức 60.000 đồng/kg, giảm 2,9% so với cùng kỳ. 

Trong khi đó, tại báo cáo cập nhật triển vọng ngành chăn nuôi của bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research),  nhóm nghiên cứu SSI ước tính giá lợn hơi sẽ đạt khoảng 65-70 nghìn đồng/kg trong nửa cuối năm 2022 (tăng 30% so với cùng kỳ vì nửa cuối năm 2021 có mức nền thấp). Cùng đó về phía nguồn cung, giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành đã giảm đáng kể so với mức đỉnh. SSI cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và bắt đầu giảm trong quý IV/2022. Do đó, chi phí chăn nuôi sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022, trong khi giá thịt hơi dự kiến sẽ tăng chậm đến cuối năm. Nhờ vậy, các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022. 

Tình hình kinh doanh các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thịt bán niên 2022

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC)

Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022, 6 tháng đầu năm, DBC có doanh thu thuần 5.772,2 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Nhưng giá vốn lại tăng vọt từ 3.971,2 lên 5.233,1 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp giảm 50,9%, từ 1.098,9 tỷ đồng cùng kỳ 2021 xuống còn 539,1 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí tài chính cũng tăng 5,9%, chi phí bán hàng tăng 9,8%, chi phí khác tăng 640%, các khoản thu nhập khác giảm tới 65,2% đã dẫn tới lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm mạnh 96%, xuống còn 22,9 tỷ đồng. 

Giải trình về lợi nhuận giảm mạnh, phía DBC cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 tình hình kinh tế xã hội trong nước và thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên nhiều tỉnh thành trong nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn. Bên cạnh đó, chiến tranh giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng lớn tới giá cả nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có Dabaco.

Cũng như các doanh nghiệp trong ngành, Công ty cũng phải đối mặt với khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 tặng không đáng kể. Mặt khác, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và nuôi tái đàn. Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi lợn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước và đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của toàn Tập đoàn.

Tổng tài sản của DBC tính đến hết quý II/2022 là 11.511,7 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tài sản ngắn hạn 5.893,6 tỷ đồng, tài sản dài hạn 5.618,2 tỷ đồng. Tổng nợ của Công ty tính đến 30/6 là 6.852,8 tỷ đồng, tăng 10,9%. Nợ ngắn hạn chiếm 85,9% tổng nợ, tương đương 5.884,9 tỷ đồng, nợ dài hạn là 967,9 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 4.658,9 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,47 lần.

Năm 2022, các chuyên gia từ Mirae Asset Việt Nam (MAS) dự phóng doanh thu thuần và lãi ròng DBC đạt 11.801 tỷ đồng và 1.231 tỷ đồng, tăng 12,9% và 22,4% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 20,0%; Mảng bán thành phẩm đạt 10.901 tỷ đồng, tăng 10,1% nhờ sự gia tăng về sản lượng và phục hồi về giá bán. EPS dự phóng 2022 ước đạt 10.685 đồng/cp, tương ứng P/E dự phóng ở mức 7,2 lần.

MAS cũng đánh giá tích cực dành cho DBC: hoạt động khép kín, chất lượng cao đang giúp DBC cải thiện được biên lợi nhuận; kỳ vọng vaccine dịch tả lợn được phát triển từ DBC sẽ tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt; sản lượng đàn lợn dự kiến tăng trưởng mạnh từ năm 2023. 

CTCP Masan MeatLife (UPCoM: MML)

Kết thúc quý II/2022, MML ghi nhận doanh thu thuần bán niên 1.941 tỷ đồng, giảm mạnh 81% từ mức thực hiện 10.231,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn giảm từ 8.922,8 tỷ đồng xuống còn 1.830 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 92%, xuống còn 110,6 tỷ đồng. Phía MML cho biết, lợi nhuận gộp giảm chủ yếu do từ cuối năm 2021, Tập đoàn đã không còn mảng thức ăn chăn nuôi. 

Tháng 11/2021, MML đã chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi và hợp tác chiến lược với Công ty TNHH De Heus (“De Heus Việt Nam”, công ty con của Royal De Heus Group của Hà Lan). Theo đó, De Heus Việt Nam sẽ tiếp quản mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi và đầu tư vào chuỗi cung ứng đạm động vật tại Việt Nam. Theo đó, De Heus Việt Nam sẽ cung ứng lên đến 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho trang trại của Masan MEATLife và ít nhất 2,8 triệu heo thịt cho các sản phẩm thịt mát và thịt mát chế biến của Masan MEATLife trong 5 năm tới. 

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 465,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 361,7 tỷ đồng do tái cấu trúc hoạt động kinh doanh nên Công ty đã không còn hoạt động bán hàng từ cuối Quý IV/2021. Lợi nhuận thuần sau thuế bán niên 2022 của Tập đoàn đạt 33,4 tỷ đồng, giảm 254,93 tỷ đồng, tương đương 88% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng tài sản của MML tính đến hết quý II/2022 là 12.423,3 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 4.716,9 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 7.706,4 tỷ đồng. Tổng nợ của Tập đoàn tính đến 30/6 là 6.638,7 tỷ đồng, tăng 8,5%. Nợ ngắn hạn là 3.049,5 tỷ đồng, nợ dài hạn là 3.589,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 5.784,5 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,15 lần.

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF)

Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022, 6 tháng đầu năm, BAF có doanh thu thuần 2.969,5 tỷ đồng, giảm 43,4% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng hoá giảm 44,5%, xuống còn 2.762,4 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm 25%, xuống còn 207,1 tỷ đồng. Trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp thu về 128,1 tỷ đồng, giảm 36%. 

Tổng tài sản của BAF tính đến hết quý II/2022 là 4.788,4 tỷ đồng, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.282,8 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 1.505,6 tỷ đồng. Tổng nợ của Công ty tính đến 30/6 là 3.205,5 tỷ đồng, tăng 19,9% từ hồi đầu năm. Nợ ngắn hạn là 2.889,8 tỷ đồng, nợ dài hạn là 315,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 1.583 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,02. 

Hàng tồn kho đạt là chủ yếu là heo Nái và heo Thịt sẽ được tung ra thị trường vào các tháng sắp đến trong bối cảnh giá heo đang tăng cao do tiết cung trong các tháng gần đây. Do đó sẽ đóng góp rất lớn vào doanh thu và lợi nhuận của BAF trong các tháng cuối năm. 

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG)

Kể từ năm 2022, HAG chỉ còn 3 mảng kinh doanh bao gồm cây ăn trái (7,000ha chủ yếu trồng chuối), chăn nuôi lợn thịt (công suất tối đa 600,000 con/năm) và thương mại vật tư trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, mảng thương mại vật tư trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu phục vụ nhu cầu nội bộ hoặc hỗ trợ cho các hộ trồng trọt, chăn nuôi theo hợp đồng bao tiêu với HAG.

Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022, 6 tháng đầu năm, HAG có doanh thu thuần 2.030 tỷ đồng, tăng 150,6% so với cùng kỳ. Trừ 1.564,6 tỷ đồng giá vốn, Công ty thu về lợi nhuận gộp 465,5 tỷ đồng, tăng 357 tỷ đồng so với 6 tháng 2021. Lợi nhuận chủ yếu do doanh thu bán trái cây và hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động bán heo cũng mang lại nhiều lợi nhuận cho Tập đoàn.

Chi phí tài chính tăng 675,5 tỷ đồng lên hơn 1.061,8 tỷ đồng chủ yếu do trong 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn đã trích dự phòng các khoản đầu tư vào Nhóm Công ty HNG. Bên cạnh đó, lỗ chênh lệch tỷ giá cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng tăng 94 tỷ đồng do hoạt động mua bán trái cây và heo trong kỳ tăng cao dẫn đến chi phí bán hàng tăng theo. Chi phí quản lý giảm 1.098,3 tỷ đồng do trong 6 tháng đầu năm 2022 Tập đoàn đã tăng hoàn nhập dự phòng liên quan đến các khoản công nợ phải thu. Nhìn chung trong kỳ, HAG đã thu về lợi nhuận sau thuế 522,8 tỷ đồng, tăng tới 6.198,8% so với cùng kỳ 2021. 

Tổng tài sản của HAG tính đến hết quý II/2022 là 19.269,2 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 8.054,8 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 11.214,4 tỷ đồng. Tổng nợ của Công ty tính đến 30/6 là 14.638 tỷ đồng, tăng 5,8% từ hồi đầu năm. Nợ ngắn hạn là 7.865 tỷ đồng, nợ dài hạn là 6.773,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 4.631,2 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 3,16 lần. 

Nhóm chuyên gia MAS gần đây dự phóng doanh thu thịt lợn năm 2022 của HAG khả năng sẽ tăng mạnh nhờ tăng thị phần. Theo khảo sát của chuyên gia, ở thời điểm tháng 6/2022 các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ không tự chủ được con giống tại Việt Nam đang chịu lỗ khoảng 3.000 đồng/kg thịt lợn với giá thức ăn chăn nuôi như hiện tại. Điều này dẫn đến hệ quả là các hộ này sẽ không thể tiếp tục tái đàn trong nửa sau 2022. Ngược lại HAG vẫn đang có lãi tốt nhờ tận dụng chuối thải, loại để làm thức ăn chăn nuôi nên thị phần của HAG sẽ nhanh chóng tăng trong nửa cuối năm 2022.

MAS tin rằng HAG có thể tiêu thụ 18.600 tấn thịt lợn cho cả năm 2022 (gấp 3 lần so với tiêu thụ thực tế 5T2022) nhờ thị phần tăng. Doanh thu cả năm của mảng chăn nuôi ước tính đạt 1,076 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ. 

CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (UPCoM: VSN)

Tính đến hết quý II/2022, VSN có doanh thu thuần 1.855,7 tỷ đồng, giảm 20,1% so với cùng kỳ 2021. Giá vốn giảm 23% từ 1.829 tỷ đồng xuống còn 1.409 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 9,5%, xuống còn 446,7 tỷ đồng. Trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 66,4 tỷ đồng, giảm 10,1 tỷ đồng (tương đương 13,2%) so với cùng kỳ năm 2021. 

Tổng tài sản của VSN tính đến hết quý II/2022 là 2.047,8 tỷ đồng, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 1.585 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 462,8 tỷ đồng. Tổng nợ của Công ty tính đến 30/6 là 833 tỷ đồng, giảm 22,3% so với cuối năm ngoái. Nợ ngắn hạn là 790,5 tỷ đồng, nợ dài hạn là 42,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 1.214,8 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 0,68.