Bộ Tài chính giải đáp về thị trường trái phiếu, bảo hiểm, điều hành giá

Thùy Dương (TTXVN) 08:35 | 17/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 16/6, tại buổi họp báo quý II/2023 của ngành tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tháng 7 tới sẽ khai trương sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tạo cơ sở để trái chủ thực hiện thanh khoản trên thị trường thuận lợi nhất, tạo dựng lại niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thời gian qua còn nhiều khó khăn trên thị trường trái phiếu, nhưng Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để xử lý khó khăn của thị trường dựa trên nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, để gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng cường khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp như nhóm giải pháp liên quan đến ổn định chính sách tài khóa, tiền tệ; các chính sách trong lĩnh vực tín dụng, khoanh nợ cho doanh nghiệp, giải quyết bài toán khó khăn về vốn, giảm lãi suất… được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp triển khai... 

Ngoài ra, các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản cũng được tổ công tác của Bộ Xây dựng chủ trì triển khai; trong đó, bao gồm các giải pháp giải quyết thủ tục vướng mắc pháp lý để các dự án của doanh nghiệp bất động sản khẩn trương hoàn thành và đưa ra bán sản phẩm để thu hồi tiền thanh toán trái phiếu...

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, Bộ Tài chính thường xuyên có các văn bản đôn đốc doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng. Mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc 5 doanh nghiệp đến hạn phải thanh toán trái phiếu. Trường hợp có khó khăn trong việc thanh toán, doanh nghiệp phải cân đối nguồn tiền trả nợ và chủ động đàm phán với trái chủ để cơ cấu lại khoản nợ. 

Bộ Tài chính đã khuyến nghị các doanh nghiệp phải chủ động công bố, minh bạch thông tin để nhà đầu tư nắm được tình hình doanh nghiệp, từ đó có căn cứ đưa ra các quyết định đầu tư, khôi phục niềm tin với thị trường.

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để chủ động tuyên truyền phổ biến chính sách về trái phiếu, tăng niềm tin với các nhà đầu tư. Đồng thời, xử lý các vụ việc tung thông tin thất thiệt ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường.

Liên quan đến thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của một số doanh nghiệp bảo hiểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Doãn Thanh Tuấn cho biết, quá trình này đã hoàn tất, dự kiến sẽ có kết quả ngay trong tháng 6 này.

Theo Phó cục trưởng Doãn Thanh Tuấn, hiện cơ quan này đang làm thủ tục hoàn tất kết luận thanh tra, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, trước khi công khai.

Trước đó, tại cuộc họp báo quý I, ông Doãn Thanh Tuấn cho biết năm 2022 đã thanh tra chuyên đề về bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Khi thanh tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã phát hiện sai phạm nhất định.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh thị trường này như từ tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thông báo đường dây nóng, email để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm. Đường dây nóng được công bố sau hàng loạt phản ánh của người dân về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng. 

Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến thực hiện ở doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đến ngày 15/6, tổng thu cân đối ngân sách ước đạt 810,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán; trong đó, thu nội địa đạt 49,8% dự toán, thu từ dầu thô đạt 67,7% dự toán và thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 48,9% dự toán. 

Chi ngân sách nhà nước ước đạt 707,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán. Bộ Tài chính cho biết, mức chi này đã đáp ứng các nhu cầu theo dự toán để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã và đang tiến hành nhiều giải pháp nhằm ổn định giá cả, tránh tâm lý tác động đến việc tăng giá bất hợp lý khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7 tới. 

Theo đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ trì, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành xây dựng kịch bản cho những tình huống, kế hoạch trong thời gian tới, có tính toán tới một số điều chỉnh cụ thể như tăng lương cơ sở và một số nội dung khác. 

Cụ thể, việc quản lý giá sẽ tập trung bám sát diễn biến thị trường giá cả, bảo đảm kiểm soát giá cả theo đúng mục tiêu lạm phát được Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng chiến lược như xăng dầu... Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, thời gian tới tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế; theo dõi chặt chẽ việc kê khai thông báo giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý.