Giải quyết vướng mắc gia nhập thị trường cho DN: Kỳ vọng làn sóng cải cách thứ 3

16:50 | 24/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tọa đàm “Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp: Vướng mắc và kiến nghị”, sáng 24/6 đã tập trung đưa ra các vướng mắc cũng như giải pháp, với kỳ vọng tạo ra làn sóng cải cách thứ 3 - tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế.

Giải quyết vướng mắc gia nhập thị trường cho DN: Kỳ vọng làn sóng cải cách thứ 3 - ảnh 1
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: DNVN/Đức Tân 
Tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành và cơ quan quản lý Nhà nước, giới luật gia, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp cùng báo giới.

Để tập hợp phản ánh, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp về những vướng mắc khi gia nhập trường, tổ chức quản lý và hoạt động, VCCI đã tiến hành rà soát và tiếp nhận 774 ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, UBND địa phương; rà soát 441 văn bản quy phạm pháp luật, với 106 kiến nghị, trong đó có kiến nghị sửa đổi 93 văn bản liên quan.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Cải cách và cắt giảm các điều kiện kinh doanh là yêu cầu quan trọng, xuyên suốt và cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường...

Theo lãnh đạo VCCI, báo cáo các bộ, ngành gửi Chính phủ khẳng định có bộ, ngành đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh, nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ cắt giảm được khoảng 30-40% điều kiện kinh doanh.

Ông Lộc cho biết, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào làn sóng cải cách thứ 3 của Chính phủ ngay trong nhiệm kỳ này. Trên thực tế, qua 2 đợt cải cách trước đây, có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, thậm chí hủy bỏ. Tuy nhiên tới đây, các cơ quan quản lý cần nhiều nỗ lực hơn nữa, gia tăng tốc độ thực thi các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

“Hy vọng đợt tổng rà sát 11 lĩnh vực dự kiến được triển khai tới đây sẽ không chỉ giới hạn ở tầm nghị định, thông tư mà còn ở toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh. Đồng thời, đưa ra được những kiến nghị tới Chính phủ và Quốc hội để có được những sửa đổi thích hợp nhằm xử lý những bất cập, bất hợp lý và tạo nên làn sóng thứ 3 về cải cách, góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế ở Việt Nam”, ông Lộc nói.

Báo cáo tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, thành viên Ban Pháp chế - VCCI bước đầu tổng kết: Qua việc rà soát của VCCI thời gian qua, các ý kiến cho rằng trong 243 ngành nghề trong danh mục đầu tư có thể bỏ 20 ngành nghề, bao gồm những ngành không nhận thấy tác động đáng kể tới lợi ích công cộng; có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh hoặc không thấy rõ tính đặc thù so với các ngành nghề kinh doanh thông thường cùng loại. 

Trên góc độ rút ra từ kinh nghiệm quốc tế, Luật sư Lê Nết, Công ty Luật LNT và Partners cho rằng pháp luật của Việt Nam chưa ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài.

Giải quyết vướng mắc gia nhập thị trường cho DN: Kỳ vọng làn sóng cải cách thứ 3 - ảnh 2
 Luật sư Lê Nết, Công ty Luật LNT và Partners chia sẻ tại buổi Tọa đàm. Ảnh: DNVN/Đức Tân 
Ông Nết cho rằng còn thiếu quy định về thời hạn trả lời văn bản lấy ý kiến đối với ngành nghề, dịch vụ chưa cảm kết. Thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự còn rườm rà phức tạp.Đặc biệt, vẫn chưa có thông tin về lãnh sự hóa.

“Việt Nam cần ký kết thêm các điều ước quốc tế với các nước khác, trong đó quy định việc miễn hợp pháp hoá lãnh sự đối với các giấy tờ đó các bên ban hành hoặc chứng nhận. Cần quy định tách biệt việc thành lập doanh nghiệp và thành lập dự án”, ông Nết đề xuất.

Chia sẻ tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Yến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2014 còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc trong các quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức, quản lý của doanh nghiệp.

Đó là chưa cụ thể về trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh, dẫn đến việc áp dụng một cách tuỳ tiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh các tỉnh. Cần phải quy định lại trường hợp này.

Cùng với đó, việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư chỉ áp dụng cho trường hợp không đóng đủ số vốn đăng ký, chứ không áp dụng trong trường hợp sáng lập viên không áp dụng trong trường hợp các sáng lập viên không góp phần vốn điều lệ tối thiểu. Cần có hướng giải quyết trường hợp này, cụ thể là bổ sung trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi công ty không có hoặc không đủ vốn điều lệ bắt buộc.

Một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp chưa được thực hiện sống hành tự động trên mạng trực tuyến, tạo gánh nặng chi phí cũng như thời gian cho doanh nghiệp. Cần tích hợp các hoạt động đăng ký doanh nghiệp, đăng ký mẫu dấu trên cùng hệ thống đăng ký kinh doanh để đỡ mất thời gian cho chủ thể kinh doanh.

“Cần thống nhất một đầu mối quản lý thông tin về doanh nghiệp, cụ thể là sau khi cấp phép cần chuyển thông về doanh nghiệp cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật thông trên Cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia. Cụ thể hoá hơn nữa các tiêu chí chung chung khi quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhiều ngành nghề, tránh quy định có phương án kinh doanh khả thi, có địa điểm kinh doanh phù hợp, có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu”, bà Yến đưa ra giải pháp.