Giá vàng, dịch covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Tương quan đồng hành

09:02 | 17/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nguyên nhân hàng đầu làm tăng giá vàng trong năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả thế giới đã chứng kiến giá vàng tăng hơn 1800 USD/ounce.
Sự căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, những tác động kinh tế của dịch Covid-19 đã được các chuyên gia kinh tế đánh giá là tác động không nhỏ tới đà tăng giá của vàng. Các nhà kinh tế cũng nhận định đà tăng giá vàng chưa thể tiêu tan sớm trong thời gian tới.

Giá vàng ngày đầu năm 1/1/2020 trong nước là 43 triệu đồng/lượng, thế giới là 1.521 USD/ounce. Khi dịch Covid bắt đầu bùng phát mạnh ở nhiều nước và Fed công bố gói QE "không giới hạn" hỗ trợ thị trường thì tới ngày 24/2 giá vàng trong nước đã tăng lên 49 triệu đồng/lượng, thế giới 1.689 USD/ounce.
 
Giá vàng, dịch covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Tương quan đồng hành - ảnh 1
Giá vàng biến động chưa từng thấy và liên tục lập các kỷ lục mới trong nửa đầu năm 2020. (Nguồn: Sbcgold)

Đầu tháng 5, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, đã khiến 20 triệu người Mỹ thất nghiệp. Đồng thời, căng thẳng Mỹ - Trung bắt đầu khi ông Trump dọa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Ngày 8/5, giá vàng trong nước giảm nhẹ còn 48,2 triệu đồng/lượng, thế giới tăng đạt 1.725 USD/ounce. 

Vàng trong nước liên tục vượt đỉnh lịch sử với mốc giá hơn 50,3 triệu đồng/lượng vào sáng 7/7. Giá vàng trên sàn New York (Mỹ) cũng tăng 10,7 USD, đóng cửa ở mức 1.785,1 USD/ounce. Trong bối cảnh nhiều nước tái phong tỏa do ca nhiễm covid-19 tăng vọt.

Đến ngày 20/7 khi EU thống nhất gói kích thích 857 tỷ USD giá vàng trong nước tăng lên 51,85 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới đạt 1.821 USD/ounce.

Trong khi căng thẳng Mỹ- Trung tiếp tục gia tăng, Trung Quốc đóng cửa tổng lãnh sự quán ở Houston, Mỹ phải rời lãnh sự quán tại Thành Đô. Giá vàng khi đó không ngừng tăng mạnh và liên tục lập các kỷ lục mới. Thị trường vàng đã chứng kiến đà tăng ấn tượng khi nền kinh tế toàn cầu bị đảo lộn vì dịch Covid-19. Cụ thể, trong ngày 27/7, giá vàng thế giới đã lập kỷ lục mới khi chạm mức 1.935,90 USD/ounce trong lúc giới đầu tư vẫn tiếp tục đổ xô đi mua kim loại quý này. 

Căng thẳng Mỹ-Trung lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức cấm các công ty Mỹ giao dịch với Tiktok, Tencent. Giá vàng trong nước ta vượt đỉnh mọi thời đại chạm mốc 62 triệu đồng/lượng và 2.078 USD/ounce trên thế giới vào ngày 6/8.

Vào ngày 11/8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19. Hôm sau 12/8, vàng rớt giá, giảm 3 triệu đồng còn 52 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới là 1.918 USD/ounce.

Tuy nhiên những ngày gần đây, giá vàng thế giới đi theo kịch bản tăng mạnh vào ban đêm nhưng đến buổi sáng lại giảm. Lúc 12h hôm qua 16-9, giá vàng thế giới chỉ còn 1.957,8 USD/ounce. Giá vàng trong nước dao động ở mức mức 56,05 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 56,55 triệu đồng/lượng.
 
Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả thế giới đã chứng kiến giá vàng tăng hơn 1800 USD/ounce. Đây chính là mức cao nhất của kim loại màu vàng này tính từ tháng 12 năm 2012.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt sự lưu thông của các loại tiền tệ lớn trên thế giới, và khi đó người ta ưu tiên chuyển sang vàng để lưu trữ và là tài sản phòng ngừa rủi ro an toàn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nhận định trong bài viết trên báo Chính phủ, giá vàng thế giới nửa đầu năm 2020 có nhiều động thái mới gắn với nhiều nguyên nhân mới và chuyển phát đi nhiều thông điệp mới cho toàn thế giới. Sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nguyên nhân hàng đầu làm tăng giá vàng trong năm 2020. 

Một thông điệp mới đáng chú ý là cần cảnh giác và chủ động giảm bớt tác động tiêu cực của các yếu tố tâm lý đám đông trên thị trường vàng trong nước, với 4 dấu hiệu nhận diện nổi bật sau: Thứ nhất, mức chênh lệch cao giữa giá mua và giá bán (tới hàng triệu đồng so với bình thường chi vài ba chục ngàn đồng); thứ hai, mức cao hơn vài trăm nghìn đồng giữa giãn cách giá trong nước và giá nước ngoài (tốc độ tăng giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới); thứ ba, quá nhiều số lần điều chỉnh giá trên bảng điện tử (giá vàng thay đổi nhiều lần/ngày); thứ tư, sự giảm giá nhanh chóng mỗi khi có tuyên bố của NHNN về sẵn sàng bán vàng ra để can thiệp thị trường vàng trong nước…

Thực tế cho thấy, khi xuất hiện một hay vài yếu tố nhận diện trên có nghĩa là giá vàng trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ của tâm lý. Khi đó, người dân không nên mua vàng, vì sẽ chịu rủi ro giá giảm nhanh.

Giá vàng, dịch covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Tương quan đồng hành - ảnh 2
Có thể thấy giá vàng trong nước từ đầu năm đến nay rất nhạy cảm với biến động của thế giới. (Ảnh: Fullertonmarkets)
 
Trước đó, Hãng tin Bloomberg đã thăm dò ý kiến của 31 nhà kinh tế và cho kết quả Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giữ lãi suất gần mức 0 trong 3 năm hoặc hơn. Gói cứu trợ kinh tế có thể tăng trên 10.000 tỉ USD khi các nhà hoạch định chính sách nỗ lực vực dậy nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái.

Đánh giá xu thế tăng giá của vàng là ổn định sau khi kiểm định qua các mốc, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trong nước phải nâng giá vàng lên để tránh rủi ro. Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, nhận định, hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn mua vàng từ SJC để chủ động nguồn nguyên liệu làm nữ trang tung ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Vì thế, SJC phải đẩy giá lên cao phòng khi "vỡ trận" nếu doanh nghiệp đặt mua đồng loạt.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vàng cho biết, doanh nghiệp phải nới rộng khoảng cách giá mua và bán để phòng rủi ro khi giá vàng đang ở mức cao và có thể quay đầu giảm bất cứ lúc nào, dẫn đến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng.

Đánh giá về tình hình giá vàng hiện tại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên thực tế, khi giá vàng tăng dựng đứng, đạt mốc cao nhất trong lịch sử thì việc tăng cường giao dịch, nhất là mua vào thì rủi ro lại thuộc về người mua. Bởi chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra của thị trường trong nước luôn được doanh nghiệp nới rộng tới 2 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 3 triệu đồng/lượng.

"Người dân đang có tâm lý đám đông. Khi thấy giá vàng tăng liên tiếp, thông tin người này hưởng lợi từ vàng, người kia giàu lên vì vàng nên nóng ruột, đổ xô vào mua vàng. Điều đó sẽ tạo ra thiệt hại cho chính người mua vàng khi không biết rõ vì sao mình lại mua vàng? trên cở sở nào mình nên mua, cơ sở nào không nên mua?", ông Hiếu nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng) cũng phát biểu trên báo chí rằng nếu không sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì không nên mua vàng lúc này. Trong vòng 1 năm qua, giá vàng tăng thẳng đứng. Theo kinh nghiệm quá khứ, khi mua ở đỉnh, dư địa tăng không còn nhiều, trong khi việc giá vàng quay đầu hoàn toàn có thể xảy xa.

Theo ông Hiển, trong vòng 4 tháng tới giá vàng vẫn neo ở mức cao như hiện nay hoặc có thể tăng thêm rồi khả năng sẽ giảm. Như vậy, mua vàng lúc này là ở giá cao. Mua vàng lúc này không phải để tìm kiếm sự an toàn mà là mua trong bất ổn, bởi vàng có khả năng tăng hoặc giảm giá mạnh.

Về dài hạn, lịch sử cho thấy giá vàng không thể lên mãi và 2.000 USD/ounce được xem là mức rất cao. “Vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro, kinh tế bất ổn đẩy giá vàng lên còn khi ổn định thì giá vàng quay đầu giảm. Cho dù dịch Covid-19 còn, kinh tế vẫn phải tự đứng dậy đi lên”, ông Hiển nói. Ông nhận định giá vàng không thể tăng lên mức quá cao trong một vài năm tới.

Môi trường lãi suất thấp trợ lực cho giá vàng đi lên. Tuy nhiên đà tăng của vàng đang bị giới hạn bởi hi vọng phục hồi kinh tế, nhờ sự lạc quan ngày càng tăng về loại vắc xin ngừa COVID-19.
 
Hải Yến