Giải pháp chống dịch cực đoan khiến doanh nghiệp gặp khó

09:49 | 27/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc áp dụng các biện pháp chống dịch thái quá, cực đoan tại không ít địa phương hiện nay chính là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn, kiệt quệ.

Việc ùn tắc hàng hoá trên nhiều tuyến đường quốc lộ, cửa ngõ ra vào các thành phố trong những ngày giãn cách xã hội là thực trạng được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 25/7.

Mặc dù, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 khá tích cực với GDP đạt 5,64%, song nhiều ý kiến cho rằng, với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 lần thứ tư, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ gặp thách thức rất lớn.

Giải pháp chống dịch cực đoan khiến doanh nghiệp gặp khó - ảnh 1

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), dịch bệnh diễn biến phức tạp đang gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, kinh tế, xã hội, nhiều lĩnh vực kinh doanh đã bị đình trệ. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Nguyên nhân là do thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có biện pháp chống dịch phù hợp, hạn chế tối đa khó khăn cho người dân, tuy nhiên, không ít các địa phương đã áp dụng các biện pháp chống dịch thái quá, như "ngăn sông cấm chợ", không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy kiểm dịch.

"Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Chống dịch, giãn cách xã hội nhưng không thể tách rời, gây đứt gãy nền kinh tế", bà Thủy nói.

Theo vị đại biểu quốc hội này, biện pháp chống dịch bằng cách “ngăn sông cấm chợ” là không phù hợp, cần sớm được điều chỉnh để đảm bảo hoạt động cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đại biểu tỉnh Thái Bình cũng nêu thực tế về việc đang có sự khác biệt lớn giữa các biện pháp phòng, chống dịch ở các địa phương. Việc chống dịch là cần thiết, nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp chống dịch dẫn tới ách tắc lưu thông vận chuyển hàng hoá, con người.

"Tại nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ vẫn đang xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hoá do các quy định khác nhau trong phòng, chống dịch. Việc xe hàng được đi qua chốt kiểm soát tại tỉnh này, song tại địa phương khác lại không được đi qua và phải quay đầu ra vì mỗi nơi một quy định khác nhau đã gây ách tắc hàng hoá, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp", ông Hiếu cho hay.

Nêu lên thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu tỉnh Bình Dương chia sẻ, chưa bao giờ doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bị “thương tổn” nhiều như trong hoàn cảnh dịch bệnh này.

Tình hình sản xuất trong tâm dịch vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp đều đồng lòng với các phương thức, mô hình chống dịch của địa phương, song sản xuất trong các khu công nghiệp cũng cần sự liên kết. Do đó, việc trung chuyển giữa nơi này đến nơi khác vẫn phải duy trì, không thể "ngăn sông cấm chợ" khiến vận chuyển hàng hoá tắc nghẽn, gây đứt gãy nền kinh tế. 

Cần đảm bảo chống dịch nhưng không "ngăn sông cấm chợ"

Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 còn nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, bà Thuỷ cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp được hoạt động, bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”. 

Các địa phương cần phối hợp, giảm tối đa điều kiện, biện pháp không cần thiết trong phòng, chống Covid-19 để doanh nghiệp bớt gánh chịu chi phí, giảm ách tắc lưu thông hàng hoá.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Để tạo hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26 nghìn tỷ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật.

Còn theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch 5 năm được Chính phủ xây dựng cụ thể, có tính toán, cân nhắc kỹ và đề ra nhiều giải pháp mang tính khả thi cao. 

Đại biểu đề nghị, trong kiên định thực hiện mục tiêu kép, thời gian tới, Chính phủ dành sự quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, thi công các dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng cũng như quan tâm đầu tư cho các dự án thủy lợi để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt đông sản xuất nông nghiệp – một bệ đỡ, một ngành kinh tế chủ lực của đất nước.

Nhấn mạnh các dự án đầu tư hiện nay bị chậm tiến độ phần nhiều do những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, Đại biểu kiến nghị tách riêng hợp phần giải phóng mặt bằng thành một dự án khác, qua đó tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý hiệu quả vấn đề giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tạo dựng hạ tầng tốt cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, với chủ trương hành động “chống dịch như chống giặc” tuy “kẻ thù” rất mạnh và lại vô hình, mọi hành động quyết sách đều phải quyết liệt, quyết tâm cao, việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ thực hiện những hành động mạnh mẽ là việc làm rất cần thiết. Đại biểu An đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa để đưa vaccine về Việt Nam và đồng ý cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vaccine cho nhân viên. Cần có vaccine “made in Vietnam” càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung tối đa nguồn lực kinh tế của đất nước cho những nhiệm vụ cấp bách, phải loại bỏ, cắt giảm những dự án không hợp lý, xử lý dứt điểm các dự án đang thua lỗ, đồng thời, tăng cường giải ngân các gói hỗ và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Theo Theleader