Giữa đại dịch Covid-19, Hà Nội vẫn quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021
Theo Công văn số 2718/UBND-KH&ĐT do Chủ tịch UBND Chu Ngọc Anh đã nêu rõ, đến ngày 10/8/2021, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn thành phố đạt 23,5% kế hoạch năm 2021. Đây là mức giải ngân thấp, không đạt theo yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố và UBND thành phố.
UBND thành phố yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND thành phố đã chỉ đạo tại các văn bản: Công văn số 483/UBND-KHĐT ngày 18/2/2021 về khẩn trương thực hiện kế hoạch đầu tư ngay từ đầu năm; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 19/5/2021 về khắc phục tồn tại, hạn chế và thúc đẩy kế hoạch đầu tư phát triển năm 2021; Công văn số 2302/UBND-KH&ĐT ngày 20-7-2021 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài.
Tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công tại Hà Nội đang vô cùng "ì ạch"
Kho bạc Nhà nước Hà Nội tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021, trước khi giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đối với dự án có cả kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch năm 2020 kéo dài. Xác định việc thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Cũng trong Công văn số 2718/UBND-KH&ĐT, UBND thành phố Hà Nội kiên định mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các dự án có sử dụng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 cần khẩn trương, tích cực triển khai dự án đúng tiến độ, tránh tình trạng hủy dự toán vốn năm 2020 kéo dài.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn Ngân sách nhà nước (NSNN) luỹ kế 6 tháng và ước thực hiện 7 tháng năm 2021.
Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 trong 7 tháng đầu năm đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 40,67%. Trong đó, vốn trong nước đạt 40,38% (cùng kỳ năm 2020 là 44,05%); vốn nước ngoài đạt 7,52% (cùng kỳ năm 2020 đạt 17,15%).
Đến hết tháng 7/2021, chỉ có 11 Bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch, trong đó, một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (71,04%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Hưng Yên (65,64%), Hà Nam (64,36%), Thanh Hóa (61,59%), Văn phòng Quốc hội (52,96%), Kiểm toán Nhà nước (49,79%). Còn lại hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 34/50 Bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó có 6 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Ngày 11/8/2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5515/VPCP-QHQT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo có giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ ngành, cơ quan, địa phương sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2021 được giao.
Tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đề ra, phải thực hiện cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn được giao và khẩn trường có văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong tháng 8/2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Các Bộ ngành, cơ quan, địa phương chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến “không phản đối” của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán và gửi hồ sơ giải ngân, rút vốn tới Bộ Tài chính. Các chủ dự án chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định; phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thành thủ tục gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay đã ký (nếu có).
Hải Đăng