Giảm lãi suất cho vay là nhiệm vụ trọng tâm
Cũng theo ông Lê Minh Hưng, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ngay sau hội nghị toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Chỉ thị số 01 triển khai nhiệm vụ hoạt động ngành ngân hàng năm 2018.
Như vậy, một lần nữa, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đặt một nhiệm vụ trong tâm trong điều hành chính sách tiền tệ là phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Trong năm 2017, ông cũng từng nhấn mạnh đến điểm này, cũng như gợi mở việc sử dụng công cụ lãi suất trên thị trường mở.
Hơn hai năm qua, lãi suất cho vay VND hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên OMO vẫn giữ nguyên 5%/năm. Năm 2017, với thanh khoản hệ thống dồi dào, cũng như cho đến thời điểm này, nhu cầu vay vốn của các thành viên qua kênh này không lớn.
Tuy nhiên, khi nhu cầu của các tổ chức tín dụng tăng lên, cũng như lãi suất này giảm xuống sẽ kích thích thêm nhu cầu, thì việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm sẽ trực tiếp hỗ trợ một phần chi phí để góp phần giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng loạt giảm các lãi suất chủ chốt.
Cụ thể, ngày 10/7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Và trong năm qua, các tổ chức tí dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của Ngân hàng Nhà nước (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm.
Các tổ chức tín dụng cũng đã triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.
Minh Hoa (theo VnEconomy)