Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Rủi ro lướt sóng cổ phiếu

15:02 | 29/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc thị trường biến động lớn ngay trong phiên giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là cơ hội lướt sóng khá tốt, nhưng điều này luôn tiềm ẩn rủi ro khi dự báo sai về biến động dẫn tới việc mất hàng ...

Tuần qua, dù thị trường nghiêng về xu hướng giảm nhưng kết phiên giao dịch cuối tuần khá ấn tượng khi vượt qua mốc tâm lý 1.300 điểm và đảo chiều tăng trở lại trong phiên chiều. Trong nhịp điều chỉnh vừa qua, đây là phiên có lực hồi tốt nhất và được hỗ trợ bởi thanh khoản tăng. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch tuần tới, khi thị trường có 2 ngày nghỉ lễ 2/9?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Thị trường nhiều khả năng vẫn giao dịch trầm lắng, biến động quanh mốc 1.300 điểm. Dù phiên cuối tuần qua thanh khoản có tăng nhưng trong tuần lại có phiên giao dịch với khối lượng giao dịch nằm trong nhóm 5 phiên thấp năm 2021.

Bên cạnh đó việc mất hàng loạt ngưỡng hỗ trợ trước đó và kỳ nghỉ khá dài làm cho nhiều nhà đầu tư đứng ngoài quan sát vì với nhiều thông tin bất ngờ như hiện nay kỳ nghỉ dài sẽ khiến cho các nhà đầu tư phản ứng chậm hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ đi ngang trong vùng 1.300 – 1.320 điểm trong tuần tới. Hiện tại, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm, nếu chỉ số VN-Index vượt được mức kháng cự 1.345 điểm trong tuần tới thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ được xác nhận.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Trước mỗi kỳ nghỉ lễ thanh khoản thị trường thường ảm đạm do nhiều nguyên nhân như nhà đầu tư nghỉ ngơi, đi du lịch... Tuy nhiên năm nay do đặc thù là “năm Covid” nên diễn biến trên có thể không còn đúng.

Sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp khiến VN-Index giảm từ 1.375 điểm về gần 1.300 điểm, thị trường đang có nhiều dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn. Trong tuần tới thanh khoản thị trường có thể được cải thiện dần và tôi đánh giá thị trường vẫn tương đối tích cực ở trạng thái hiện tại khi lượng cung bị kìm kẹp ở vùng giá cao rất nhiều và sẽ không sẵn lòng bán xuống cắt lỗ, ngược lại phía lượng cầu thì tâm lý thị trường đang dần hồi phục. Trước mắt vùng cản ngắn hạn sẽ là vùng quanh 1.330 – 1.350 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Rủi ro lướt sóng cổ phiếu - ảnh 1

Thị trường sẽ chỉ giao dịch trong 3 phiên tuần sau nhưng mức độ giao dịch có thể gia tăng nhiều hơn và đẩy thanh khoản vượt qua 20 ngàn tỷ mỗi phiên. Khi thanh khoản tăng sẽ tạo nhiều sóng cổ phiếu hơn giúp thị trường sôi động. Chỉ số có thể không tăng quá mạnh nhưng vẫn lạc quan và tôi vẫn cho hiện tại đang là thời điểm tích lũy cổ phiếu tốt nhất.Thị trường trong tuần qua có những phiên trồi sụt bất ngờ và khó đoán nhưng có một điểm chắc chắn là dòng tiền vào thị trường vẫn mạnh và dồi dào. Sự sụt giảm thanh khoản giai đoạn vừa qua do lượng lớn nhà đầu tư rút khỏi nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dòng tiền sẽ còn phân tán vào nhiều nhóm ngành khác nhưng dự báo vẫn tích cực.

Nhìn một cách tổng thể, thị trường tháng 8 không có quá nhiều biến động so với tháng 7. Chuyển động của dòng tiền cũng cho thấy, dù bên mua vẫn còn khá thận trọng trước những nhịp điều chỉnh, nhưng thanh khoản vẫn ở mức trung bình của 2 tháng trở lại đây cho thấy dòng tiền chưa hề rút đi, mà chỉ chờ những cơ hội để ra quyết định. Diễn biến của thị trường cũng như xu hướng dòng tiền trong tháng 9 sẽ theo kịch bản nào, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Thanh khoản trung bình 2 tháng nhưng lại thấp nhất từ tháng 4 và giảm dần đều cho đến nay. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lan rộng và giãn cách xã hội tác động tiêu cực đến kinh tế chưa biết khi nào kết thúc thì sự tiêu cực vẫn đè nặng lên TTCK trong tháng 9.

Đặc biệt, trong bối cảnh ngay cả những nước đã triển khai vaccine trên diện rộng và mở cửa kinh tế trở lại cũng chứng kiến kinh tế bắt đầu giảm tốc, chuỗi cung ứng bị gián đoạn nhưng lạm phát thì vẫn tăng tốc toàn cầu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng dòng tiền sẽ chưa thể rút ra khỏi thị trường mà chủ yếu dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu do mặt bằng lãi suất ở mức thấp và thanh khoản tại các kênh đầu tư khác vẫn ở mức thấp vì ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn thu hút dòng tiền ngắn hạn cho thấy dòng tiền vẫn luôn tìm kiếm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tháng 9 tôi thiên về kịch bản thị trường sẽ đi ngang và chỉ biến động nhiều vào cuối tháng 9 khi các thông tin vĩ mô và kết quả kinh doanh quý III được rục rịch công bố. Thanh khoản thị trường vẫn sẽ ở mức tương đối cao với động lực dẫn dắt từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, số tài khoản mở mới có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và kênh chứng khoán đang lan toả.

Để thị trường bứt phá thì các trụ cột như “bank – chứng – thép” phải trở lại, tuy nhiên trạng thái hiện tại dòng bank đang bị bán, dòng chứng, thép đã chững lại. Nhiều ngành khác nhỏ hơn đang phải “gánh” thị trường như nhóm cảng biển, logistics, dược, than, các cổ phiếu từ kỳ vọng đầu tư công... Tôi kỳ vọng dòng bank sẽ trở lại vào nửa cuối tháng 9 để dẫn dắt thị trường chung.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường tháng 8 có nhiều thông tin lớn liên quan hoạt động chống dịch vì vậy có nhiều đợt ảnh hưởng lên tâm lý thị trường. Dòng tiền có phần gia tăng trở lại nhưng phân hóa mạnh và không còn quá tập trung vào nhóm ngân hàng như trước.

Từ vị thế chiếm trên 35% giao dịch thị trường thì hiện tại tổng giao dịch cổ phiếu ngân hàng chỉ còn khoảng 18% cho thấy dòng tiền đang chuyển hướng sang những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng cuối năm cao hơn. Khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chững lại thì khả năng thị trường sẽ chưa bứt phá mạnh và chỉ số sẽ dao động trong nhiều nhịp sóng ngắn.

Về ngắn hạn thị trường sẽ củng cố vùng đáy vững chắc quanh 1.280-1.300 và các chỉ báo kỹ thuật cũng ủng hộ xu hướng tích cực với thị trường trong tháng 9 tới với mục tiêu chinh phục lại đỉnh quanh 1.380 vừa qua.

Liên quan đến vĩ mô, trong khi các thị trường tài chính toàn cầu chờ đợi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thay đổi lập trường chính sách siêu nới lỏng của họ thì những động thái gần đây của một loạt những NHTW khác đang cho thấy những ngày tháng áp dụng các chính sách thời kỳ đại dịch không còn nhiều, ngay cả khi Covid-19 tiếp tục cản trở quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong nước, thị trường đã sớm có dự báo các chỉ tiêu kinh tế quý III/2021 có thể là một con số không đẹp. Điều này có tác động đến chuyển động của TTCK trong nước không, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Hiện đã đang và sẽ tác động đến TTCK trong nước khi mà Kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á và Đông Nam Á khó khăn hơn các khu vực khác. Kinh tế thế giới còn đang vật lộn với dịch bệnh chưa xong nhưng lạm phát đang tăng tốc khiến nhiều NHTW mắc kẹt trong chính sách của mình khi mà hiện tượng "đình lạm" (kinh tế đình đốn trong bối cảnh lạm phát tăng cao) đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới và khu vực. Như vậy nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và từ đó tác động xấu đến TTCK.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam


Mức P/E TTM của chỉ số VN-Index ở mức 15.x và dự báo sẽ tăng lên sau khi có kết quả kinh doanh quý III/2021, điều này cho thấy thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn và khả năng hồi phục về mức đỉnh cũ vẫn được đánh giá cao.Tôi cho rằng thị trường đã phản ánh vào các kết quả tiêu cực trong quý III/2021. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng sẽ nhanh chóng hồi phục sau khi Chính phủ nới lỏng hoạt động kinh tế trong quý IV/2021 với việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư công. Đồng thời, Fed có thể sẽ chưa vội đẩy mạnh việc cắt giảm các gói chính sách tiền tệ vào cuối năm 2021 do tác động từ chủng mới Delta.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Bài phát biểu mới đây của Fed phát đi thông điệp lãi suất sẽ còn rất lâu mới tăng, tuy nhiên có thể giảm quy mô mua trái phiếu các tháng cuối năm (tapering). Đây là điều nằm trong kỳ vọng của thị trường và thị trường chứng khoán Mỹ thực tế cũng đã tăng nhẹ trong phiên vừa rồi.

Tôi nghĩ cũng tương tự như ở Việt Nam, các chỉ tiêu kinh tế và kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch. Nhưng đây là những điều đã được “kỳ vọng” và thị trường đã phản ứng từ trước qua 2 phiên giảm điểm mạnh tổng gần 80 điểm. Do vậy theo tôi tác động tới thị trường sẽ không lớn và mang tính phân hoá giữa các nhóm ngành, cổ phiếu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các chỉ báo kinh tế vĩ mô quý III được xem như đã dự báo trước không mấy lạc quan và kể cả kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ không sáng đẹp như 2 quý đầu năm. Tuy nhiên thị trường là sự kỳ vọng và đặc biệt trong mùa dịch vẫn có những nhóm ngành vượt lên phía trước và tăng trưởng.

Thị trường vẫn còn nhiều nhịp trồi sụt nhưng về cơ bản không quá bi quan vì các doanh nghiệp đang niêm yết phần lớn vẫn duy trì hoạt động hiệu quả trong 6 tháng đầu năm.

Thông thường nhà đầu tư cũng không quá quan trọng hoạt động quý III mà thường hướng về kết quả kinh doanh cả năm nhiều hơn. Từ giờ đến khi có kết quả quý III còn khá xa vì vậy cũng chưa lượng hóa được hoạt động của các công ty.

Những công ty thuộc nhóm ngành hưởng lợi từ dịch bệnh như chứng khoán, phân đạm, logistics… sẽ vẫn tăng trưởng dù mức độ có thể chậm lại một chút so với quý II.

Với nhà đầu tư, điều quan trọng vẫn là lựa chọn cổ phiếu như thế nào để có cơ hội sinh lời. Với diễn biến như phiên thứ 6 vừa qua, nhiều nhà đầu tư nếu có hàng sẵn có thể lãi ngay 7-10% với một số cổ phiếu có những biến động giật cục trong phiên, nổi bật ở một số mã bất động sản, cảng biển… Với diễn biến của thị trường hiện tại, nhóm hay cổ phiếu nào đang có lợi thế theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Nhóm ngành dược, hàng hóa thiết yếu, công nghệ, chứng khoán... được hưởng lợi lúc này. Tuy nhiên việc lời rất nhanh chỉ có giá trị trên giấy tờ vì nhiều nhà đầu tư không bán kịp hoặc không mua trước đó thì không tận dụng được thậm chí bước sai sóng gây thua lỗ, thực tế nhà đầu tư đang chờ "về bờ" vẫn chiếm số lượng lớn hơn nhiều.


Tôi cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên chú ý vào các nhóm cổ phiếu có sức bật tăng trưởng mạnh như chứng khoán, thép, hóa chất và vận tải.Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Trong những thời điểm thị trường sẽ khó lường bởi yếu tố dịch bệnh, việc mua nắm giữ các cổ phiếu tăng trưởng mạnh sẽ là chiến lược an toàn giai đoạn này, đặc biệt dòng tiền sẽ tiếp tục ở lại thị trường cho nên dòng tiền sẽ luôn chủ động tìm kiếm các cổ phiếu.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Nhóm “bank – chứng – thép” đang có dấu hiệu thoái trào, trong khi dòng tiền lại đang chảy vào những ngành nhỏ hơn mang tính đầu cơ hoặc kém thanh khoản, chưa tăng giá như logistic, cảng biển, dược, than, hoá chất...

Trong tuần tới, mặc dù xu thế trên vẫn có thể tiếp tục nhưng sẽ là rủi ro nếu tham gia mua mới giai đoạn này. Nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ triển khai đầu tư công theo tôi có độ an toàn cao hơn và đây là chủ đề lớn, dài hạn cả trong các năm tới.

Bên cạnh đó nhà đầu tư có thể theo dõi nhóm bất động sản nhờ sắp vào chu kỳ bàn giao sản phẩm cuối năm, có thể là điểm đến của dòng tiền sau khi thoát vị thế những nhóm mang tính đầu cơ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Theo quan sát của tôi các nhóm ngành chứng khoán, phân bón, thép, cảng biển, logistics, bảo hiểm, một số cổ phiếu bất động sản và khu công nghiệp được hưởng lợi và tăng trưởng từ đầu năm tiếp tục thu hút dòng tiền nhà đầu tư và sẽ còn tăng trưởng các tháng còn lại cuối năm.

Thị trường đang trong giai đoạn dzich dzac với các nhịp sóng ngắn từ 20 – 30 phiên vì vậy nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp sóng để lướt sóng kiếm lợi nhuận. Việc ra vô đúng các nhịp sóng điều không thể nhưng nếu nhà đầu tư chọn đúng cổ phiếu tăng trưởng vẫn sẽ thu được lợi nhuận bất chấp sự biến động liên tục của thị trường.

Như nói trên, việc mua/bán chốt lời ngay trong phiên không phải là “chiêu mới”, nhưng điều này cũng tiềm ẩn rủi ro khi dự báo sai về biến động khiến nhà đầu tư có thể bị mất hàng hay thậm chí lỗ nặng thêm, vậy đâu là chiến lược phù hợp?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Không nên sử dụng margin, hạn chế lướt sóng, tăng cường cơ cấu danh mục, chuyển sang nhóm cổ phiếu phòng thủ sẽ tốt và an toàn hơn cho nhà đầu tư lúc này mà có thể giúp nhà đầu tư tận dụng được cơ hội lớn khi TTCK và nền kinh tế tăng tốc.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng chiến lược phù hợp giai đoạn này là tìm kiếm các cổ phiếu tăng trưởng mạnh trong đó có 4 dòng có thể chú ý là chứng khoán, thép, hóa chất và vận tải. Đồng thời, các nhà đầu tư có thể sử dụng chiến lược đầu tư theo xu hướng để lựa chọn điểm mua/bán theo những cổ phiếu đã lựa chọn thay vì việc lướt sóng mua/bán liên tục.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Chiến lược hiện tại theo tôi là tiếp tục nắm giữ cổ phiếu vì rủi ro thị trường đã giảm bớt, tuy nhiên động lực tăng giá cũng không có nhiều. Việc giải ngân chỉ nên tập trung những cổ phiếu đã hiểu rõ hoặc đang có sẵn vị thế trong danh mục, tránh đầu tư dàn trải sẽ không đạt hiệu quả cao.

Tránh giải ngân những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh; ngược lại có thể mua những cổ phiếu vẫn có kết quả kinh doanh kỳ vọng tăng trưởng giai đoạn tới, chưa tăng nóng, đây sẽ là những cổ phiếu “phòng thủ” tốt nhất khi thị trường biến động giảm điểm bất ngờ, đồng thời là cổ phiếu dẫn sóng đà tăng khi thị trường thuận lợi.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Mỗi nhà đầu tư có chiến lược giao dịch riêng trong đó có rất nhiều nhà đầu tư ưa thích việc giao dịch và lướt sóng liên tục trong phiên và mỗi ngày. Để có thể đạt hiệu quả cao với chiến lược này đòi hỏi nhà đầu tư vận động liên tục, chiến thuật hợp lý và tâm lý vững vàng.

Thị trường hiện nay biến động mạnh với biên độ lớn liên tục theo từng ngày vì vậy việc lướt sóng ra vô liên tục nếu không có tâm lý ổn định sẽ dễ dẫn đến việc đi ngược thị trường và không thu được hiệu quả cao.

Với các nhà đầu tư kinh nghiệm thì thị trường hiện tại là cơ hội lướt sóng rất tốt với điều kiện chọn đúng cổ phiếu. Khi chọn được cổ phiếu tăng trưởng và chờ các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu sẽ đảm bảo lợi nhuận luôn giữ ổn định và không bị ảnh hưởng bởi các nhịp giật của thị trường.

Tin nhanh chứng khoán