Giải mã câu hỏi: Tại sao những ngày lễ truyền thống lại được gọi là 'Tết'?

11:39 | 02/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm nào cũng đón Tết nhưng không phải ai cũng biết khái niệm này từ đâu mà ra, tại sao cứ ngày lễ truyền thống lại được gọi là 'Tết'?
Tết là một khái niệm đã có từ xa xưa, lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ. Chính vì thế, rất nhiều người không hiểu được hết ý nghĩa của khái niệm này, rằng tại sao lại gọi những ngày lễ truyền thống là Tết?
 
Được biết, theo như cuốn "Vui buồn giỗ tết" của tác giả Trần Ngọc Lân, danh từ Tết hay được dùng trong ngôn ngữ tiếng Việt thực tế là được biến tấu từ chữ Tiết (节) trong tiếng Hán. 
 
Tại sao những ngày lễ truyền thống lại được gọi là 'Tết'?
Ảnh minh họa
 
Chữ Tiết này có nghĩa đen là "mấu tre", hiểu nôm na chính là đoạn tiếp nối giữa hai đoạn cây và khúc cây. Khi mở rộng ý nghĩa ra, nó sẽ được hiểu chính là sự tiếp nối của hai khoảng thời gian trong năm khi được phân chia theo thiên văn - khí tượng.
 
Thực tế, tại những quốc gia nông nghiệp như Việt Nam hoặc Trung Quốc, thời điểm diễn ra những ngày vui trong năm thường gắn bó mật thiết với những khoảng thời gian thu hoạch hoặc gieo trồng. 
 
Do đó, đây thường là ngày lễ người dân cảm tạ đất trời sau một vụ mùa bội thu và cầu mong thêm một vụ mùa mới thuận lợi.
 
Đặc biệt, ngày vui và lễ hội trong năm hay rơi trúng vào khoảng thời gian chuyển giao thời tiết, thường là lúc nông nhàn tức là những khoảng trống mùa vụ. Bởi vậy, nó cũng mang ý nghĩa tiếp nối giữa 2 khoảng thời gian nên được gọi là Tết.

Giờ đây, người Việt hiểu đơn giản từ "Tết" có nghĩa là "ngày vui, lễ hội" gắn liền với những dịp vui mừng hiếm có như: Tết Nguyên đán (lễ hội đầu năm), Tết Nguyên tiêu (lễ hội Rằm tháng Giêng), Tết Trung thu (lễ hội ngày Rằm tháng 8), Tết Thanh minh (ngày lễ sau khi kết thúc tiết Xuân phân)... Sau đó, họ phát triển thêm những từ khác như "ăn Tết", "chơi Tết", "chúc Tết"...
 
Chỉ cần nhắc đến từ Tết cũng đủ gợi cho biết bao người nỗi nhớ nhà, háo hức cũng như trạng thái tươi vui, trông chờ hiếm có. 

Tiểu Long