Áp lực thuế quan từ Mỹ: Dệt may sẽ nằm trong rổ hàng hóa chịu tác động mạnh nhất, ngành gỗ ‘không còn biên độ lợi nhuận’, thủy sản tạm dừng xuất khẩu

Trang Mai 11:54 | 08/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
‏Theo các chuyên gia, nhiều mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có độ biến động về cung cầu rất lớn, một thay đổi nhỏ về giá cũng có thể dẫn tới những thay đổi lớn về cầu, giá tăng thì cầu sẽ giảm vì bản chất đó là những nhóm hàng có độ co kéo chặt chẽ để giảm lợi nhuận biên cho doanh nghiệp. ‏

‏Các chính sách thuế quan có thể tác động lên toàn bộ nền kinh tế‏

‏Tại tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (8/4), ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ phân tích: “Chính sách áp thuế được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra từ khi cầm quyền, khi tái tranh cử, ông Trump đã cam kết đưa nền kinh tế Mỹ lên hàng đầu, không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế khác. Hiện nay, trong cách nhìn của ông Trump, nước Mỹ đang chịu thua thiệt so với các nền kinh tế khác khi phải chịu mức thuế khá từ các thị trường. Bên cạnh đó, ông Trump muốn nước Mỹ trở nên vĩ đại hơn bằng cách đưa sản xuất, đưa công nghệ cao trở lại. Hiện công nghệ cao và sản xuất được coi là nền tảng của nền kinh tế. Cuối cùng thuế quan được Mỹ sử dụng để tách các nước ra khỏi thương mại với Trung Quốc.‏

‏Ông Trump đánh giá cuộc chơi bao lâu nay không còn phù hợp với lợi ích của Mỹ vì thế Mỹ muốn tạo sân chơi mới. Đây vừa là công cụ kinh tế vừa có yếu tố đối nội và là phương tiện tranh cử. Ông Trump cũng để ngỏ một cánh cửa cho các nước, dù áp thuế cao nhưng nước Mỹ sẵn sàng thương lượng. Nhìn chung cách tiếp cận này nếu kéo dài sẽ khiến yếu tố bảo hộ tăng lên, thương mại tự do giảm đi”.‏

‏Phân tích về mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp lên Việt Nam lên tới 46%, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc cho rằng, đây là mức thuế suất rất cao, đây là mức thuế không tưởng trong bất kỳ kịch bản ứng phó nào với mức thuế quan của Mỹ kể từ khi ông Trump đắc cử.‏

‏Bên cạnh đó, thời gian cũng rất gấp, khiến chúng ta không có thời gian để chuẩn bị. Ông Trump thường nói gì sẽ làm cái đấy, chiến thuật của ông Trump thường làm rất nhanh, thường chỉ trong khoảng 6 tháng. Trước đó Mỹ có lộ trình bắt đầu áp thuế với Trung Quốc trong 1 năm rưỡi kể từ khi có thông báo đến lúc thực hiện, tuy nhiên lần đó Trung Quốc còn có thời gian để chuẩn bị. Trong khi đó, lần này xảy ra với nhiều nước nhưng bắt đầu thực hiện chỉ trong 1 tuần kể từ khi có sắc lệnh đến lúc thực hiện, đây là điều chưa có tiền lệ.‏

‏Cũng theo TS Thành, Mỹ là một thị trường tiêu thụ chủ chốt các hàng hoá của chúng ta, chủ yếu là các mặt hàng chủ chốt, đặc biệt những mặt hàng có giá trị gia tăng cao nhất. Điều đấy không chỉ ảnh hưởng đến các ngành hàng mà nhìn chung còn ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.‏

‏“Chúng tôi nhận thấy mức độ quan trọng của thị trường Mỹ và phần nghiêm trọng của sự thay đổi thuế suất. Trong 5 nhóm hàng chủ lực mà chúng ta đã tính đến việc xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất thì chúng tôi thấy rằng có ít nhất là 4 trong 5 nhóm hàng đó độ biến động về cung cầu rất lớn. Tức là chỉ một thay đổi nhỏ về giá cũng có thể dẫn tới những thay đổi lớn về cầu, giá tăng thì cầu sẽ giảm vì bản chất đó là những nhóm hàng có độ co kéo chặt chẽ để giảm lợi nhuận biên cho doanh nghiệp. Cho nên không tính đến việc thay đổi thuế xuất đến 46% mà chỉ cần một thay đổi nhỏ đã có thể dẫn đến thay đổi về cầu”, vị chuyên gia phân tích. ‏

‏Đặc biệt, khi lùi xa để nhìn tác động của thương chiến Mỹ - Trung cả ngắn hạn và trung hạn, TS Thành cho rằng lo ngại nhất của thuế quan là không chỉ là suy giảm về GDP, tăng trưởng việc làm hay thu nhập. Mỹ là đầu tàu của chuỗi giá trị, của toàn bộ chuỗi cung ứng nên tác động đáng lo ngại nhất không nằm ở thương mại mà nằm ở sự thay đổi toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế đó ở đằng sau.‏

‏Ngành gỗ đang chịu “2 vòng kim cô”‏

‏Đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam chia sẻ: “Trong 5 ngày vừa qua, doanh nghiệp gỗ sống trong những thời điểm rất “sốc”. Ngành công nghiệp gỗ từ ngày 1/3, Bộ Thương mại Mỹ căn cứ khoản 232 năm 1962 cho phép tổng thống khởi xướng điều tra việc áp thuế, hạn ngạch nhập khẩu với mặt hàng đe doạ an ninh Mỹ.‏

‏Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam. Ảnh: BTC. ‏

‏Chúng tôi giải trình phản biện hi vọng thuế áp ở mức thấp. Thuế đe dọa an ninh quốc gia thường 25%. Mấy ngày gần đây, chúng tôi đón thêm thông tin về thuế đối ứng. Theo cách giải thích của Mỹ, Việt Nam áp mặt hàng bao nhiêu thì Mỹ áp bấy nhiêu.‏

‏Hiện, mức thuế Việt Nam nhập từ Mỹ từ 15 - 55%. Mới đây, Chính phủ Việt Nam có thể áp toàn bộ nhập khẩu của Mỹ về bằng 0. Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ.‏

‏Từ năm 2018 khi có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bị áp thuế cao không làm được. Chính sách của Mỹ không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa nguồn cung. Việt Nam đáp ứng được, khi cơ hội đến biết nắm bắt có thể thay thế Trung Quốc, đặc biệt phân khúc tầm trung, phục vụ tầng lớp trung lưu của Mỹ.‏

‏Ở chiều ngược lại, chúng ta tăng cường nhập khẩu gỗ nguyên liệu Mỹ. Mỹ giàu có tài nguyên rừng và muốn tìm đầu ra cho gỗ. Rất nhiều bàn ghế, giường của ta nhập sang Mỹ đều sử dụng gỗ nguyên liệu nhập từ Mỹ”.‏

‏“Nếu như từ ngày 9/4, rất nhiều sản phẩm gỗ sang Mỹ chịu mức thuế 46% khiến doanh nghiệp không còn biên độ lợi nhuận”, ông Hoài nhấn mạnh. ‏

‏Đa dạng hoá thị trường là câu chuyện đã được nhắc tới từ lâu trong ngành gỗ, bởi trong nhiều năm nay, Mỹ duy trì vị thế số 1 trong xuất khẩu gỗ, chiếm tới hơn 56,4% trong năm 2024. Tuy nhiên, để thực hiện được lại không phải điều dễ dàng.

 

‏“Chúng ta xuất khẩu gỗ lên tới 161 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, 5 thị trường lớn nhất, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.‏

‏Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ xuất dăm gỗ, viên nén gỗ; Hàn Quốc viên nén gỗ; Trung Quốc, dăm gỗ. Thị trường Mỹ vừa là lớn nhất, nhóm đồ nội thất gia tăng cao nhất.‏

‏Từ lâu chúng tôi đã nghĩ đa dạng hóa thị tường nhưng không phải dễ. Kỳ này, thực sự ngành gỗ chỉ còn ngày hôm nay, mai nữa mà không thay đổi gì, đoàn đàm phán không đạt thỏa thuận gì sẽ bị dồn vào chân tường. Đây là lúc nhìn lại chặng đường tìm lối đi mới.‏

‏Cùng 1 lúc 2 vòng kim cô, thuế đối ứng hầu hết đồ nội thất 46%, 1 phần xuất khẩu vào Mỹ trị giá 800 triệu USD đang chờ kết quả điều tra, dự kiến sẽ có kết quả trong 270 ngày.‏

‏Chúng tôi khó lượng hoá con số thiệt hại tuy nhiên là rất lớn. Hiện, nhiều đối tác nhập khẩu đề nghị hoãn 1 số đơn hàng. Chắc họ không ký đơn hàng mới. Chúng tôi đang đẩy mạnh tìm kiếm tăng xuất khẩu sang thị trường.‏

‏Một số doanh nghiệp Việt vươn lên đi vào phân khúc cao hơn, xuất khẩu đấu thầu cả 1 cung điện, khách sạn cao cấp. Đây là công việc lợi nhuận cao hơn. Dĩ nhiên không phải ai cũng làm được”, ông Hoài phân tích. ‏

Ngành dệt may sẽ là hàng hóa chịu tác động mạnh‏

 

‏Năm 2024, dệt may là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Mỹ, với kim ngạch 16,2 tỷ USD, chiếm 14% trong tổng cơ cấu các mặt hàng. Do đó, đây cũng là ngành hàng được dự báo sẽ chịu nhiều tác động nếu mức thuế 46% được thực thi. ‏

‏Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích: “Dệt may là 3 mặt hàng chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch hơn 16 tỷ USD, chiếm 35 - 40% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng đều đặn, từ năm 2015 đến nay xấp xỉ đạt 6%. Chính sách thuế đối ứng mới của ông Trump, chúng tôi đánh giá bất ngờ và vượt xa dự báo trước đây, về mức thuế đối ứng.‏

‏Ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam.‏

Tuy nhiên, lần này tất cả mặt hàng, các quốc gia chịu mức thuế ngang như nhau. Chúng tôi cũng phân tích nhanh tác động, trước tiên nguồn tiêu thụ, thị trường Mỹ suy giảm nhu cầu, giá tăng cầu tại Mỹ sẽ giảm. Dữ liệu tính toán của một đại học Mỹ, người tiêu dùng Mỹ có thể tăng thêm 3.800 USD chi trả. Do đó, nhu cầu của Mỹ sẽ suy giảm, người dân Mỹ với thói quen tiêu dùng tín dụng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện neo mức thuế cao hơn, ngân sách tiêu dùng của gia đình Mỹ sẽ giảm mạnh. Ngành hàng dệt may tại Mỹ cao hơn mức trung bình, gấp hơn 5 lần mặt hàng khác”. ‏

‏“Dệt may sẽ là mặt hàng trong rổ hàng hóa chịu tác động mạnh nhất”, ông Cầm dự báo. ‏

‏Theo vị này, trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ sẽ giảm, kỳ vọng đàm phán của Chính phủ hiện nay và những xoay chuyển của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm thiểu rủi ro. ‏

‏“Từ quý II, chúng tôi dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm. Tuy nhiên, chúng ta không quá bi quan khi trong lần này Mỹ đánh thuế với tất cả các nước, nên theo nghiên cứu của Tập đoàn Dệt may lần này ít có sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng như lần đầu, các nước khác cũng chịu mức thuế cao, chỉ đơn hàng nhỏ.‏

‏Ngoài khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ La Tinh, có những rào cản thấp hơn. Các khu vực này năng lực sản xuất thấp hơn, quy mô sản xuất, tay nghề nhà sản xuất, đặc biệt, mức độ ổn định về mặt xã hội, chính trị không cao. Đầu tư lượng mua hàng mất 1 - 2 năm mới ổn định, nếu dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia, sẽ không nhiều. Trong ngắn hạn có thể giảm giá, giảm cầu tại Mỹ.‏

‏Ví dụ quần áo, mức giá tăng 1%, nhu cầu giảm 1 - 2%. Trong trường hợp 1 cái quần bán giá 50 USD tại Mỹ, giá sản xuất tại Việt Nam khoảng 10 USD. Nếu tăng 5% thuế, giá tăng thêm 5 USD, và giá bán cuối cùng 55 USD. Nhu cầu có thể biến động 10 - 20%. Dệt may tương đối nhạy cảm về giá.‏

‏Hiệp hội dệt may tính toán có 7.000 - 10.000 doanh nghiệp, với số lượng trên 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành, không tính các ngành phụ trợ liên quan. Tuy nhiên, hiện nay nhập khẩu dệt may của Mỹ chiếm đến 97% nhu cầu tiêu thụ, nên nếu Mỹ không muốn phục vụ sản xuất thì cũng không thể”, đại diện Tập đoàn Dệt may nói thêm. ‏

‏Nhiều doanh nghiệp thủy sản dừng ký hợp đồng, tạm dừng xuất khẩu‏

‏Đại diện ngành thuỷ sản, bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: “‏‏Ngay sau khi nhận thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản như "ngồi trên đống lửa" với tâm trạng hoang mang và lo lắng.‏

‏Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký VASEP.‏
Tại thời điểm ông Trump công bố áp thuế (ngày 2/4, giờ Mỹ - PV) nước ta đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường đến Mỹ và các doanh nghiệp lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không”.‏

‏Theo bà Hằng, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%. Mặt khác, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF (chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác) do đó, mức thuế mới của Mỹ tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.‏

‏“Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng.‏

‏Các doanh nghiệp thủy sản đang e ngại việc sẽ mất thị trường Mỹ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra... vì thị trường này chiếm tới 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp trong ngành”, đại diện VASEP lo lắng. ‏