Giấc mơ 35 tỷ USD của Jack Ma tan tành vì Ant Group phải hủy IPO

22:31 | 07/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thương vụ IPO của Ant Group được đánh giá là 1 sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Sau khi kế hoạch IPO đổ vỡ thì giấc mơ của tỷ phú Jack Ma 35 tỷ USD tan tành.
Trong nhiều năm, các quy định quản lý lỏng lẻo ở Trung Quốc giúp start-up Ant Group của tỷ phú Jack Ma trở thành tập đoàn tài chính khổng lồ với các mảng kinh doanh gồm thanh toán, ngân hàng, quản lý tài sản và bảo hiểm.Tuy nhiên, các quy định mới mà chính quyền Trung Quốc đột ngột áp dụng với mảng cho vay tiêu dùng báo hiệu rằng đã đến lúc ngành công nghệ tài chính màu mỡ ở thị trường 1,4 tỷ dân phải thay đổi.
 

Jack Ma tham vọng gì từ "thương vụ thế kỷ" IPO Ant thành công?

 

Jack Ma được dự báo sẽ trở thành người giàu thứ 11 thế giới sau khi startup công nghệ tài chính Ant Group chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, thông tin IPO kỷ lục của Ant Group bất ngờ bị dừng tại cả hai sàn Thượng Hải và Hồng Kông khiến tài sản của ông "bay hơi" 3 tỷ USD. 
 
Tỷ phú Jack Ma cho biết thương vụ IPO Công ty tài chính Ant Group sẽ là thương vụ lớn nhất lịch sử được thực hiện bên ngoài thành phố New York (Mỹ).
 
"Đây là lần đầu tiên có một thương vụ niêm yết giá trị lớn như vậy, lớn nhất lịch sử nhân loại, được thực hiện bên ngoài thành phố New York. Chúng tôi không dám nghĩ về điều này 5 năm, hay thậm chí 3 năm trước. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra", người sáng lập tập đoàn Alibaba phát biểu hội nghị thượng đỉnh “Bund Summit” được tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 25/10.
 
Sự kiện IPO Ant Group được kỳ vọng sẽ trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới. Thương vụ này có thể trị giá tới 35 tỷ USD, vượt mặt thương vụ IPO kỷ lục của Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco hồi tháng 12/2019.
 
Giấc mơ 35 tỷ USD của Jack Ma tan tành vì Ant Group phải hủy IPO - ảnh 1
 
Theo bản cáo bạch mới cập nhật, thông qua công ty con Zhejiang Tmall Technology, Alibaba sẽ mua 730 triệu cổ phiếu hạng A nhằm duy trì 33% cổ phần tại đây. Thương vụ IPO của Ant được cho là đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược, bao gồm GIC của Singapore, Temasek Holdings và Quỹ An ninh xã hội Hội đồng Quốc gia quản lý 318 tỷ USD của Trung Quốc.
 
Nhu cầu lớn khiến cho định giá của Ant Group ít nhất khoảng 280 tỷ USD, bất chấp việc chính quyền Mỹ đang đưa ra các biện pháp hạn chế với fintech Trung Quốc. Nền tảng Alipay của Ant Group hiện là ứng dụng thanh toán điện tử lớn thứ ba ở Trung Quốc với 731 triệu người dùng tính đến hết ngày 30/9. Trong 9 tháng năm 2020, Ant Group ghi nhận lợi nhuận gộp 10,4 tỷ USD, tăng 74% so với cùng kỳ.
 
Năm 2019, Ant Group đạt lợi nhuận hơn 2,6 tỷ USD từ doanh thu 17,5 tỷ USD. Lợi nhuận trong nửa đầu năm 2020 vượt mức 3,2 tỷ USD (thu nhập ròng của PayPal so với cùng kỳ là 1,6 tỷ USD).
 
Ant Group cũng đang ngắm tới việc nhân rộng mô hình kinh doanh của mình ra bên ngoài Trung Quốc. Công ty đang làm việc với 9 đối tác khởi nghiệp trên khắp châu Á bao gồm Paytm ở Ấn Độ và GCash ở Philippines và dự định dành một phần trong số tiền IPO để hỗ trợ kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế.
 
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt và Mỹ vẫn đang có những động thái cứng rắn để ngăn chặn các công ty công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là Huawei và thời gian qua là Alibaba, các chuyên gia cho rằng quyết định lựa chọn IPO đồng thời trên sàn Hong Kong và Thượng Hải là một tính toán thông minh của Ant Group, bởi các sàn chứng khoán Mỹ không còn phù hợp với các công ty Trung Quốc.
 
Với màn ra mắt thị trường kinh điển này, Ant Group dễ có nguy cơ lọt vào tầm ngắm của chính quyền Mỹ trong tương lai gần, mặc cho kết quả cuộc bầu cử Mỹ 2020 sẽ ra sao. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp vào đợt IPO này. Nhưng với thành công trước mắt, Ant Group chắc chắn sẽ là một công cụ hữu ích nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ và kinh tế trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc.
 

Ant Group hủy IPO, các ngân hàng mất đứt 400 triệu USD

 

Hơn 20 ngân hàng đầu tư tham gia bảo lãnh phát hành khi Ant Group IPO tại Hong Kong. Tuy nhiên, đợt niêm yết bị hủy, các nhà băng mất đứt 400 triệu USD tiền phí bảo lãnh.àng loạt đại gia ngân hàng tham gia bảo lãnh cho đợt IPO của Ant Group ở Hong Kong, bao gồm Citigroup, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và CICC. Theo cáo bạch IPO của Ant Group, các ngân hàng được chia 1% hoa hồng bảo lãnh phát hành.
 
Giấc mơ 35 tỷ USD của Jack Ma tan tành vì Ant Group phải hủy IPO - ảnh 2
 
HSBC và Ngân hàng Trung Quốc (Hong Kong) là hai trong số những tổ chức tài chính cho vay ký quỹ lớn nhất trong đợt IPO bị hủy của Ant Group tại Hong Kong. Hai ngân hàng thu về  3,2 triệu USD tiền lãi từ các khoản vay của nhà đầu tư cổ phiếu Ant Group.
 
Cả HSBC và Ngân hàng Trung Quốc đều từ chối miễn hoặc giảm lãi vay cho các nhà đầu tư dù Ant Group buộc phải hoãn đợt IPO tại Hong Kong và Thượng Hải theo lệnh của chính phủ Trung Quốc.
 
Riêng tại Hong Kong, khoảng 1,55 triệu nhà đầu tư lẻ đặt cọc 167 tỷ USD để mua cổ phiếu Ant Group bị ảnh hưởng từ sự cố này. Theo quy định pháp luật Trung Quốc, startup tài chính của tỷ phú Jack Ma phải trả lại số tiền này cho các nhà đầu tư.

Quy trình hoạt động của Ant Group thách thức quy định

 

Ant Group ra đời từ Alipay, một dịch vụ tài chính đơn giản cho khách hàng cá nhân, phục vụ thanh toán các giao dịch giữa người mua và người bán độc lập trên sàn thương mại điện tử Taobao - sản phẩm của Alibaba. Là người luôn lên án sự bảo thủ của hệ thống tài chính Trung Quốc, Jack Ma đột phá xây dựng một hệ thống Alipay hoạt động chưa có giấy phép phù hợp, tin tưởng thương mại điện tử ở Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào cách hoạt động này trong tương lai.
 
Quy trình hoạt động này của Alipay thách thức các giới hạn của quy định tài chính Trung Quốc vào thời điểm đó, đẩy công ty vào vùng xám pháp lý. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã thuận theo với vị tỷ phú trong lần này.
 
Động thái này được chấp nhận vì các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc còn mang tính cổ điển và quan liêu, còn những ngân hàng trực tuyến vẫn chưa phát triển. Với sự chấp thuận ngầm của các cơ quan quản lý, Alipay xây dựng một cơ sở hạ tầng mới với sự hợp tác của Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Sun Microsystems.
 
Giấc mơ 35 tỷ USD của Jack Ma tan tành vì Ant Group phải hủy IPO - ảnh 3
 
Khi Alipay bành trướng, pháp lý tài chính lần nữa trở thành đề tài nóng. Trung Quốc ngăn cấm các công ty nước ngoài điều hành ngân hàng. Alibaba tiếp tục nằm trong danh sách vi phạm, vì 50% công ty được kiểm soát bởi Yahoo và SoftBank.
 
Đến lúc này, Alibaba đã quá khổng lồ để các nhà quản lý tiếp tục làm ngơ trước hành vi vi phạm. Do nguyên nhân này, Jack Ma và Xie Shihuang, một đồng sáng lập khác của Alibaba, đồng lý mua lại phần lớn cổ phiếu Alipay để hợp pháp hóa công ty, biến Alibaba thành tập đoàn đặt dưới sự sở hữu của thực thể Trung Quốc
 
Tập đoàn Ant chỉ vừa thành lập vào năm 2014, nhưng nhanh chóng sau đó, được ví như là một đối trọng ở Trung Quốc với JPMorgan - một trong những đế chế tài chính lâu đời nhất thế giới. 6 năm qua, Ant Group đã trở thành đế chế tài chính khổng lồ tại Trung Quốc mà chủ yếu là nhờ vào những mắt xích nhỏ bé của Alipay kết nối, len lỏi vào đời sống tiêu dùng của người dân nước này.

Năm 2011, Alipay tách ra khỏi Alibaba và từ đó hoạt động như một dịch vụ thanh toán điện tử độc lập, phát triển không chỉ ở Trung Quốc mà cả quốc tế. Ant ra đời vào năm 2014, không chỉ là đóng vai trò là công ty mẹ của Alipay mà còn cung cấp các dịch vụ tài chính khác như cho vay và quản lý tài sản.
 
Năm 2018, Alibaba mua 33% cổ phần của Ant. Hiện tại, tỷ phú Jack Ma vẫn nắm giữ 50% cổ phần startup này. Tháng 6 năm nay, Ant đổi tên từ Ant Financial Services sang Ant Group với định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ cho các tổ chức tài chính truyền thống.
 
Nguyễn Dung(t/h)