Giải bài toán nhân lực trong thời đại số: Cần 'cái bắt tay' của nhà trường và doanh nghiệp

10:05 | 11/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để giải quyết tình trạng nhân sự mới ra trường không tìm được việc làm trong khi doanh nghiệp không tuyển dụng được ứng viên phù hợp, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh cho rằng việc nâng cao hơn nữa sự gắn bó mật thiết giữa Nhà trường và doanh nghiệp, đồng hành cùng đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo hướng “chăm từ gốc” thay vì “hái tận ngọn” là vô cùng cần thiết.

 

Tại báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) mang tên “Giáo dục để Tăng trưởng”, các chuyên gia WB nhấn mạnh đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Lý giải nhận định này, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam cho hay: “Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn.”

Làm thế nào để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu tăng năng suất cho nền kinh tế trong tiến trình phục hồi và phát triển; đó là trăn trở của cả doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Tại tọa đàm “Ngành nghề mới ở Việt Nam, nhân lực sẽ đón đầu hay chờ đợi?” do Trường Đại học Phenikaa tổ chức ngày 10/8, các chuyên gia đào tạo và đại diện doanh nghiệp đã có những bàn thảo về tính cấp thiết của vấn đề nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi nền kinh tế bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những đòi hỏi mới.

Doanh nghiệp lựa chọn nhân sự như thế nào trong thời đại số?

Chia sẻ tại khuôn khổ tọa đàm, bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa cho biết, báo cáo về thị trường lao động kết hợp với các khảo sát mà Tập đoàn Phenikaa thực hiện cho thấy, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thiếu nhân lực tại các ngành kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo, chế tạo máy, công nghệ… Kéo theo đó là nhu cầu về các ngành kinh tế xã hội như quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực. Ngoài ra, các ngành Marketing, Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng, Y Dược (đặc biệt là điều dưỡng)… cũng có nhu cầu lớn về nhân sự trong thời gian tới. Đây là những nhu cầu gia tăng dựa trên sự phát triển của xã hội.

Từ góc độ doanh nghiệp, theo bà Phương, có 3 yếu tố chính mà nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên, quyết định sinh viên mới ra trường có đáp ứng yêu cầu tuyển dụng hay không: đó là kiến thức, kỹ năng và thái độ. 

Về kiến thức, quá trình đào tạo trên ghế nhà trường sẽ cung cấp cho ứng viên các kỹ năng cơ bản của lĩnh vực. “Khi chúng tôi tuyển dụng những vị trí có yêu cầu đặc biệt về mặt chuyên môn, kiến thức nền sẽ là yếu tố đầu tiên chúng tôi đánh giá”, bà Phương nhấn mạnh.

Yếu tố thứ hai, bà Phương cho rằng với sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng hầu như không quá quan trọng vấn đề kinh nghiệm, tuy nhiên sẽ đánh giá cao hơn ở góc độ kỹ năng, như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng phản biện… “Trong môi trường hiện đại ngày nay, khả năng tiếp cận thông tin của các bạn sinh viên mới ra trường là rất rộng lớn, thông qua thế giới phẳng đó, nếu biết ứng viên lắng nghe và có kỹ năng phản biện thì sẽ giúp ích nhiều cho hoạt động của doanh nghiệp”. 

Yếu tố thứ ba, thái độ, theo bà Phương cũng là một trong những yếu tố tối quan trọng khi nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên, thể hiện ở tinh thần ham học hỏi, sự nghiêm túc trong công việc… Điều này sẽ phản ánh rõ nhất tố chất, khả năng phát triển cũng như khả năng gắn bó với nghề nghiệp, doanh nghiệp của ứng viên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa cho hay.

Đồng quan điểm với ý kiến của bà Trần Lan Phương, TS Hoàng Hưng Hải, Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam cũng cho rằng yếu tố đầu tiên để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên là vấn đề kiến thức, nhất là với khối ngành kỹ thuật đặc trưng. Điều này thể hiện qua ngành học, trường học, quá trình học. Thứ hai là sự đam mê, yêu thích ngành nghề; bởi trên thực tế rất cần các ứng viên có đam mê, có khả năng mở rộng vấn đề và tiếp thu tri thức ngoài những hiểu biết được giảng dạy tại nhà trường. Cuối cùng, cũng như bà Phương, ông Hải đề cập đến vấn đề thái độ của ứng viên, thể hiện qua quá trình chuẩn bị CV, phỏng vấn…

Nói về khó khăn khi tuyển dụng ứng viên, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa nhận định hiện nay, không ít ngành “tìm mỏi mắt không thấy nhân sự”, rồi tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, nhiều công ty rất khó tìm được ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu công việc. 

Theo bà Trần Lan Phương, khó khăn trong tuyển dụng chủ yếu đến từ các yếu tố như việc sinh viên trong nhà trường thiếu trải nghiệm, chỉ chú tâm học lý thuyết, chưa áp dụng vào thực tế; ngoài ra yếu kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề. Do đó, một hướng đi sáng là các môi trường giáo dục nên tạo điều kiện để sinh viên hình thành kỹ năng mềm và có kinh nghiệm thực tế ngay từ trong trường đại học, từ đó bước vào môi trường doanh nghiệp dễ dàng hơn.

 3 yếu tố chính mà nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên, quyết định sinh viên mới ra trường có đáp ứng yêu cầu tuyển dụng hay không: đó là kiến thức, kỹ năng và thái độ.  

Giải bài toán nhân sự: Nhà trường và doanh nghiệp cùng đồng hành

Để giải quyết tình trạng nhân sự mới ra trường không tìm được việc làm trong khi doanh nghiệp không tuyển dụng được ứng viên phù hợp, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh cho rằng việc nâng cao hơn nữa sự gắn bó mật thiết giữa Nhà trường và doanh nghiệp, đồng hành cùng đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo hướng “chăm từ gốc” thay vì “hái tận ngọn” là vô cùng cần thiết. 

Theo ông Khánh, trước đây và đến tận bây giờ vẫn phổ biến tình trạng doanh nghiệp thụ động chờ nguồn nhân lực là ứng viên đến nộp hồ sơ, trong khi trường đại học chờ sinh viên thi tuyển. Đó là cách làm “hái phần ngọn” và khiến doanh nghiệp, trường học không chủ động được nguồn nhân lực. Nếu chuyển dịch sang cách làm “chăm từ gốc”, tuyển chọn và đào tạo ứng viên từ định hướng nghề nghiệp ngay trên ghế trung học phổ thông đến lúc đào tạo xong bậc đại học, bài toán nhân sự sẽ dễ giải quyết hơn nhiều. 

“Tại nước ngoài, tôi từng chứng kiến một đứa trẻ 10 tuổi được trải nghiệm giờ học về hàng không. Đó là cách để các em tiếp xúc sớm với ngành nghề mà mình yêu thích… Đồng hành hướng nghiệp là công tác cần phải tiến hành càng sớm càng tốt. Ở trường Đại học Phenikaa, có những dự án cho phép sinh viên thử làm thầy cô hàng tuần, tiếp xúc với phòng nghiên cứu, thường xuyên thực hành và ứng dụng…”, thầy Khánh thông tin. “Việc doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường chia sẻ trang thiết bị đào tạo cũng có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa kiến thức, kỹ năng thực tế, tối ưu nguồn lực, cho sinh viên những trải nghiệm rộng mở hơn”.

  PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa 

Cũng theo thầy Khánh, chu trình kết nối doanh nghiệp với nhà trường để đồng hành hướng nghiệp là một quá trình khép kín, đảm bảo hiệu quả đào tạo tích cực. Trường Đại học Phenikaa hiện đang hướng tới xây dựng mô hình gắn kết giữa Nhà trường - Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp để tối ưu hóa lộ trình học tập – thực hành cho sinh viên; thậm chí đào tạo theo “đặt hàng” doanh nghiệp; qua đó sinh viên có cơ hội tham gia trải nghiệm và thực tập tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phenikaa hoặc đối tác, có kinh nghiệm làm việc thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.