Biên lãi xuất khẩu gỗ rất mỏng, đối tác ‘cưa đôi’ thuế thì doanh nghiệp vẫn hết lãi

Trang Mai 14:36 | 18/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là chia sẻ của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam với phóng viên khi nói về tình cảnh của doanh nghiệp sau khi Hoa Kỳ tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày và áp dụng mức 10%.

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị trườngHoa Kỳ chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta. Thống kê từ ngành gỗ Bình Dương, khoảng 80% đơn hàng xuất khẩu gỗ từ đây được gửi sang Hoa Kỳ. Việc áp dụng mức thuế 46% có thể đẩy giá thành sản phẩm lên cao, ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh, làm giảm sản lượng và có khả năng dẫn đến việc cắt giảm nhân công.

Trước đây, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sangHoa Kỳ được hưởng mức thuế 0%, tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ ở nước ngoài. Tuy nhiên, với mức thuế mới, giá thành sản phẩm sẽ tăng đáng kể, khiến lợi thế cạnh tranh bị xói mòn so với các nước như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%) và Thái Lan (37%), vốn chỉ chịu mức thuế thấp hơn đáng kể. Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tìm cách giảm chi phí hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn để duy trì thị trường.

Báo cáo phân tích gần đây của Chứng khoán MBS cho rằng, nhờ lợi thế về giá thành rẻ – với 70% nguyên liệu được cung ứng trong nước – Việt Nam đã từng tiến vào top 3 quốc gia xuất khẩu gỗ sangHoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu bị áp thuế đối ứng lên tới 46%, giá bán sản phẩm gỗ sẽ tăng mạnh, mất đi lợi thế cạnh tranh và gần như ngang giá với hàng hóa từ Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong khu vực.

Ngoài ra, các quốc gia khác như Canada – hiện chiếm 46,4% kim ngạch nhập khẩu gỗ củaHoa Kỳ – cũng như các nước trong khu vực như Indonesia (1,5%) và Malaysia (0,1%) sẽ có cơ hội gia tăng thị phần nhờ lợi thế về giá khi chỉ chịu mức thuế từ 10% đến 25%.

Trao đổi với phóng viên DNVN bên lề một hội thảo mới đây, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang “ngồi trên đống lửa”, bởi mức thuế 10% đang được áp và 46% thuế “đang được treo trên đầu”. 

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Ảnh: Mai Trang. 

Theo vị này, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có biên lợi nhuận khá thấp, chủ yếu là lấy công làm lãi. Thêm vào đó, các đối tác từHoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm trả hết các chi phí, bao gồm cả thuế. Do đó, khi Việt Nam bị áp thuế 10%, các đối tác đã dè dặt hơn trong việc đặt hàng. 

"Các đối tác thường phản hồi là "cưa đôi", mỗi bên chịu một ít. Nhưng các doanh nghiệp với mức lãi suất thường ở dưới 5% làm sao có thể chịu được? Chưa nói đến mức thuế 46%", ông Hoài chia sẻ.

Thách thức thứ hai theo ông là các doanh nghiệp vẫn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Với ngành gỗ, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trườngHoa Kỳ lên đến 56,4% năm 2024, chỉ cần vài cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp theo Đạo luật củaHoa Kỳ là doanh nghiệp mất cân bằng.

Do đó, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, đến lúc phải nhìn lại chặng đường đã qua. Sắp tới chúng ta phải chấp nhận một kịch bản nhất định về thuế đối ứng.

“Tôi cho rằng đã đến lúc phải hi sinh tăng trưởng số lượng mà nâng hơn về chất lượng. Với ngành gỗ có thể phải làm ít sản phẩm đi nhưng sản phẩm giá trị cao. Mặc dù số lượng doanh nghiệp làm được điều này chưa nhiều nhưng họ không bị lung lay nhiều khi có thuế đối ứng. Họ là những 'chim đầu đàn' về phát triển bền vững”, ông Hoài nói.

Cũng theo vị này, dù EU và các thị trường khác chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, các yêu cầu nhập khẩu cũng rất khắt khe, nhưng các doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu nhu cầu thị trường, đa dạng sản xuất các sản phẩm để thị trường được đa dạng hoá.