Góc nhìn chuyên gia: Siêu hiệp định RCEP khác gì TTP?
Như vậy là sau một thời gian dài thương thảo và đi đến thống nhất, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết hôm 15/11. Nhiều chuyên gia dự đoán sự kiện này sẽ mở ra một chương mới trong hoạt động kinh tế Việt Nam nói riêng và khu vực Asean cùng một số nước Đông Á nói chung.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối mặt với nguy cơ bế tắc do sự rút lui của Mỹ, thì RCEP sẽ là chất xúc tác nhằm thúc đẩy sự tự do thương mại.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Ông Phú chỉ ra điểm khác nhau giữa hai siêu Hiệp định này, theo đó, là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6.
Còn TPP là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. (Mỹ đã rút lui).
Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP khoảng 27 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN.
Theo những thông tin được công bố tại thời điểm hiện tại, RCEP sẽ đưa ra những quy định về thương mại hàng hoá & dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế & kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, luật pháp và các mảng khác có liên quan.
Ông Phú cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của TPP và RCEP là việc áp đặt tiêu chuẩn hoạt động thương mại. Không như TPP được coi là một hiệp định thế hệ mới yêu cầu sự đồng nhất chặt chẽ giữa các nước thành viên và có "chất lương cao", RCEP đặt ra các tiêu chuẩn thấp hơn và chấp thuận việc các nước thành viên đặt các rào cản không đồng nhất.
RCEP chú trọng hơn vào việc phát triển đồng nhất nền kinh tế của khu vực ASEAN, kết hợp giữa tầm nhìn khu vực ASEAN + 3 của Trung Quốc và ASEAN + 6 của Nhật Bản để kết nối giữa những quốc gia đã sẵn có thoả thuận sẵn với nhau.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, RCEP là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Khi thị trường mở cửa, RCEP có hiệu lực, thuế bằng 0 thì đòi hỏi tính cạnh tranh các mặt hàng càng cao. Doanh nghiệp quốc nội cần có những bước đi chiến lược, đi sâu vào chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm ngoại. Không thể để mình thua trên chính sân nhà” - Ông Phú cho hay.
Chuyên gia Phú cho biết thêm, hiểu về luật chơi là chìa khóa dẫn tới thành công, để có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm nhập ngoại, trên hết các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rõ về từng điều khoản trong hiệp định RCEP, chủ động tìm hiểu thông tin, thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
Xuân Tùng