Giáo dục trực tuyến: Các yếu tố để đảm bảo chất lượng

07:43 | 04/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong thời công nghệ 4.0, giáo dục trực tuyến đang trở thành xu thế tất yếu. Để việc dạy học trực tuyến thực sự có hiệu quả,chất lượng, cần 4 điều kiện cơ bản là công nghệ, học liệu, đội ngũ giảng viên và người học.

Cần đảm bảo hiệu quả trong dạy và học trực tuyến

Khi đại dịch covid – 19 bùng nổ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhanh chóng tìm biện pháp thay thế,  kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo trực tuyến; đồng thời, lần đầu tiên, có hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đào tạo bằng phương thức này.

Giáo dục trực tuyến: Các yếu tố để đảm bảo chất lượng - ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội thảo “Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến - Mô hình, tổ chức và một số yếu tố đảm bảo chất lượng”.
 
Tại hội thảo “Hệ sinh thái giáo dục trực tuyến - Mô hình, tổ chức và một số yếu tố đảm bảo chất lượng”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, công nghệ đã góp phần vào nâng cao tính linh hoạt của việc học và đảm bảo duy trì hoạt động giáo dục, góp phần cho việc thực hiện kế hoạch năm học trong khung thời gian cho phép.
 
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định, phương thức đào tạo trực tuyến đã và đang đem đến tri thức tới quảng đại quần chúng với chi phí thấp, hiệu quả cao.Đặc biệt, với sức mạnh công nghệ hiện nay, việc học được cá nhân hoá bằng phần mềm thông minh và trí tuệ nhân tạo. Ưu điểm của phương thức này so với giáo dục truyền thống là chương trình học sẽ được thiết kế cho từng cá nhân dựa trên đánh giá ưu, nhược điểm của từng người học.

Giáo dục trực tuyến là xu hướng của tương lai, thế giới đang thúc đẩy nhanh chóng. Việt Nam mới trong giai đoạn bắt đầu, diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm hỗ trợ dạy học trực tiếp (chủ yếu); thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp.

Theo đó, cấp độ cao nhất là khi các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet, với một hệ thống đào tạo trực tuyến hoàn chỉnh.

Hiện một số trường đã nhận thấy tầm quan trọng và có đầu tư bài bản hơn. Tuy nhiên, một vấn đề quan ngại khi giáo dục trực tuyến là chất lượng, do đào tạo dành cho số đông, với chi phí thấp mà vẫn phải đảm bảo hiệu quả. Cho nên, phải chú trọng chất lượng. Muốn chất lượng thì phải có một hệ sinh thái đầy đủ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, giáo dục trực tuyến phải đảm bảo tối thiểu 4 điều kiện cơ bản, đó là công nghệ (phần cứng, phần mềm), học liệu, đội ngũ cán bộ - giảng viên và người học... để thực sự mang lại sự hiệu quả và chất lượng trong công tác giảng dạy và học tập.

Việc xây dựng hệ thống học liệu là yêu cầu khó, cần nhiều thời gian, đòi hỏi phải xuất phát từ triết lý sư phạm của nhà trường và thực hiện bài bản.

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên cần được tập huấn bài bản theo đúng phương pháp sư phạm của giáo dục trực tuyến; đồng thời, đổi mới toàn bộ hệ thống quản trị và tập huấn để đội ngũ quản lý của nhà trường tương thích với hệ thống này.

Khả năng tiếp cận, kỹ năng số của học sinh, sinh viên Việt Nam qua quá trình dạy học trong đại dịch Covid-19 là tương đối tốt. Các cơ sở giáo dục đại học cần phải coi đào tạo trực tuyến là vấn đề chiến lược, mang lại lợi ích lâu dài, cần đầu tư bài bản, thấu đáo.

Tuy nhiên, hoạt động dạy và học trực tuyến vừa qua cũng đã cho thấy một số nhược điểm như giáo viên và học sinh, sinh viên chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang học tập trực tuyến, cả về phương pháp cũng như tư duy. Cả người học và người dạy còn thiếu các điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho hoạt động dạy học trực tuyến.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý chưa theo kịp sự phát triển, công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát chưa phù hợp với phương thức dạy học mới; nội dung dạy học chưa được thiết kế với phương thức truyền tải mới; quản lý tiến độ học tập chưa được thực hiện phù hợp, cách quản lý vẫn mang nặng tính chất của quản lý dạy học truyền thống.

Giáo dục trực tuyến là xu thế của tương lai

Giáo dục trực tuyến: Các yếu tố để đảm bảo chất lượng - ảnh 2

Giáo dục trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng, được đánh giá là xu thế trong tương lai (Ảnh minh họa).
 
Theo ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Topica Edtech Group, tại sự kiện Forbes Talks - Tương lai của giáo dục cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đi vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống, không gì ngăn cản nổi. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều công việc cũng sẽ được thay thế bởi công nghệ. Tuy vậy, những giáo viên giỏi vẫn sẽ trụ lại, thậm chí có cơ hội ngày càng rộng mở hơn nếu biết áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Việc đào tạo trực tuyến sẽ là xu hướng phát triển của giáo dục trong tương lai.
 
Tại Mỹ, có đến 28% số sinh viên học ít nhất 1 môn online, 73% lãnh đạo trường đại học ở Mỹ cũng cho rằng học trực tuyến sẽ hiệu quả hơn. Giáo dục vì thế cũng sẽ mở ra 3 xu hướng mới: thực tế ảo, đào tạo trực tiếp đến nhà tuyển dụng và trí tuệ nhân tạo.

Được biết, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.

Bộ GDĐT đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý, theo đó, các dự thảo quy chế đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đều đang dự kiến cho phép đào tạo trực tuyến tối đa 30%; đồng thời, hiện đang soạn thảo thông tư về đào tạo trực tuyến cho bậc phổ thông.

Theo TS. Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, giảng dạy truyền thống tập trung đã được thay thế cho phân tán với ứng dụng CNTT một cách triệt để. Người học từ tiếp cận thuyết giảng giáp mặt sang cung cấp các nội dung số cho người học và hướng dẫn họ tìm kiếm tài nguyên số phục vụ cho học tập.

Tại Việt Nam, giáo dục trực tuyến đã có từ nhiều năm, với sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực hiện dạy học trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn bất cập, hiểu biết chưa thực đầy đủ về hai từ “trực tuyến.

Khi người dạy đang nỗ lực làm quen và tận dụng thế mạnh của công nghệ số thì những xu thế sư phạm mới hình thành, tác động đến cách cấu trúc và thực hiện dạy học, như dạy học kết hợp (blended learning), tiếp cận hợp tác trong xây dựng các cộng đồng học tập, sử dụng các phương tiện mới và học liệu mở; học tập bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và bất kỳ quy mô kiến thức nào; học tập tự định hướng và học tập phi chính quy trực tuyến.

 “Giáo dục trực tuyến đang chịu ảnh hưởng của những tác nhân như yêu cầu mới của xã hội tri thức, kỳ vọng của người học, vấn đề về công nghệ mới, sự thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm. Bởi vậy trong tương lai, dạy và học trực tuyến sẽ là cơ hội cũng là thách thức của nền giáo dục nước nhà. ”, TS. Tùng nhận định.

 

Hùng Dân

ĐỌC NHIỀU