Giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô lắp ráp trong nước từ ngày 1/7

Đông Bắc 14:32 | 28/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

  

Theo Nghị định, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/ 2023 đến hết ngày 31/12/2023. Từ ngày 1/1/2024 mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.

Như vậy sẽ có khoảng 40 mẫu xe di lịch lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi lần này. Sở hữu nhiều mẫu xe được ưu đãi trong đợt này là Thaco với các nhãn hiệu như KIA, Mazda vàPeugeot. Một thương hiệu khác cũng được đánh giá là có nhiều lợi thế trong đợt ưu đãi này là Hyundai với hàng loạt sản phẩm bán chạy như Accent, i10, SantaFe hay Tucson.

 Phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước sẽ được giảm 50% kể từ ngày 1/7 tới. 

Trước đó theo tờ trình, Bộ Tài chính đánh giá việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, số thu ngân sách nhà nước đối với lệ phí trước bạ có thể giảm 8.000 - 9.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước của các địa phương. Thực tế số thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung ở 8 địa phương (Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP HCM - nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu lệ phí trước bạ chỉ tăng ở 11 địa phương; 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này.

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan, trong đó nêu kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo đó, các cơ quan này đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay, đồng thời đề xuất tiếp tục chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhóm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Sau đó không lâu, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Ôtô Việt Nam (VIVA) cũng gửi đơn lên Quốc hội Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ về kiến nghị đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ đối với dòng ôtô nhập khẩu.