Phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% từ 1/7?

Đông Bắc 08:49 | 08/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính được yêu cầu "khẩn trương xây dựng" Nghị định giảm phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để kịp áp dụng từ 1/7.

 

 

 

Văn phòng Chính phủ ngày 7/6 vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tương tự hai nghị định trước đó, tức giảm 50% mức thu cho xe trong nước, áp dụng từ 1/7 đến hết năm nay.

Còn Bộ Tư pháp được giao thẩm định kịp thời dự thảo sau khi nhận được hồ sơ từ Bộ Tài chính, để đảm bảo Nghị định được trình Chính phủ trước ngày 15/6.

Vào đầu tháng 3 năm nay, các hiệp hội, địa phương đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm nay để kích cầu. Sau đó, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng muốn Chính phủ áp dụng chính sách tương tự với xe nhập để đảm bảo cạnh tranh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe toàn thị trường ba tháng đầu năm giảm đáng kể. Các chương trình khuyến mãi từ các hãng liên tục đưa ra để kích cầu mua sắm nhưng hiệu quả đem lại cũng không như mong muốn. Vì thế, để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì thu ngân sách, Bộ Công thương cho rằng việc áp dụng giảm phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2023 "là cần thiết".

Tuy nhiên, Bộ Tài chính từng không tán thành và đánh giá nếu giảm, "cân nhắc áp dụng cho cả xe nhập khẩu".

Bộ lập luận, việc giảm 50% lệ phí với xe trong nước có thể làm tăng sản lượng tiêu thụ, tăng số thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, số thu các loại thuế này chỉ tập trung tại 8 địa phương nơi có các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương và TP HCM. Số địa phương còn lại đều giảm thu và ảnh hưởng tới cân đối ngân sách.

Chưa kể, chính sách này, theo Bộ Tài chính cũng ảnh hưởng tới thực hiện các cam kết quốc tế. Thực tế, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng chính sách giữa ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu.

Thảo luận tại Quốc hội hôm 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề xuất cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% VAT (giảm 2%) đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước.

Bà Nga cho rằng việc áp dụng mức thuế VAT 8% dù khiến hụt thu ngân sách 2% so với quy định hiện hành nhưng ô tô là loại hàng hoá chịu thuế cao, cùng với nhiều loại phí (thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí cấp biển…).

Vì vậy nếu được kích cầu, thì số tiền thu được từ các loại thuế, phí khác chịu trên một chiếc xe ô tô sẽ vượt được số thuế 2% được giảm.

"Theo tính toán với một xe ô tô tầm trung bán ra nếu giảm 2% thuế VAT thì nhà nước sẽ giảm thu thuế 10 -15 triệu đồng. Song doanh nghiệp lại đóng góp cho ngân sách nhà nước 200 - 300 triệu đồng (từ các khoản thuế, phí)", bà Nga cho biết.

Cũng theo bà Nga, qua các giai đoạn áp dụng chính sách giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô đã cho thấy những tác động tích cực và mạnh mẽ.

Cụ thể, trong giai đoạn hỗ trợ giảm phí trước bạ từ tháng 7/2020 -12/2020, số lượng xe bán ra đã tăng 77% so với 6 tháng đầu năm 2020. Khi áp dụng giảm phí trước bạ từ tháng 12/2021 - 5/2022, lượng xe bán ra đều tăng trung bình thứ 10 - 20% so với những tháng trước khi có hỗ trợ, cũng như sau khi kết thúc hỗ trợ.