Giải pháp để doanh nghiệp kiểm soát tin đồn trong lĩnh vực chứng khoán
(DNVN) - Trong bối cảnh tin đồn trên thị trường chứng khoán đang ngày càng phức tạp, nhất là trên môi trường internet đòi hỏi các thành viên thị trường, nhất là nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết, phải có những giải pháp để ứng phó hiệu quả.
Gần đây trên thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện tin đồn. Có tin đồn đã thành sự thực nhưng không ít tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường.
Để góp phần bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư trước những thông tin thất thiệt, đồng thời đưa giải pháp giúp tăng cường quản lý, kiểm soát tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới, sáng 15/5, Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán.
Trao đổi về thực tế tin đồn trên thị trường chứng khoán hiện nay, ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng: Thông tin là một kênh rất quan trọng tác động đến tâm lý của tất cả nhà đầu tư. Trong khi đó, tin đồn tồn tại ở mọi thị trường, đặc biệt khi thị trường chứng khoán còn non trẻ thì tin đồn càng có khả năng có đất sống. Mặt khác, việc truyền tải thông tin chưa được kiểm chứng qua nhiều phương tiện như truyền miệng và đặc biệt là mạng xã hội thì sức lan tỏa của tin đồn rất lớn. Tin đồn có thể trở thành sự thật nhưng có thể là thất thiệt với mục tiêu gây bất thường trong hoạt động kinh tế, qua đó gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư và thiệt hại cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thọ, ở các nước kinh tế phát triển, tin đồn thất thiết khó có đất sống, hoặc có cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, bởi các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến tin đồn sẽ có thông tin phản hồi kịp thời đến nhà đầu tư. Hơn nữa, nhà đầu tư có tổ chức chiếm số lượng lớn trên thị trường, đây là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm, vì vậy họ sẽ dựa vào nhiều nguồn để xác minh thông tin.
Do vậy, tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán cho rằng, cơ quan quản lý cần giám sát các tổ chức tham gia thị trường theo Luật Kinh doanh chứng khoán, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bất thường, thông tin định kỳ. Khi có tin đồn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán phối hợp với các công ty niêm yết công bố thông tin, tổ chức đối thoại, nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Cùng với đó, các công ty đại chúng cần phối hợp với cơ quan quản lý để xác minh kiểm chứng thông tin. Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần có sự phối hợp với cơ quan quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán để xử lý các thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và gây xáo trộn, bất ổn trên thị trường. Đồng thời, ông Thọ cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên sử dụng các thông tin đã được kiểm chứng.
Bình luận thêm về vấn đề tin đồn trong lĩnh vực chứng khoán, Thạc sĩ Trần Thanh Bình, Phó trưởng khoa Truyền thông Đại học Đại Nam cho rằng, khi doanh nghiệp bị tin đồn xấu cũng giống như bị khủng hoảng. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thành lập ban xử lý khủng hoảng do giám đốc hoặc tổng giám đốc đứng đầu để xác định được nguyên nhân và có công bố chính thức từ doanh nghiệp trong vòng 48 tiếng kể từ khi phát hiện được tin đồn.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, doanh nghiệp cũng phải thiết lập một bộ phận thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến sự việc để cung cấp cho báo chí cho đến khi khủng hoảng được xử lý xong. Hạn chế dùng mạng xã hội để xử lý khủng hoảng vì những thông tin trên mạng xã hội là những thông tin không chính thống nên mức tin cậy không cao.
Ngoài ra, ông Bình cũng cho rằng, để giảm thiểu được những tác động của tin đồn đến thị trường thì giải pháp minh bạch thông tin cũng vô cùng quan trọng. Vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam lâu nay vẫn chưa đạt mức kỳ vọng của nhà đầu tư. Minh bạch kém cũng đồng nghĩa là thông tin chính thống “lép vế” trước các thông tin hành lang, tin đồn, tin nội gián.
Thực tế, việc kiểm soát và quản lý tin đồn chỉ doanh nghiệp thôi là không đủ mà cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý. Ở tầm quốc gia, xử lý các tin đồn liên quan đến thị trường chứng khoán, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính.