Giới chuyên gia: Lợi nhuận doanh nghiệp tư nhân là động lực chính thúc đẩy lạm phát tại Mỹ
Chi phí lao động - được Bộ Lao động Mỹ đo lường để xác định số tiền doanh nghiệp phải trả cho công nhân để sản xuất hàng hóa và dịch vụ của họ - đã tăng trưởng thấp hơn lợi nhuận trong vài quý qua. Điều đó đã khiến các nhà kinh tế chỉ ra một xu hướng.
Chuyên gia kinh tế Paul Donovan của ngân hàng Thụy Sỹ UBS đã viết trong một lưu ý cho các nhà đầu tư rằng, các con số một lần nữa cho thấy lợi nhuận của công ty đang tăng nhanh hơn chi phí lao động. Ông Donovan cho rằng lạm phát ngày nay liên quan nhiều đến việc mở rộng biên lợi nhuận của doanh nghiệp hơn là chi phí lao động - một lập luận rất khác với nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ, cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, Hạ nghị sĩ Kevin Brady của tiểu bang Texas, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong ủy ban Tài chính Hạ viện cho rằng sự thắt chặt của thị trường lao động Mỹ cùng mức lương danh nghĩa ngày càng tăng là yếu tố chính đứng đằng sau tình trạng lạm phát tiêu dùng kéo dài. Ông Brady nhấn mạnh, cả Nhà Trắng và Fed đều không hiểu cuộc khủng hoảng lao động nước Mỹ đang gặp phải và điều đó đã khiến giá cả liên tục tăng cao trong một thời gian dài.
Tại cuộc họp gần đây nhất, các quan chức Fed đã không đồng ý với nhận định trên, nói rằng vòng xoáy giá “chưa phát triển”. Ngân hàng trung ương này đồng thời lưu ý rằng chi phí lao động giảm trong tuần này có thể khiến điều đó thậm chí ít khả năng xảy ra hơn.
Bất chấp quan sát của Fed rằng vòng xoáy giá và tiền lương vẫn chưa xảy ra, ngân hàng trung ương đã liên hệ tác động của tiền lương với lạm phát. Các quan chức Fed đã đánh giá trong cuộc họp trên rằng: “Những yếu tố thúc đẩy lạm phát kể từ giữa năm ngoái - đáng chú ý nhất là tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ và ảnh hưởng của việc hạn chế nguồn cung đối với giá cả - sẽ tồn tại lâu hơn so với suy nghĩ trước đây”.
Tuy nhiên, bài báo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) lại không đánh giá mối quan hệ này có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. BIS phát hiện ra rằng ngay cả khi vòng xoáy giá cả - tiền lương diễn ra ở các nền kinh tế phát triển, chúng thường không vượt khỏi tầm kiểm soát. Thay vào đó, lạm phát và tăng trưởng tiền lương danh nghĩa có xu hướng ổn định, khiến tăng trưởng tiền lương thực tế nhìn chung không thay đổi.