Gỗ Đức Thành ‘bình thản’ trước thương chiến, tập trung vào mảng đầu tư và cho thuê nhà xưởng

Trang Mai 16:07 | 21/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước những diễn biến thuế quan và những tác động khó lường với ngành gỗ, CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (mã: GDT) vẫn tự tin đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, nhờ “bệ đỡ” từ mảng đầu tư và cho thuê nhà xưởng.

Không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trước các diễn biến thuế quan

Năm 2025, Gỗ Đức Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 362 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8% và 18% so với năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2025 là 20%. Dù việc xây dựng kế hoạch diễn ra từ trước khi xuất hiện chính sách thuế quan mới của Mỹ, lãnh đạo Gỗ Đức Thành quyết định không điều chỉnh các chỉ tiêu.

 

Chia sẻ thêm về chiến lược kinh doanh tại ĐHĐCĐ năm 2025 tổ chức ngày 19/4 vừa qua, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT đã nhấn mạnh việc GDT đang dần chuyển đổi và mở rộng sang lĩnh vực đầu tư, cho thuê nhà xưởng bên cạnh hoạt động sản xuất cốt lõi. "Trong bối cảnh thị trường chung còn khó khăn, năng lực sản xuất cốt lõi bị bó hẹp, thay vì giữ lợi nhuận gửi ngân hàng, công ty chọn đầu tư vào các nhà xưởng có sẵn hợp đồng cho thuê. Dòng tiền thu được từ cho thuê thường cao hơn lãi vay, giúp công ty không những không tốn chi phí mà còn có thêm nguồn thu ổn định", bà Liễu phân tích.

Chủ tịch GDT cũng cho biết, việc quản lý mảng cho thuê hiện do ban lãnh đạo kiêm nhiệm, không làm phát sinh thêm chi phí quản lý. Hoạt động này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận năm 2024, sau khi công ty thực hiện dồn các nhà máy nhỏ (như ở Gò Vấp, nhà máy số 5) về nhà máy lớn ở Bình Dương và cho thuê lại các mặt bằng cũ. Năm 2024, GDT cũng đã chi gần 160 tỷ đồng đầu tư nhà máy số 6 và cho thuê thành công.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về ảnh hưởng từ bất ổn bên ngoài, đặc biệt là các chính sách thương mại tiềm năng từ Mỹ, bà Liễu khẳng định: “Gỗ Đức Thành vẫn bình thản, công ty vẫn tự tin kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2025 dù kế hoạch được đặt ra từ đầu năm”.

"Quý I/2025, doanh thu tăng ít, lợi nhuận tăng nhiều và kết quả kinh doanh vẫn tuyệt vời. Tuy nhiên, quý II, III, Công ty chưa hình dung được, chưa tiên liệu. Trong đó, với chiến lược kinh doanh không lệ thuộc khách hàng nào, không lệ thuộc thị trường nào, vì vậy công ty đang chọn cách an toàn mặc dù thị trường Mỹ có khách hàng nhưng không nhiều", đại diện công ty nói thêm. 

Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp còn nhìn nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài (đặc biệt từ Trung Quốc) vào Việt Nam là cơ hội tốt cho mảng cho thuê nhà xưởng.

 

Về mức cổ tức 20% trong năm 2024, công ty đã tạm ứng 10% bằng tiền mặt. Đối với 10% còn lại (tương đương khoảng 24,9 tỷ đồng), HĐQT trình phương án trả bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Giải thích về phương án này, tại ĐHĐCĐ 2025, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành cho biết, Công ty đang xem xét một cơ hội đầu tư "rất hấp dẫn". Nếu quyết định đầu tư, GDT sẽ ưu tiên trả cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại tiền mặt, giảm thiểu nhu cầu vay vốn. Ngược lại, nếu cơ hội chưa thuận lợi, 10% cổ tức còn lại sẽ được chi trả bằng tiền mặt.

Hé lộ thương vụ nhà xưởng lên tới 400 tỷ

Tại Đại hội, lãnh đạo cũng tiết lộ GDT đang cân nhắc đầu tư một nhà xưởng mới (tạm gọi là nhà máy số 7) có quy mô lên tới 12ha, vị trí mặt tiền tại đại lộ chính ở tỉnh Bình Dương. Giá trị thương vụ tiềm năng có thể lên đến 400 tỷ đồng, một con số lớn hơn cả vốn điều lệ hiện tại của GDT.

Liên quan đến dự án, Đại hội thông qua tờ trình chấp thuận chủ trương bán một phần tài sản đang có nhằm tái đầu tư. Trong trường hợp thương vụ không được thực hiện, nguồn vốn sẽ dùng để trả nợ vay dài hạn.

Theo bà Liễu, dự án này "rất hấp dẫn" vì đã có sẵn nhà xưởng, pháp lý đầy đủ và khách hàng đang thuê dài hạn (hợp đồng 10 năm), tạo ra dòng tiền ổn định với tỷ suất lợi nhuận cho thuê trên vốn đầu tư ước tính khoảng 10%/năm, đủ để trang trải cả gốc và lãi vay ngân hàng. "Về lâu dài, bất động sản này hoàn toàn có thể trở thành trung tâm thương mại", bà Liễu nhận định.

“Nhiều người 'mê' nó, nhưng không nhiều người xoay được tiền và có đủ uy tín để mua nó”, vị này nói, đồng thời nhấn mạnh rằng “thời cơ diễn ra rất nhanh, nếu ta không nắm thì người khác sẽ chộp mất”.

Người đứng đầu Gỗ Đức Thành nói rằng đây là thời điểm tốt khi làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đang đổ về Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy vậy, cũng có cổ đông nhắc nhở lãnh đạo về tình hình vĩ mô hiện nay có thể biến động rất đột ngột theo các chính sách của Tổng thống Trump. Cùng với đó, vấn đề Trung Quốc lẩn tránh thuế quan cũng tạo nên rủi ro cho lĩnh vực sản xuất, nhà xưởng trong nước.

Trong báo cáo phân tích ngành gỗ công bố mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng sự phục hồi của thị trường Mỹ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy đà tăng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025.

FED dự kiến sẽ thực hiện thêm 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025, qua đó lãi suất cho vay mua nhà 30 năm tại Mỹ sẽ hạ nhiệt, góp phần phục hồi thị trường nhà ở, giúp sản lượng tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Giá cước vận chuyển giảm hỗ trợ cải thiện lượng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Với kỳ vọng giá cước vận chuyển sẽ hạ nhiệt nhờ suy giảm căng thẳng chính trị tại Biển Đỏ, kết hợp với việc hoạt động thương mại tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại khi Mỹ áp dụng chính sách thuế mới.