Gỡ khó về chính sách để doanh nghiệp công nghệ phát triển

18:53 | 13/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) nhưng các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức do bất cập về cơ chế chính sách.

Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, đến tháng 8/2018, cả nước mới có 386 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CN như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về đất đai nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với những ưu đãi này. Cùng với đó, số doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin rất nhiều nhưng hầu hết đều đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Gỡ khó về chính sách để doanh nghiệp công nghệ phát triển - ảnh 1
 Zalo đã áp dụng công nghệ Al trong lưu trữ và chia sẻ dữ liệu.
Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, mặc dù nhắc nhiều đến việc đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho phát triển công nghệ... nhưng cho đến nay Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới để giải quyết các vấn đề mới của xã hội. Cái mà các doanh nghiệp công nghệ vẫn làm chủ yếu là giải quyết các bài toán cũ bằng mô hình kinh doanh mới, cách thức công nghệ mới. Tuy nhiên, ngay ở mức độ này, họ cũng gặp không ít khó khăn và rào cản. Bên cạnh những khó khăn thông thường khi “chèo chống” một doanh nghiệp, còn là những vấn đề “đặc thù” khác, khi mà phát triển các sản phẩm công nghiệp đòi hỏi chi phí lớn nhưng lại thu hồi lợi nhuận lâu, thị trường và người dùng thiếu sẵn sàng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm tới việc đổi mới công nghệ, tập trung đầu tư cải tiến phương thức sản xuất mà chủ yếu là các doanh nghiệp thương mại. Ngoài ra, các chương trình ưu đãi đang triển khai cũng gặp một số rào cản thách thức từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chưa có sự đồng bộ về các chính sách khiến một số doanh nghiệp chưa nhận được ưu đãi trong thực tế.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Be Group, nhận định chính sách, điều kiện kinh doanh áp dụng cho khởi nghiệp còn khá khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì Việt Nam không làm chủ được công nghệ. Do đó, các  doanh nghiệp cần chủ động đầu xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt và phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống.
Gỡ khó về chính sách để doanh nghiệp công nghệ phát triển - ảnh 2
 Ông Trần Quốc Dũng, CEO Ominext JSC.
Còn trả lời cho câu hỏi, để phát triển công nghệ ở Việt Nam cần bắt đàu từ đâu, ông Trần Quốc Dũng, CEO Ominext JSC, chuyên gia công nghệ lĩnh vực y tế, cho rằng Việt Nam cần có sự chuẩn bị để thích ứng, hấp thụ các công nghệ mới. Đơn cử như hệ thống dữ liệu lớn (bigdata) cho từng lĩnh vực cụ thể.
Ông Dũng cho biết: “Khi nói đến cuộc Cách mạng công nghệ tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy: để có thể ứng dụng các công nghệ như vạn vật kết nối internet (IoT), chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI)… thì trước hết chúng ta phải có bigdata. Nhưng Việt Nam chưa có, hoặc lượng data chưa đủ dày. Để giải quyết điều này, theo tôi cần đẩy nhanh việc ứng dụng các công nghệ liên quan đến bigdata, từ đó thu thập dữ liệu, tiến hành phân tích và đưa AI vào ứng dụng”.
Từ kinh nghiệm làm việc với thị trường Nhật Bản trong lĩnh vực Y tế, ông Dũng cho rằng Việt Nam nên học hỏi và bắt đầu hành động với việc vừa thu thập thông tin, vừa lưu trữ và chia sẻ để áp dụng AI. Cụ thể, thông tin sẽ được thu thập, lưu trữ và chia sẻ 2 chiều: Đưa đến người dùng và tiếp nhận từ người dùng; sau đó ứng dụng AI vào hỗ trợ kiểm soát sức khỏe, tư vấn điều trị...
Tuy nhiên, sau 15 năm làm việc tại Nhật Bản, khi đưa công nghệ trở về nước, ông Trần Quốc Dũng không biết phải "gõ cửa" cơ quan nào để triển khai. "Liên quan đến dữ liệu bệnh nhân, chúng tôi gặp khó khăn khi không biết bắt đầu từ đâu, "gõ cửa" Bộ Y tế hay Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc một bộ phận nào đó", ông Dũng chia sẻ.
Từ thực tế ấy, ông Trần Quốc Dũng kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng một cổng thông tin để tiếp nhận, giải đáp và hướng dẫn các bước cho doanh nghiệp công nghệ khi về thị trường Việt Nam. Đồng thời, các chính sách của Việt Nam cần linh hoạt hơn để bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Ngoài ra, vị CEO này cũng đề xuất các chính sách cụ thể cho công nghệ cần có sự cập nhật liên tục, giúp các doanh nghiệp cũng như chính cơ quan chức năng giảm thiểu sự lúng túng khi đưa các mô hình, các khái niệm mới về Việt Nam.