Giới đầu tư Nhật Bản vẫn đặt niềm tin vào chứng khoán sau cú sập lịch sử
Những biến động gần đây của thị trường Nhật Bản đều mạnh hơn so với các thị trường khác. Tuy nhiên, các công ty môi giới tài chính cho hay nhà đầu tư Nhật Bản dường như vẫn giữ niềm tin vào chứng khoán nước này.
Lập trường “diều hâu” của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào ngày 31/7 khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ đã củng cố đồng yen và gây ra đợt bán tháo chứng khoán lớn ở Nhật Bản. Trong ba phiên giao dịch tiếp theo, chỉ số Nikkei 225 đã giảm tới 20% trước khi phục hồi hơn 10,2% vào phiên 6/8 và đánh dấu mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay.
Ông Tomochika Kitaoka, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Nhật Bản tại công ty tài chính Nomura Securities, cho biết các quỹ tương hỗ trong nước và nước ngoài đã ghi nhận dòng tiền chảy vào từ các nhà đầu tư bán lẻ Nhật Bản trong các ngày 5-6/8. Trong số này, ông lưu ý dòng tiền chảy vào các quỹ nội địa lớn hơn, cho thấy đây là hành vi “mua khi giá giảm” và bù đắp cho dòng tiền chảy ra. Diễn biến này trái ngược với nỗi lo nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tháo chạy khỏi thị trường khi chứng khoán lao dốc.
Ông chỉ ra các quỹ tương hỗ nội địa phổ biến nhất như các quỹ theo dõi chỉ số Nikkei 225 hoặc Chỉ số giá cổ phiếu Tokyo (Topix) và các quỹ đưa ra mức cổ tức cao là 3%.
Trong khi đó, các quỹ được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng yen đã lại chứng kiến "dòng tiền chảy ra ở mức khiêm tốn.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo, các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng lượng cổ phiếu Nhật Bản trị giá 481,8 tỷ yen trong khoảng thời gian từ ngày 29/7 đến ngày 2/8. Con số này hầu như không thay đổi so với tuần trước đó.
Biến động của thị trường xảy ra khi chính phủ khuyến khích các hộ gia đình chuyển tiền mặt và tiền tiết kiệm của họ - đạt tổng trị giá 1,050 triệu tỷ yen (7.100 tỷ USD) vào chứng khoán và các quỹ tương hỗ.
Ngoài ra, Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA) mới có hiệu lực vào tháng 1/2024 cũng thu hút các nhà đầu tư bán lẻ trong nước và một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã thúc đẩy một đợt tăng giá của chứng khoán Nhật Bản.
Chương trình này nhằm mục đích chuẩn bị cho giai đoạn dân số già của Nhật Bản nghỉ hưu, vì tiền lương hưu công có thể không đủ. Đây là một trụ cột chính trong kế hoạch "chủ nghĩa tư bản mới" của Thủ tướng Kishida nhằm phân phối lại của cải.
Giữa lúc tồn tại nhiều nỗi lo, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn thể hiện lòng tin vào triển vọng thị trường nội địa. Ông Kazuhito Yasumura, nhà nghiên cứu chiến lược đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Mitsubishi UFJ Morgan Stanley cho hay những nhà đầu tư cá nhân nhiều kinh nghiệm có xu hướng giao dịch ký quỹ và nhiều trong số này có cái nhìn lạc quan rằng thị trường sẽ tăng trong tương lai. Giao dịch ký quỹ là đầu tư bằng tiền đi vay. Khi giá trị tài sản thế chấp để mua cổ phiếu giảm, các nhà đầu tư phải thêm tài sản thế chấp hoặc đóng giao dịch của mình. Theo ông, chính việc nhiều nhà đầu tư phải đóng giao dịch đã làm trầm trọng đà giảm của chứng khoán Nhật Bản hồi đầu tháng này.
Ấn tượng chung về phản ứng của các nhà đầu tư bán lẻ đối với tình hình hỗn loạn của thị trường là ưu tiên đầu tư dài hạn. Đây cũng là nhận định của ông Shingo Ide, chiến lược gia cổ phiếu trưởng tại Viện nghiên cứu NLI. Theo ông, những xáo động thị trường có ảnh hưởng khá hạn chế đối với các nhà đầu tư bán lẻ Nhật Bản. Mọi người đều tỏ ra khá bình tĩnh.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư bán lẻ nhận định cách thức giao tiếp của BoJ đã làm chậm các nỗ lực thúc đẩy sức hấp dẫn của các công ty Nhật Bản. Họ nhắc đến bình luận của Thống đốc Kazuo Ueda tại buổi họp báo sau kết thúc của cuộc họp tháng Bảy, khi ông khiến thị trường ngạc nhiên với phát biểu BoJ sẵn sàng tăng lãi suất lên cao hơn trong năm nay.
Một số nhà đầu tư cho biết họ vẫn lạc quan về triển vọng chứng khoán Nhật Bản. Nếu có đủ nguồn lực tài chính, họ sẽ tận dụng mức giá thấp hơn để mua thêm cổ phiếu của các công ty trong nước dựa trên nghiên cứu cho thấy nền tảng cơ bản của những công ty này vẫn rất ổn định.